Cụ thể, đợt tăng vốn gần nhất của Bamboo Airways đã hoàn tất vào ngày 17/4, nâng tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp lên mức 7.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của hãng bay này đã tăng gần 3.000 tỷ đồng ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và danh tính nhà đầu tư góp vốn chưa được tiết lộ.
Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hàng không Việt Nam, Bamboo Airways đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đợt tăng vốn, Bamboo Airways có vốn điều lệ là 4.050 tỷ đồng, trong đó theo báo cáo tài chính của Tập đoàn FLC, doanh nghiệp này nắm 51,11% cổ phần của hãng, giá trị góp vốn tính tới quý IV/2019 là 2.070 tỷ đồng. Phần lớn cổ phần còn lại thuộc sở hữu của cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways và một lượng nhỏ do ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways nắm giữ.
Doanh nghiệp hiện chưa công bố cơ cấu cổ đông sau khi tăng vốn điều lệ.
Trước đó vào giữa tháng 4, Bamboo Airways đã khẳng định nội dung "Bamboo Airways đã bán 49% cổ phần cho Trung Quốc" hoàn toàn là giả mạo. Hãng bay khẳng định danh sách cổ đông của Bamboo Airways hiện không có bất cứ nhà đầu tư nào có quốc tịch Trung Quốc hay bất cứ cổ đông nào là tổ chức có vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Với vốn điều lệ mới là 7.000 tỷ đồng, Bamboo Airways hiện có vốn điều lệ cao hơn Vietjet Air. Hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có vốn điều lệ 5.416 tỷ đồng. Sau lần tăng vốn gần nhất, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện có vốn điều lệ là 14.182 tỷ đồng.
Bamboo Airways đang có kế hoạch niêm yết toàn bộ 405 triệu cổ phiếu BAV của mình lên sàn trong năm 2020 với giá tham chiếu 60.000 đồng/cổ phiếu.
Để bổ sung dòng tiền nhằm vượt qua khủng hoảng Covid-19, Vietnam Airlines đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020. Vietjet Air cũng đã thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí cũng như đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn các khoản phải trả từ 3-12 tháng.