Trao đổi với Zing, lãnh đạo của Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM cho biết Ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM đã mở cuộc họp vào sáng 23/6 sau sự việc Chùa Nghệ sĩ đổi tên thành Nghĩa trang Nghệ sĩ gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Tại cuộc họp, Ban Ái hữu Nghệ sĩ thừa nhận khuyết điểm trong việc tháo bảng tên Chùa Nghệ sĩ. Họ cho rằng hành động nóng vội kể trên xuất phát từ việc Ban Ái hữu muốn nhanh chóng chấn chỉnh lại các hoạt động của chùa.
Chùa Nghệ sĩ đổi tên thành Nghĩa trang Nghệ sĩ. Ảnh: Tiến Vũ. |
Ban Ái hữu cũng nêu một số ý chính dựa trên các nội dung trong cuộc họp trước đó do Phòng Nội vụ (UBND quận Gò Vấp chủ trì ngày 13/3) về việc xác định nguồn gốc và lịch sử khu đất sử dụng để làm nghĩa trang và Chùa Nghệ sĩ. Trong đó, Chùa Nghệ sĩ không thuộc Giáo hội Phật giáo quận Gò Vấp.
"Chiều 18/6, Ban quản lý nghĩa trang Nghệ sĩ đã gắn bảng tên Hội Sân khấu TP.HCM - Nghĩa trang Nghệ sĩ mà chưa thông qua ban chấp hành. Sự việc đã gây xôn xao dư luận và ảnh hưởng không tốt đến truyền thống nghĩa tình, nhân văn mà Ban Ái hữu đề ra trước đó. Vì thế, sau cuộc họp ngày 20/6, Thường vụ Hội Sân khấu TP.HCM đã trực tiếp khảo sát thực địa và tiến hành tháo gỡ bảng tên chưa phù hợp. Đồng thời, đưa ra vấn đề chỉnh trang chùa và nghĩa trang nghệ sĩ tại cuộc họp ngày 23/6 để thống nhất phục hồi nguyên trạng ban đầu", đại diện của Ban Ái hữu cho hay.
Vào ngày 16/8, cổng Chùa Nghệ sĩ được đổi tên thành Nghĩa trang Nghệ sĩ khiến dư luận bất bình. Nhiều nghệ sĩ gạo cội, khán giả bày tỏ sự tiếc nuối, lo lắng nếu một di tích quan trọng bị xóa bỏ, lãng quên.
Bà Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM nói với Zing việc thay đổi bảng hiệu của Chùa Nghệ sĩ thành Nghĩa trang Nghệ sĩ là chưa chính xác. Vì thế, Hội quyết định khôi phục lại tên cũ.
"Chùa Nghệ sĩ là di tích lịch sử, không thể nào xóa bỏ được. Nơi đây là chốn yên nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ. Hội Sân khấu luôn muốn ngôi chùa được quản lý quy củ, khang trang, sạch sẽ. Chúng tôi tiếp tục làm việc với ban quản lý của Chùa Nghệ sĩ", bà Trịnh Kim Chi nói.
Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự, Phật Quang Tự) tọa lạc ở địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Đây là nơi an nghỉ của hơn 700 ngôi mộ và hài cốt của các nghệ sĩ cải lương nhiều năm gắn bó với ánh đèn sân khấu.