Tháng 4 năm ngoái, Nguyễn Hà Đông, một thanh niên 28 tuổi sống cùng cha mẹ ở Hà Nội và làm nghề lập trình các thiết bị định vị cho xe taxi, dành thời gian cuối tuần để làm game (trò chơi) cho điện thoại di động. Hai tuần sau khi Flappy Bird bị “khai tử”, tờ Rolling Stone đã có cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hà Đông.
Mục tiêu của Đông khi đó là tạo ra được những trò chơi đơn giản nhưng nhiều thử thách, giống như tinh thần của các trò chơi Nintendo mà anh đã chơi khi còn nhỏ. Trò Flappy Bird ra đời từ đó, với một chú chim mắt lồi, mỏ lớn, di chuyển giữa những cái ống màu xanh.
Ngày 24/5, Nguyễn Hà Đông đưa Flappy Bird lên App Store, miễn phí. Anh chỉ hy vọng kiếm được vài trăm USD mỗi tháng từ quảng cáo bên trong trò chơi. Tuy vậy, với 25.000 ứng dụng mới được đưa lên mạng Internet mỗi tháng, Flappy Bird nhanh chóng bị chìm nghỉm. 8 tháng sau đó, điều bất ngờ đã xảy đến. Flappy Bird lan nhanh như một loại virus. Đến tháng 2/2014, game này trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia và đạt trên 50 triệu lượt tải về. Nguyễn Hà Đông kiếm được số tiền ước tính lên tới 50.000 USD/ngày. Ngay cả Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, mới đầu cũng không giàu lên nhanh như thế.
Nguyễn Hà Đông, tác giả game Flappy Bird. |
Ngày 9/2, Đông bất ngờ tuyên bố xóa Flappy Bird, và ngày 10/2, tuyên bố này của anh thành sự thật. Một lần nữa, cộng đồng mạng lại “phát rồ” với câu hỏi lớn: Anh ta là ai và tại sao lại làm thế?
Bị giới truyền thông săn lùng, Đông đã rời khỏi nhà cha mẹ và tới “ẩn mình” trong căn hộ của một người bạn. Phóng viên Rolling Stone miêu tả, Nguyễn Hà Đông có vẻ bề ngoài “trẻ con”, mảnh khảnh, mặc quần jeans và áo phông màu xám. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, anh nói năng đầy thận trọng. “Tôi chỉ muốn làm thứ gì đó vui vui để chia sẻ với người khác”, Đông nói với sự hỗ trợ của một phiên dịch. “Tôi không thể đoán trước được thành công của Flappy Bird”.
“Cha đẻ” Flappy Bird cho biết, anh lớn lên ở làng lụa Vạn Phúc. Trước kia, cha anh có một cửa hàng phần cứng máy tính còn mẹ là công chức nhà nước. Khi còn nhỏ, anh say mê trò chơi Super Mario Bros. Năm 16 tuổi, Đông đã viết được mã cho chương trình chơi cờ trên máy tính của riêng mình. 3 năm sau, khi đang học đại học, anh lọt top 20 trong một cuộc thi lập trình và nhận được vào thực tập trong công ty game di động Punch Entertainment. Ông Bùi Trường Sơn, sếp cũ của Sơn nói rằng, lập trình viên trẻ này nổi bật bởi tốc độ, kỹ năng, và khả năng làm việc độc lập cao.
Tuy nhiên, Đông không hứng thú lâu với việc làm các game thể thao cho Punch Entertainment. Khi bắt đầu có điện thoại iPhone, anh chuyển sang đam mê những khả năng của màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, khi đó hầu như chưa có trò chơi nào cho điện thoại cảm ứng có được sự đơn giản như game Nintendo mà anh yêu thích khi còn bé. Đông cho rằng, game Angry Bird trông quá đông đúc. “Tôi không thích phần đồ họa. Trông quá đông đúc”, Đông nói về trò này.
Từ đó, Đông muốn làm ra trò chơi cho những người giống như anh: bận rộn, vội vã và luôn di chuyển. “Khi chơi game trên di động thông minh, cách đơn giản nhất là chỉ chạm tay vào màn hình”, Đông nói.
Để đảm bảo sự đơn giản tối đa cho Flappy Bird, Đông chỉ đưa vào trò chơi này hai yếu tố, chú chim và những chiếc ống. Tuy nhiên, tính vật lý đã được Đông phát huy trong Flappy Bird. Chú chim như thế đang bị trọng lực kéo xuống trong quá trình bay, nên chỉ cần một cú chạm sai, dù rất nhỏ, là chú chim sẽ “chết”.
Trước dịp 30/4/2013, Nguyễn Hà Đông giới thiệu về “trò chơi mới đơn giản” của mình. Ngoài một vài dòng tweet, Đông không có nỗ lực marketing nào khác cho Flappy Bird. Giống như nhiều game khác, trò này chìm nghỉm. Nhưng 5 tháng sau đó, Flappy Bird lần đầu được một người khác đề cập trên Twitter. Đó là vào ngày 4/11/2013, khi một ai đó viết vỏn vẹn: “F*** Flappy Bird”. Câu “chửi” này đã tóm gọn bản chất sức hấp dẫn của Flappy Bird: rất dễ chơi, nhưng cũng cực dễ “chết”, và khả năng “gây nghiện” rất cao khi một ai đó đã “lỡ” chơi.
Đến cuối tháng 12, trên các mạng xã hội, mọi người đua nhau than thở, thi đấu, và đập vỡ điện thoại của mình vì Flappy Bird. Mạng Twitter đã có tới 16 triệu tin nhắn được gửi đi liên quan tới trò chơi này. Có người gọi Flappy Bird là “trò chơi khó chịu nhất nhưng tôi không thể dừng lại”, một người nói trò này “đang từ từ gặm nhấm cuộc đời tôi”.
Người ta nói về Flappy Bird từ Reddit tới YouTube, từ công viên tới văn phòng. Đến ngày 17/1, Flappy Bird chiếm vị trí đầu bảng của các ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store mà chẳng cần quảng cáo, kế hoạch, logic, hay bất kỳ thứ gì khác. Một tuần sau đó, Flappy Bird nhảy lên vị trí số 1 trong Google Play.
“Thấy trò chơi nhảy lên vị trí cao nhất, tôi thấy thật tuyệt”, Đông nhớ lại. Cũng như những người khác, anh cảm thấy sốc vì sự thăng hạng chóng mặt của Flappy Bird và số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh. Cho dù Apple và Google lấy 30% doanh thu, Đông ước tính anh kiếm được 50.000 USD/ngày. Tuy vậy, ngoài việc mua một máy tính Mac mới và đưa bạn đi ăn lẩu gà, Đông chưa tiêu xài gì khác số tiền anh kiếm được.
“Tôi không thể cảm thấy quá vui. Tôi không hiểu tại sao”, Đông nói lặng lẽ. Thậm chí, Đông cũng không nói với bố mẹ về những gì anh đã làm. “Bố mẹ tôi không hiểu về game”, Đông giải thích. Chỉ tới khi đọc báo và xem truyền hình, bố mẹ Đông mới biết chuyện.
Giới truyền thông Việt Nam nhanh chóng “bao vây” ngôi nhà nơi Đông ở. Đó có thể chỉ là một “cái giá” nhỏ phải trả cho sự nổi tiếng và số tiền lớn Đông kiếm được, nhưng anh cảm thấy ngạt thở bởi sự chú ý như thế. “Đó là điều tôi không bao giờ muốn. Xin hãy để tôi yên”, Đông viết trên Twitter.
Tuy nhiên, Đông nói rằng, điều anh cảm thấy tệ nhất lại là một chuyện hoàn toàn khác. Đông đã đưa cho phóng viên của Rolling Stones xem chiếc điện thoại iPhone của anh trong đó có nhiều tin nhắn mà anh đã lưu lại. Một tin nhắn từ một người phụ nữ nói Đông đã “khiến trẻ em trên toàn thế giới xao nhãng”. Một người khác phàn nàn “13 trẻ em ở trường tôi đã đập vỡ điện thoại của mình vì trò chơi của anh. Và chúng vẫn tiếp tục chơi vì bị nghiện”.
Đông còn kể về những bức email của những người bị mất công việc, một bà mẹ không còn trò chuyện với con cái, chỉ vì Flappy Bird. “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là họ đùa. Nhưng tôi thực sự nhận ra rằng, họ đang tự làm tổn thương chính mình” vì Flappy Bird, Đông nói.
Đến đầu tháng 2, toàn bộ sức nặng của sự bám đuổi, những lời chỉ trích và cáo buộc khiến Đông cảm thấy không còn chịu đựng nổi nữa. Anh mất ngủ, mất tập trung và không còn muốn đi ra ngoài. Đông nói, bố mẹ anh lo lắng cho tình trạng sức khỏe của anh. Những dòng tweet của Đông cũng trở nên u ám và khó hiểu hơn. Một dòng tweet của Đông nói: “Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công của tôi. Nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống đơn giản của tôi. Vì thế giờ tôi ghét nó”.
Đông nhận ra một điều anh phải làm là hạ trò chơi xuống. Khi Đông tuyên bố điều này, Flappy Bird được tải 10 triệu lượt trong vòng 22 giờ đồng hồ. Và sau đó, Đông đã nhấn nút xóa chú chim Flappy. Khi được phóng viên Rolling Stone hỏi vì sao lại làm thế, Đông nói: “Tôi làm chủ số phận của mình. Một người suy nghĩ độc lập”.
Sau khi Flappy Bird bị xóa, tin đồn lại nổi lên, rằng Đông đã tự vẫn, rằng Nintendo kiện anh. Đông nhận được những lời dọa giết. Việc anh từ chối lên tiếng càng khiến xuất hiện thêm nhiều tin đồn. Để lấp chỗ trống mà Flappy Bird để lại, một loạt game “ăn theo” ra đời. Một vài game trong số này như Flappy Wings hay Splashy Fish đã chiếm vị trí đầu bảng trong các ứng dụng miễn phí cho iPhone. Điện thoại cài Flappy Bird được rao bán với giá vài nghìn USD trên eBay. Theo một cuộc điều tra, cứ mỗi 24 phút lại có một trò “ăn theo” Flappy Bird ra đời.
“Mọi người có thể bắt chước ứng dụng này bởi tính đơn giản của nó. Nhưng họ sẽ không bao giờ làm ra một Flappy Bird khác”, Đông nói.
Sự ra đi của Flappy Bird đã dẫn tới những đánh giá lại đối với trò chơi này. Trong đó, trang web chuyên về game Kotaku lên tiếng xin lỗi vì đã cáo buộc Flappy Bird đánh cắp ý tưởng.
Đối với Nguyễn Hà Đông, hàng triệu lượt tải Flappy Bird vẫn đem đến cho anh thu nhập hàng chục nghìn USD. Đông nói, anh đã nghỉ việc và đang tính chuyện mua một chiếc xe Mini Cooper cùng một căn hộ riêng. Anh vừa mới được cấp hộ chiếu lần đầu tiên. Hiện nay, Đông vẫn đang bận rộn với công việc mà anh yêu thích nhất là làm game. Một số game mà Đông đang làm bao gồm Kitty Jetpack và Chekonaut, đều đơn giản và có đồ họa kiểu cổ điển. Anh dự kiến sẽ giới thiệu một trò trong số này ngay trong tháng 3.
Đông nói rằng, từ sau khi gỡ Flappy Bird, anh cảm thấy “nhẹ cả người”. “Cho dù tôi không thể trở lại với cuộc sống trước đây, nhưng giờ thì tôi ổn rồi”. Đến giờ, Đông vẫn từ chối những lời đề nghị bán lại Flappy Bird. Anh không muốn đánh mất sự độc lập của mình.
Nhưng, liệu chú chim Flappy đến một lúc nào đó sẽ quay trở lại?
“Tôi đang cân nhắc điều đó”, Đông nói. Hiện Đông chưa làm bản mới của Flappy Bird, nhưng nếu có, anh sẽ gắn kèm lời “cảnh báo”: “Xin hãy nghỉ ngơi một lúc”.