Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bamboo Airways ra sao sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?

Nhà chức trách hàng không nhận định việc chủ tịch HĐQT, cổ đông lớn nhất của Bamboo Airways - ông Trịnh Văn Quyết - bị bắt, trước mắt chưa gây ra xáo trộn lớn nào tới hãng bay.

Cụ thể, Cục Hàng không khẳng định lực lượng phi công, nhân viên kỹ thuật, tiếp viên hàng không, nhân viên điều độ khai thác bay... của Bamboo Airways vẫn đang được đảm bảo theo quy định.

Cục chưa ghi nhận văn bản nào của các chủ máy bay về yêu cầu thanh toán và dừng khai thác máy bay do Bamboo Airways thuê. Hãng cũng đã cam kết duy trì hoạt động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với khách hàng, hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ hàng không, hợp đồng thuê máy bay, khai thác bảo dưỡng và tiếp tục mở rộng đường bay, đội bay theo kế hoạch.

Còn đủ vốn

Việc cơ quan chức năng siết kiểm soát với Bamboo Airways đến từ việc cổ đông lớn nhất của hãng là chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt hôm 29/3. Cục Hàng không cho biết ông Quyết đã trực tiếp góp hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương 40,03% cổ phần của hãng.

Bên cạnh đó, FLC cũng góp hơn 3.580 tỷ đồng, tương đương 51,24% cổ phần, đồng nghĩa ông Quyết nắm thêm lượng cổ phần trị giá 1.088 tỷ đồng do vị này sở hữu 30,3% vốn tại FLC.

ong trinh van quyet bi bat anh 1

Trừ phần góp vốn trực tiếp và gián tiếp của ông Trịnh Văn Quyết, Cục Hàng không đánh giá Bamboo Airways vẫn đủ vốn hoạt động và đáp ứng quy định tối thiểu về vốn tại Nghị định 89. Ảnh: Hoàng Hà.

Với việc tổng vốn góp của ông Quyết khoảng 3.890 tỷ đồng, chiếm 55,5% cổ phần của Bamboo Airways, đã có nhiều lo ngại về việc ông Quyết bị khởi tố bị can, bắt tạm giam sẽ khiến hãng bay gặp khó khăn về nguồn lực hoạt động. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không, vốn chủ sở hữu hiện tại của Bamboo Airways nói chung và trường hợp tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa vẫn đáp ứng điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định về vốn tối thiểu tại Nghị định 89 là 700 tỷ đồng.

Trừ đi khoản góp vốn trực tiếp và gián tiếp của ông Quyết, khoảng 3.890 tỷ đồng, Bamboo Airways vẫn còn 3.110 tỷ đồng vốn góp của các cổ đông khác.

Con số mà Cục Hàng không đề cập được tính theo vốn đăng ký 7.000 tỷ đồng của Bamboo Airways. Sau lần đăng ký tăng vốn điều lệ gần nhất, Bamboo Airways đã nâng con số này lên 18.500 tỷ đồng, toàn bộ số vốn tăng thêm được góp bằng Đồng Việt Nam và là nguồn vốn tư nhân. Cơ cấu sở hữu vốn tại hãng bay sau khi tăng vốn không ghi nhận thay đổi.

Nếu tính theo vốn điều lệ đăng ký gần nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số vốn mà ông Trịnh Văn Quyết góp vào Bamboo Airways sẽ tương ứng 10.267,5 tỷ đồng và vốn mà các cổ đông còn lại của hãng góp là 8232,5 tỷ đồng, vượt xa mức quy định về vốn tối thiểu là 700 tỷ đồng.

Sẽ chịu kiểm soát chặt

Dù Bamboo Airways đảm bảo được về vốn hoạt động sau khi ông Quyết bị khởi tố, lãnh đạo Cục Hàng không vẫn khẳng định để đánh giá chính xác các tác động và duy trì đảm bảo an toàn của hãng bay, cũng như bảo vệ quyền lợi của hành khách, Cục sẽ theo dõi tình hình hoạt động của hãng và triển khai nhiều biện pháp.

"Cục Hàng không Việt Nam sẽ hỗ trợ Bamboo Airways theo thẩm quyền khi cần thiết nhằm giúp hãng vượt qua khó khăn hiện nay, duy trì phát triển ổn định, bền vững", văn bản của Cục nêu.

Theo đó, cơ quan này sẽ theo dõi, lập danh mục công việc bảo dưỡng, khai thác và kế hoạch huấn luyện của Bamboo Airways trong 6 tháng tới, kết hợp với chương trình kiểm tra an toàn hàng năm để đánh giá năng lực tài chính, hoạt động bảo dưỡng, khai thác theo các quy định an toàn hàng không.

ong trinh van quyet bi bat anh 2

Cục Hàng không sẽ siết kiểm soát Bamboo Airways để đảm bảo hoạt động khai thác. Ảnh: Hoàng Hà.

Nội dung giám sát tập trung vào công tác bảo dưỡng máy bay, đảm bảo vật tư, việc tổ chức huấn luyện nhân viên hàng không liên quan an toàn bay như phi công, tiếp viên và nhân viên bảo dưỡng. Nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng sẽ giám sát chặt chẽ biến động nhân sự, công tác đảm bảo nguồn lực của hãng.

Đồng thời, Cục sẽ theo dõi chặt chẽ công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi của hành khách, tỷ lệ sử dụng phép bay (slot), tỷ lệ đúng giờ (OTP), tỷ lệ chậm hủy chuyển và sản lượng vận chuyển để đánh giá tình trạng tài chính, năng lực khai thác của hãng.

Lần gần nhất Bamboo Airways công bố kết quả kinh doanh là trong báo cáo tài chính năm 2020 gửi Sở Giao thông Vận tải Mỹ (DOT) để mở đường bay từ Việt Nam tới nước này. Trong báo cáo, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.048 tỷ đồng năm 2020, tăng 16% so cùng kỳ năm 2019.

Do kinh doanh dưới giá vốn, Bamboo Airways chịu lỗ gộp hơn 3.604 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh lên hơn 4.600 tỷ đồng, Bamboo Airways vẫn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 310,9 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Bamboo Airways đạt 13.467 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 7.564 tỷ đồng, nợ phải trả đứng ở mức 5.902 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn (5.238 tỷ đồng).

Cục Hàng không giám sát chặt hoạt động của Bamboo Airways

Chiều 30/3, Cục Hàng không đã tổ chức họp khẩn với lãnh đạo chủ chốt của Bamboo Airways, đánh giá rủi ro, đảm bảo hoạt động bay an toàn tuyệt đối.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm