Đều là những doanh nghiệp đầu ngành của thị trường bánh phồng tôm trong nước và xuất khẩu, Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang và Công ty CP Thực phẩm Bích Chi mỗi năm có thể thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận từ mặt hàng này.
Năm 2019, cũng nhờ bánh phồng tôm và các mặt hàng chế biến từ gạo tăng trưởng tốt mà lợi nhuận của cả hai doanh nghiệp này đều tăng mạnh.
Tuy có quy mô doanh thu nhỏ hơn, Công ty Sa Giang lại là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về thị phần bánh phồng tôm nội địa.
Năm vừa qua, doanh nghiệp này thu về 319 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 10% so với năm liền trước. Đóng góp lớn trong tỷ trọng doanh thu hàng năm là bánh phồng tôm với gần 80% số thu hợp nhất, mang về hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Cũng nhờ tăng trưởng ở thị trường bánh phồng tôm mà biên lãi gộp của doanh nghiệp này năm qua đã tăng từ 18% lên 21,2% và là nguyên nhân trực tiếp giúp lợi nhuận sau thuế tăng hơn 43%, đạt 33 tỷ đồng.
Bên trong xưởng sản xuất bánh phồng tôm của Công ty Sa Giang. Ảnh: SGC. |
Tính bình quân, mỗi ngày Sa Giang thu gần 90 triệu tiền lãi từ mặt hàng thực phẩm giá rẻ nói trên.
Kết quả này đã vượt chỉ tiêu kinh doanh cả năm mà ban lãnh đạo công ty đề ra với sản lượng tiêu thụ 7.300 tấn bánh phồng tôm và 1.200 tấn các sản phẩm từ gạo (hủ tiếu, bún phở…), tương đương 313 tỷ doanh thu và 31 tỷ lãi trước thuế.
Trước đó, doanh nghiệp này đã trải qua năm 2018 tương đối khó khăn khi không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm về sản lượng và hiệu quả lợi nhuận. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm là do giá nguyên liệu tăng quá cao.
Với Bích Chi, cùng là doanh nghiệp có gốc từ tỉnh Đồng Tháp và cũng hoạt động chính với các sản phẩm từ gạo, tuy nhiên tỷ trọng lớn doanh thu của công ty này đến từ việc xuất khẩu bánh phồng tôm.
Với thị trường chính là nước ngoài, doanh thu của Bích Chi cũng cao hơn đáng kể so với doanh nghiệp cùng tỉnh.
Năm 2019, công ty này đạt 539 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% và 65 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 67%. Bình quân mỗi ngày Bích Chi bán được gần 1,5 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng gần 180 triệu.
So với kế hoạch kinh doanh đặt ra với 480-540 tỷ doanh thu và 42-50 tỷ đồng lợi nhuận, nhà sản xuất bánh phồng tôm này đã vượt xa con số lợi nhuận đề ra.
Tương tự như Sa Giang, nguyên nhân giúp Bích Chi gia tăng hàng chục tỷ lợi nhuận năm vừa qua cũng đến từ việc cải thiện biên lãi gộp từ 21,6% lên 27,4%.
Trước đó, cả hai doanh nghiệp này đều cho biết yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh của công ty là giá nguyên liệu đầu vào. Lãnh đạo Bích Chi từng cho biết, mỗi khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đều khiến lợi nhuận công ty bị ảnh hưởng.
Như năm 2018, giá nhiều loại nguyên liệu đều tăng như giá tinh bột khoai mì có thời điểm tăng 35-40% so với cùng kỳ; giá gạo tăng 15-20%; giá trấu tăng 10-15%... ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của công ty.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất các công ty này gặp phải những năm vừa qua là lực lượng lao động sụt giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tỉnh Đồng Tháp có chủ trương khuyến khích đi lao động nước ngoài nên số người dịch chuyển đi làm ở Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc tăng cao. Đồng Tháp hiện cũng là tỉnh đứng đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu lao động.
Giai đoạn 2018-2019, cũng là thời điểm xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nóng, thu hút hàng nghìn lao động bổ sung cho ngành. Do đó không riêng Bích Chi mà nhiều doanh nghiệp ngành chế biến sản phẩm từ gạo đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động dẫn tới hiện tượng kéo dài giờ sản xuất, hao mòn sức lao động.