Bàn đến việc thích lập kỷ lục ở nước ta, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho rằng rất nên có những kỷ lục nghiêm túc, tức là những kỷ lục lập ra để hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những thứ kỷ lục nảy ra từ lòng tham, ý muốn chủ quan có phần vụ lợi của một số cá nhân, từ tâm lý thích những cái to lớn mà không đem lại bất kỳ giá trị tích cực nào không nên tồn tại vì vừa hao tài, tốn của, vừa phản cảm và không phù hợp.
Kỷ lục linh tinh, kỷ lục vớ vẩn
- Nhìn nhận về những kỷ lục được lập ra ở nước ta gần đây, ông đánh giá như thế nào?
- Tôi thấy ở nước ta có nhiều kỷ lục linh tinh, kỷ lục vớ vẩn. Theo tôi, đối với người Việt, để đạt được những kỷ lục có giá trị chung mà loài người chia sẻ thì chúng ta không làm được nhưng lại xoay ra lập những kỷ lục linh tinh, kỷ lục vớ vẩn. Chẳng cần tìm đâu xa, ngay trên đường phố thôi cũng dễ bắt gặp những kỷ lục được người ta khoa trương, nhấn mạnh.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về những kỷ lục đó?
- Ví dụ ở Hà Nội tôi thấy có con đường rất ngắn được gắn biển là con đường đẹp nhất Việt Nam nhưng nghĩ mãi cũng không biết nó đẹp ở cái gì. Chuyện kỷ lục về bánh chưng trong dịp giỗ tổ Hùng Vương cũng thế, đi lập kỷ lục về bánh chưng làm gì khi mà cả thế giới chỉ có nước ta nấu bánh chưng, chúng ta nấu cái nào chẳng là kỷ lục so với thế giới. Cứ hì hục lập ra những kỷ lục kỳ quặc như thế. Tốt nhất là quy ra gạo nấu cháo cho các bệnh nhân nghèo.
- Theo ông, tại sao lại có hiện tượng lập kỷ lục như thế?
- Nhiều doanh nghiệp họ muốn sử dụng phương pháp lập kỷ lục để gây chú ý, tạo ra hiệu ứng quảng cáo cho bản thân. Có câu châm ngôn là tiếng lành đồn xa mà tiếng xấu còn đồn xa hơn. Thế nên rất nhiều trường hợp ngôi sao trong làng giải trí muốn giật gân để nổi tiếng cũng tạo ra chuyện nọ, chuyện kia.
Vì thế, một cô gái ăn mặc hở hang lên mạng nhảy nhót cũng nổi tiếng, cũng thành một thương hiệu. Chơi trội cũng là một kiểu lập kỷ lục vì chẳng ai làm thế cả. Rõ ràng ở đây chúng ta thấy một chuyện nữa nói đến cùng hành vi này đẩy quá lên cũng là một loại hành vi lệch chuẩn. Bởi vì trên một tư duy lành mạnh, người ta cũng phải tính toán những hệ quả mà nó để lại.
Chiếc bánh chưng khủng nặng 2,5 tấn dâng lên bàn thờ quốc tổ tại Đầm Sen, TP HCM. |
Lập kỷ lục để bù đắp tâm lý
- Ở trên ông mới lý giải từ góc độ của doanh nghiệp, còn về sâu xa hơn thì sao, có nguồn cơn nào tạo nên hành vi thích lập kỷ lục không?
- Sâu xa hơn thì rõ ràng có nhiều vấn đề. Theo tôi, những dân tộc nghèo, chậm phát triển thường rất hay đua đòi. Tôi biết có những tỉ phú họ chỉ mặc cái áo sơmi 65 USD, đi đôi giày cũng bình thường, còn ở ta tiền không có nhưng cũng mua xe vài trăm ngàn USD, khoe mẽ, thậm chí dùng nó đi lòe bịp thiên hạ để lừa đảo, cuối cùng dẫn đến kết quả bi thảm, xấu cho xã hội.
Những kỷ lục để đánh bóng hình ảnh đều nằm trong khuôn khổ đó là sự bù đắp tâm lý với nhiều thứ linh tinh khác nhau. Nhìn theo chiều hướng nào cũng bất ổn cả.
- Ở trên ông có nhắc đến yếu tố dân tộc, vậy theo ông, ở khía cạnh này thì đất nước ta có những điều gì để cho bệnh thích kỷ lục có đất sống?
- Chúng ta thấy cho đến ngày hôm nay, hơn 70 % dân số người Việt là nông dân, mà tính chất của nông dân, đặc biệt là nông dân trồng lúa nước, trồng trọt là tính làng xã, tính biệt lập.
Đối với người Việt nói chung, thành công gì cũng phải kéo về làng cũ của mình, làng là đơn vị quan trọng nhất của mỗi cá nhân. Từ làng thì nhìn ra được tính cách của đất nước luôn, cho nên đi ra thế giới mênh mông quá thì anh dễ bị khớp và dễ làm những cái gì đó hơi lố, hơi nhà quê.
Anh cảm thấy mình rất nhỏ bé, để bù đắp tâm lý đó anh phải làm ra một cái gì để chứng minh rằng mình chẳng kém ai cả. Tôi không có ý định nói xấu nông dân nhưng thực ra thì ở đó có dấu vết của một xã hội chưa tiến triển khỏi thôn dã, làng bản. Tư tưởng tiểu nông có hẳn một hệ lý thuyết.
Tức là người ta chỉ biết loanh quanh cái bờ rào của mình, kỷ luật cao nhất của cư dân nông thôn là bị đuổi ra khỏi làng, trong khi đó trong thế giới phẳng người ta có thể đi khắp thế giới chỉ cần một hộ chiếu, một chút hiểu biết… Đối với người Việt, điều đó còn rất xa vời.
-Tôi có cảm nhận rằng khi người ta vẫn muốn lập kỷ lục tức là người ta vẫn cảm thấy kỷ lục đó đem lại điều gì cho họ, ông có nghĩ như thế?
- Đúng là nó tồn tại vì bản thân người lập kỷ lục thấy có hiệu quả, ít nhất là đối với cá nhân họ. Ví dụ có những người giàu thích chơi trội mà chúng ta gọi là trọc phú, họ khoe khoang sự giàu có của mình thì họ cảm nhận họ ngạo nghễ hơn, được thừa nhận hơn. Nhưng nói đi nói lại thì tất cả đều nằm trong câu chuyện mặc cảm và tự ti cả, không thể vượt qua được.
Xin cám ơn ông!