Nhận định trên được ông Chung và một đồng sự đưa ra trong bài báo có tiêu đề “Chiến lược tái mở cửa trong thời kỳ Covid-19 sắp tới tại Trung Quốc”, đăng tải bằng tiếng Anh trên tạp chí National Science Review của Viện Khoa học Trung Quốc ngày 6/4, South China Morning Post đưa tin.
“Trung Quốc cần tái mở cửa để đưa việc phát triển kinh tế - xã hội về trạng thái bình thường, cũng như thích ứng với trạng thái tái mở cửa toàn cầu”, các tác giả viết. “‘Zero Covid-19’ kéo dài không thể thực hiện về dài hạn”.
Một bản dịch tiếng Trung của bài báo được báo chí Trung Quốc đăng tải hôm 18/4, nhưng bị xóa đi sau đó.
Ngày 19/4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược này, bất chấp số ca mắc mới Covid-19 tăng cao, theo Tân Hoa xã.
Ông Chung Nam Sơn là chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh đường hô hấp. Ảnh: South China Morning Post. |
Ông Chung Nam Sơn cùng đồng sự cũng cho rằng chiến lược “Zero Covid-19” là điểm mấu chốt giúp Trung Quốc giảm thiểu số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trong thời gian qua. Theo các tác giả, việc mở cửa cũng không nên thực hiện nhanh chóng và toàn diện.
“Việc tiêm chủng nhanh chóng và miễn dịch cộng đồng tạo cơ sở để một số nước phát triển mở cửa toàn diện. Dù vậy, điều này không nhất thiết dẫn tới sự mở cửa nhanh chóng và toàn diện ở Trung Quốc đại lục”, các tác giả nhận định.
Theo hai chuyên gia, để có thể mở cửa một cách “trật tự và hiệu quả”, Trung Quốc cần bắt buộc tiêm chủng ở quy mô toàn quốc, bảo vệ nhóm người cao tuổi, cũng như tiêm chủng tăng cường bằng vaccine áp dụng các công nghệ khác nhau.
Ông Chung Nam Sơn là một trong những chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh đường hô hấp. Ông từng đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát đại dịch SARS năm 2003, cũng như tham gia cố vấn cho chính phủ trong đại dịch Covid-19. Phát biểu của ông Chung được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng dịch tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện cuối năm 2019.
Để thực thi chiến lược “Zero Covid-19”, giới chức thành phố áp đặt các lệnh phong tỏa quyết liệt, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp cũng phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc lẫn toàn cầu.