Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, tác giả bài thơ Mùa hạ, nguyên Trưởng ban Văn hóa văn nghệ báo Nhân Dân, hiện là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, đã chia sẻ về bài thơ yêu thích của mình.
- Thưa nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, ông sáng tác bài Mùa hạ trong hoàn cảnh nào?
Tôi viết bài thơ Mùa hạ vào năm 1985 và được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm đó. Toàn văn bài thơ như sau:
Rồi cũng phải đến thôi, Mùa hạ!
Dẫu tơ non búp lá vẫn bồi hồi
Hoa phượng đỏ, như cái mầu phải đỏ
Anh yêu em phải cháy hết mình thôi!
Vì mùa xuân chưa kịp để nên lời
Chỉ thương mến sẽ sàng giăng trong mắt
Tơ sợi ấy có thể rồi bay mất
Đứt nối cầm tiếc nuối giữa lòng tay.
Thì cánh hoa cứ rụng xuống đất dày
Để ấp ủ hiện dần lên quả ngọt
Mùa hạ đó, mưa rào và nắng gắt
Ai qua cầu sẽ bước đến mùa thu.
Ai qua cầu, thương được hết lòng nhau
Mùa hạ là mùa anh đón đợi
Trăm thương nhớ có lẽ nào sánh nổi
Ngọn lửa nồng ấm áp đã vì nhau.
Ngàn hoa ơi, Xuân nhé, hãy lùi sau!
Anh đã hứa đời minh cho Mùa hạ
Và khi khép hàng mi vào tuyết giá
Biết thầm thì phía trước lại Mùa xuân!
Đây là một bài thơ tình yêu. Đúng vậy, nhưng không chỉ có thế. Đây còn là và hơn thế là nói về tâm thế của một người lính dám dấn thân và hy sinh để làm thay đổi chính mình, thay đổi cuộc sống.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Ảnh: Nhân Dân. |
- Vậy lúc sáng tác bài thơ này, ông còn khoác áo lính không?
Năm 1985, tôi tròn 30 tuổi. Tôi vào học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972, đầu năm 1975 thì nhập ngũ, vào Miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau đó tham gia hai cuộc chiến tranh biên giới ở phía tây và phía bắc. Vốn yêu văn học, yêu Trường ĐHTH, tôi không lựa chọn con đường phục vụ lâu dài trong quân đội, dù tổ chức nhiều lần cho đi học ở những trường sĩ quan danh giá, thậm chí ở nước ngoài, mà quay lại tiếp tục học tiếp ở khoa Ngữ văn. Văn chương hồi ấy nó làm mê người đến thế!
Năm 1981 ra trường, đầu năm 1982, tôi được về Báo Nhân Dân làm việc. Đó là một vinh dự lớn. Nhưng ở Hà Nội những ngày ấy vô cùng cực khổ. Nghèo và không có chỗ ở nên không dám yêu. Chỉ vùi đầu vào học để tiến kịp anh em bè bạn. Và ôm một nỗi buồn, nhiều khi chán chường, thất vọng tưởng không thể hóa giải!
Năm 1985, nước ta mới ra khỏi chiến tranh lại bị cấm vận gắt gao. Thật sự đó là một cuộc khủng hoảng trầm trọng và kéo dài trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Do đó, người viết trẻ chúng tôi rất thiếu diễn đàn. Chính vì thế, khi Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô mới thành lập, chị Hương, phụ trách CLB thơ của Cung mời tôi tham gia, tôi rủ Hoàng Nhuận Cầm, Trần Hòa Bình, Thế Dũng, Nguyễn Hùng Vĩ, Bùi Việt Phong, Nguyễn Thành Phong... và lớp trên có các anh Nguyễn Thụy Kha, Chử Văn Long cũng tích cực tham gia.
Và dưới danh nghĩa và giúp đỡ của Cung, chúng tôi ra được tập thơ Mùa hoa của chúng mình góp phần khẳng định tiếng nói của một thế hệ gần như bị bỏ rơi trong văn học. Mà lạ. Cái CLB ấy hoạt động rất đều kỳ, mỗi đêm thơ ở Cung có tới 500 người nghe, có đêm ở các trường Tổng hợp, Sư phạm... còn gần tới cả nghìn người. Có bán vé và người ta mua vé. Vì thơ của chúng tôi gần với đời sống.
Đọc thơ trong CLB này còn có nhiều nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, nhiều nhà thơ nằm trong các nghi án văn chương như Phùng Quán, Hoàng Cầm... Đấy là một sự dấn thân. Là người trẻ, là người lính quen dấn thân không ngại hy sinh, chúng tôi đã bước vào văn học theo kiểu “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”; không thể chờ đợi sự ban cho nào, không thể tự nhốt mình trong nỗi buồn chán, thất vọng.
- Bài thơ Mùa hạ của ông mang nhiều day dứt, khắc khoải, vì sao vậy?
Bài thơ Mùa hạ dồn chứa rất nhiều ý tứ, tình cảm. Ai cũng từng là học sinh nên ai cũng nhớ về mùa hạ, yêu mùa hoa phượng. Nhưng tôi, một người phải bỏ học nửa chừng với nhiều thứ dang dở thì trước mùa hạ càng nôn nao, day dứt...
Ba mươi tuổi, nhìn lại mình, tôi thấy mình còn tơ lơ mơ lắm, cái gì cũng thích, cũng muốn nhưng không dám, có dám cũng không dám đi tới cùng. Tôi thích cái đẹp, thích tình yêu nhưng lại hay sợ đổ vỡ. Vậy thì, đến lúc này không thể không đốt cháy mình trong tình yêu, trong cuộc sống như hoa phượng kia cháy hết mình trong mùa hạ. Chọn Mùa hạ là mùa của mình tức là chọn cách sống hết mình, chấp nhận cả sự tàn lụi, không thể bín rín với mùa xuân. Bao nhiêu điều không dám nói, dám làm nên làm cho cuộc đời thành chuỗi những dang dở, hư vô...
- Nhiều người yêu thơ, cứ đến mỗi khi hè về hay đọc câu “Rồi cũng phải đến thôi, Mùa hạ” mở đầu bài thơ của ông. Hai câu thơ có phải là một sự thật hiển nhiên?
Không chỉ thể hiện sự hiển nhiên, nó còn là một lựa chọn dứt khoát, không băn khoăn gì nữa “dẫu tơ non búp lá vẫn bồi hồi”.
- Rất nhiều người thích hai câu thơ “Hoa phượng đỏ như cái mầu phải đỏ. Anh yêu em phải cháy hết mình thôi” của ông. Ông có thể giải thích rõ hơn về cái ý “phải cháy hết mình” đó?
Hai câu thơ này cũng là một thay đổi về nhận thức. Trước đây mình chỉ yêu bản thân mình chứ không yêu người mình yêu, điều mình yêu; trước đây mình chỉ yêu lý thuyết về đạo đức mà không thật sự yêu cuộc sống. Phải cháy lên, cháy hết trong tình yêu, trong cuộc sống thì cuộc sống của mình mới có ý nghĩa.
Đúng nguyên bản đầu tiên tôi viết “mầu”, vì hồi đó tôi bị ảnh hưởng văn phong Báo Nhân Dân. Báo Nhân Dân quy định màu sắc viết là “mầu”, còn “màu” dành chỉ hoa màu như khoai, sắn. Quy định này là cứng nhắc, sau tôi không theo nữa.
- Vậy ý "Ai qua cầu sẽ bước đến mùa thu" có ý như thế nào?
Tư duy logique của bài thơ là dựa theo sự vận chuyển của bốn mùa. Anh có dám bước vào Mùa hạ, làm Mùa hạ thì mới có thể chuyển đến Mùa thu, đến sự thay đổi, phát triển mới.
Cuối cùng, Mùa hạ là tên mùa, cũng có thể là một người có quan điểm sống như mình, và hơn nữa có thể hiểu là một thời đại – một thời đại cần cháy rụi những điều cũ kỹ, cần cháy sáng lên sự thật, cháy sáng trong tình yêu con người thì “Mùa hạ” ấy đáng để mình dâng hiến.
- Hình như bài thơ Mùa hạ của ông đã được in trong rất nhiều tập thơ?
Đúng vậy, bài thơ này tôi in trong tập Trái tim người lính của mình (NXB Thanh niên, 1998), nhưng sau đó, được nhiều biên tập viên, nhà tuyển chọn yêu thích, đưa vào hàng chục, hàng trăm quyển tuyển tập thơ khác nhau mà tôi cũng không thể thống kê hết được.
- Xin cảm ơn ông!