Mâm cơm cúng tiễn Ông Táo chầu Trời của một gia đình ở Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tết Nguyên đán của người Việt Nam có rất nhiều lễ tiết và nghi lễ đặc sắc. Nó được mở đầu bằng tết Ông Táo.
Người Việt xưa cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có vị Thần Bếp (còn được gọi là Thần Táo Quân - Vua Bếp) coi sóc cuộc sống của họ. Thần Táo Quân gồm 3 người: Hai Táo ông và một Táo bà. Hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), Thần Táo Quân cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình, nên ngày 23 tháng Chạp được gọi là ngày tết Ông Táo. Ngày nay, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, nhà nhà đều thành kính sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo lên chầu Trời.
Việc cúng tiễn ông Táo được thực hiện tại gia. Lễ cúng ông Táo gồm có:
- Một mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu.
- Hương thơm, lọ hoa tươi, cùng các loại hoa quả tươi.
- Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén.
- Ba con cá chép sống để Táo Quân cưỡi bay lên Trời.
Văn khấn Ông Táo lên chầu Trời
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật.
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là ...
Ngụ tại ...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ con thành tâm sắm sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén hương thơm tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phúc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Cẩn cáo.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại khấn thêm 1 lần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao (hồ, sông, suối)... để cá chở ông Táo lên trời.