Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bám Trung Quốc, nông sản bị rẻ rúng

Hiện nay tất cả doanh nghiệp chế biến và lưu thông rau quả vẫn chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và GTGT cao.

Rau củ, trái cây của Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc (TQ). Phần lớn sản lượng thanh long, dưa hấu… đều xuất khẩu qua TQ nhưng cơ sở hạ tầng của các cửa khẩu hiện nay chưa đáp ứng được so với thực tế dẫn đến cảnh ùn tắc ở biên giới.

Đó là thực tế được các đại biểu nêu ra ở hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả theo hướng bền vững do Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 14/5 tại Hà Nội.

Sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng yếu

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang TQ chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Đối tác TQ thường xuyên áp dụng chính sách thương mại biên giới của địa phương với các hình thức buôn bán không ổn định nên gây ra những khó khăn và rủi ro bất thường cho thương lái Việt Nam. Chẳng hạn, người trồng dưa hấu Việt Nam xuất qua TQ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) 500-600 xe/ngày, trong khi phía bạn chỉ tiêu thụ 300-400 xe nên gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Đây là nguyên nhân khiến giá dưa hấu bị sụt giảm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng sản xuất rau quả của Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, sản xuất không theo quy hoạch; công tác mùa vụ sản xuất không tập trung, dễ nảy sinh tình trạng nguồn cung thay đổi nên khủng hoảng thừa nông sản. Mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ rau củ quả chưa được hình thành. Tình trạng được mùa mất giá chưa được khắc phục và tồn đọng hàng hóa lớn vẫn thường xuyên diễn ra hằng năm (dưa hấu, hành tím…).

Vải thiều là mặt hàng chủ yếu xuất khẩu sang TQ, thường gặp tình cảnh được mùa rớt giá.

Vải thiều là mặt hàng chủ yếu xuất khẩu sang TQ, thường gặp tình cảnh được mùa rớt giá.

Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết chế biến và bảo quản sau thu hoạch rau quả của Việt Nam chủ yếu làm thủ công, công nghệ bảo quản yếu, tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lên đến 30%.

Chi phí lưu thông sản phẩm quá cao

Ông Lê Văn Ánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng muốn phát triển bền vững hàng nông sản thì cần phải quan tâm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ngành nông nghiệp được ưu đãi nhiều về thuế nhưng các chi phí trong lưu thông rau quả để tạo thành chuỗi khép kín chưa được tính đến. Hiện nay tất cả DN chế biến và lưu thông vẫn chịu thuế thu nhập DN và GTGT cao.

“Để giải quyết được tình trạng ùn ứ nông sản ở biên giới, cơ quan quản lý cần mở rộng thêm cửa khẩu thông quan, tăng thời gian thông quan. Nhà nước cần có chính sách giảm chi phí lưu thông, sản xuất, kiểm dịch để gỡ khó cho DN”, ông Ánh kiến nghị.

Giải đáp băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng vai trò của DN rất quan trọng trong việc tham gia chuỗi để đảm bảo sản xuất bền vững cho ngành nông nghiệp. Các bộ, ngành sẽ xem xét cơ chế tạo thuận lợi cho các DN tham gia đầu tư dự án chế biến, xây dựng hạ tầng kho bãi, đặc biệt nâng cao chất lượng hàng hóa. Song bản thân DN cũng cần xem lại năng lực để phù hợp với cơ chế và điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay. 

“DN nên chủ động, không nên chờ vào chính sách. Nhà nước sẽ tạo thuận lợi giảm bớt kiểm dịch thực vật cho các DN ở những thị trường chưa cần thiết; cắt giảm chi phí giao thông vận tải… Thế nhưng về lâu dài, Nhà nước không thể trợ giá hay hỗ trợ mà phải bằng năng lực cạnh tranh thực sự của sản phẩm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Áp dụng công nghệ bảo quản để tăng giá trị hàng hóa

Trong khi đó, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng vấn đề căn bản của nông sản Việt Nam nằm ở khâu bảo quản sau thu hoạch. Khâu bảo quản yếu khiến chất lượng nông sản giảm rất nhiều. 

Ở các nước, nông sản sau thu hoạch có thể bảo quản lâu năm, Việt Nam có rất nhiều thành tựu khoa học công nghệ, nếu phát triển được công nghệ bảo quản sẽ giảm được gần 30% chi phí giá thành cho sản phẩm. 

“Nếu ăn xoài cát ở Cần Thơ rất thơm, ngọt nhưng khi vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ, chất lượng quả xoài giảm đi rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta không áp dụng công nghệ bảo quản để đem lại giá trị cho hàng hóa?”, ông Nam đề xuất.

Còn đại diện UBND tỉnh Quảng Nam lại cho rằng sản xuất phải căn cứ vào thị trường. TQ là thị trường lớn tiêu thụ nông sản Việt Nam nhưng hàng hóa lại đi qua tiểu ngạch. Do vậy vai trò của cơ quan dự báo thị trường rất quan trọng, Nhà nước cần hỗ trợ thông tin đầy đủ hơn về thị trường này để các địa phương định hướng sản xuất sản phẩm lâu dài.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia. Trong đó các thị trường chính là TQ, Nhật, Mỹ, Nga… 

Riêng thị trường TQ chiếm khoảng 30% với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 hơn 435 triệu USD. Tính đến hết quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang TQ tăng rất mạnh, ở mức 131 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thanh long, dưa hấu, hành…

Chúng ta đã có quy hoạch trồng loại cây gì cho từng vùng nhưng quy hoạch không tuân thủ gây ra nhiều bất cập. Một số địa phương phát triển nông sản nhanh thiếu bền vững và hiệu quả thấp. Đã đến lúc phải làm rõ vai trò của chính quyền địa phương. Quy hoạch đã có rồi, cơ chế vận hành theo nguyên tắc thị trường nên không thể dùng biện pháp hành chính.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Vào mùa thu hoạch, trái cây miền Tây giảm giá thê thảm

Đang vào mùa thu hoạch rộ trái cây nhưng nhà vườn rất khó tiêu thụ. Đáng buồn hơn, những sản phẩm phải tốn hàng ngàn USD để làm chứng nhận GlobalGAP nhưng chỉ bán trong nước.

http://phapluattp.vn/kinh-te/bam-trung-quoc-nong-san-bi-re-rung-553790.html

Theo Trà Phương/Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm