Bài toán nan giải khi di dời 15.000 dân ở kinh thành Huế
Thứ sáu, 9/11/2018 07:03 (GMT+7)
07:03 9/11/2018
4.200 hộ với hơn 15.000 dân sẽ được chính quyền Thừa Thiên - Huế di dời ra khỏi kinh thành để bảo tồn di tích. Tuy nhiên, vấn đề an sinh tại nơi ở mới khiến chính quyền gặp khó.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập đề án quy hoạch di dời hơn 4.200 hộ dân ở khu vực kinh thành đến khu định cư mới ở phường Hương Sơ. Tổng kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng là 2.800 tỷ đồng, được tiến hành từ 2019 đến 2025.
Mục tiêu dự án là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích cố đô Huế đã được Thủ tướng phê duyệt. Những khu vực nằm trong dự án di dời gồm thượng thành, eo bầu, hộ thành hào... với hơn 15.000 dân. Đây là dự án di dân có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Huế.
Việc người dân lấn chiếm, sống tạm bợ, nhếch nhác quanh khu vực kinh thành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích. Nhiều khu vực di tích bị xuống cấp nghiêm trọng do sự lấn chiếm, xây dựng của người dân.
Nhiều hộ dân sống ở khu vực thượng thành đã trải qua 3,4 thế hệ sống chen chúc trong những căn nhà tạm bợ vì chính quyền địa phương không cấp phép xây dựng để chờ dự án di dời.
Gia đình bà Trần Thị Thụ (70 tuổi, đường Xuân 68, phường Thuận Thành) sống trên thượng thành hơn 30 năm. Bà Thụ cũng như nhiều người dân "sống treo" trên kinh thành đều ủng hộ chủ trương di dời và mong muốn có cuộc sống mới ổn định hơn.
"Người dân ai cũng muốn có nơi mới sống tốt hơn vì cuộc sống ở đây rất chật chội, khó khăn", bà Thụ cho hay.
Người dân sống ở khu vực thượng thành kinh thành Huế rất lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về vì những bức tường thành bị xuống cấp nghiêm trọng, sụp đổ bất cứ lúc nào.
Đi một vòng quanh những con đường dọc tường thành, không khó để nhìn thấy những căn nhà lụp xụp được người dân che chắn tạm bợ.
Những ngôi nhà bằng tôn được người dân dựng tạm trên khu vực tường thành cao hơn 4 m.
Cuộc sống bấp bênh khiến điều kiện sinh hoạt của người dân gặp nhiều trở ngại.
Một nơi định cư mới thuận lợi cho công việc mưu sinh hiện tại là điều người dân mong mỏi.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết các hộ dân sống ở kinh thành đa số dân nghèo, lao động phổ thông, thời gian cư trú của họ khá lâu, nếu theo các quy định của pháp luật thì việc di dời sẽ gặp khó khăn.
"Đề án cũng nghiên cứu khung chính sách về hỗ trợ đất đai, tài sản theo từng mốc thời điểm cụ thể, các chính sách ổn định cuộc sống, giáo dục, tái định cư, an sinh", Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho hay.
Trong thời gian chờ đợi di dời đến nơi ở mới, người dân ở những khu vực di dời vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ, nơm nớp trong mùa mưa bão.
4.200 hộ dân dự kiến được di dời ra khỏi kinh thành Huế. Ảnh: Google Maps.
Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
Kinh thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Vòng thành có chu vi gần 10 km, cao 6,6 m, dày 21 m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn; thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch.
"Năm nay lũ không lớn như năm 1999 nhưng nước lên nhanh hơn, giờ chúng tôi phải chống đói bằng mì tôm, cơm nguội chan nước mắm" bà Hồng - người dân cố đô Huế chia sẻ trong đêm lũ.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng trung tâm trải nghiệm thực tế ảo VR để giúp du khách có thể trải nghiệm đầy đủ không gian, sinh hoạt về hoàng thành Huế xưa.
Mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường bao quanh kinh thành Huế lâm vào tình trạng ngập nặng. Các lối đi bộ bị bủa vây trong nước, còn người dân tranh thủ bắt cá.