Nhắc đến Covid-19, dường như Israel luôn là quốc gia dẫn đầu, phần còn lại của thế giới theo sau.
Trong gần một năm qua, Israel đã mang lại một cái nhìn lạc quan hơn về đại dịch, trái ngược với tình trạng cấp bách tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Israel đi đầu trong việc triển khai tiêm chủng cho người lớn và thanh thiếu niên, cũng là quốc gia đầu tiên cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Trong những tháng gần đây, Israel tiếp tục dẫn đầu trong việc triển khai các mũi tiêm tăng cường, CNN đưa tin.
Thủ tướng Israel, Naftali Bennett, đưa con trai 9 tuổi đi tiêm vaccine Covid-19 vào ngày 23/11. Ảnh: Amos Ben Gershom. |
Đến nay, người dân Israel phải tiêm đủ 3 liều vaccine mới được coi là tiêm chủng đầy đủ.
Các cơ quan y tế của Israel cho biết dữ liệu đã chứng minh, các mũi tiêm tăng cường là “vũ khí” giúp quốc gia này "hạ gục" đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua.
Đỉnh điểm, làn sóng thứ tư chứng kiến hơn 8.000 ca mắc mới mỗi ngày, với hơn 500 người phải nhập viện cùng lúc trong tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, số ca mắc trung bình trong 7 ngày chỉ dao động từ 450-500 với khoảng 129 người nhập viện trong tình trạng nguy hiểm.
Trong tháng 11, hơn 75% trường hợp dương tính là những người chưa được tiêm chủng, theo dữ liệu từ Bộ Y tế Israel.
Những con số này làm nổi bật sự khác biệt giữa những người đã tiêm mũi tăng cường và những người lựa chọn không tiêm chủng.
Sự khác biệt này còn thể hiện rõ ràng hơn trong số những bệnh nhân phải nhập viện vì Covid-19. Các quan chức Israel cho biết vào tháng 10, tỷ lệ người trên 60 tuổi chỉ tiêm hai mũi, phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng cao gấp 5 lần so với những người đã tiêm đủ ba mũi.
Bài học từ Israel
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Mỹ, đã viện dẫn những số liệu này để khuyến cáo mọi người tiêm mũi tăng cường khi đủ điều kiện.
“Nếu bạn xem xét một cách cẩn trọng các dữ liệu từ Israel, sự khác biệt về mức độ suy giảm khả năng miễn dịch theo số lượng mũi tiêm thể hiện rõ ràng nhất ở những người cao tuổi, tuy nhiên lý thuyết này có thể áp dụng ở mọi độ tuổi”, Fauci chia sẻ với NBC vào tuần trước.
Những người cao tuổi chờ tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba tại một trung tâm y tế ở Tel Aviv vào ngày 2/8. Ảnh: CNN. |
Ngày càng có nhiều quốc gia phải nhìn nhận bài học từ Israel, đặc biệt là trong bối cảnh số ca mắc gia tăng chóng mặt ở khu vực châu Âu.
Đức đang khuyến nghị tiêm liều vaccine thứ ba cho tất cả những người trên 18 tuổi. Ở Anh, mũi tiêm tăng cường được cung cấp cho tất cả những người trên 40 tuổi kể từ tuần này.
Tại Pháp, nhu cầu tiêm nhắc lại tăng vọt sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố rằng mũi tiêm thứ ba sẽ là yêu cầu để xác nhận lại "thẻ thông hành" - “chìa khóa” để sử dụng các phương tiện giao thông, không gian công cộng và tư nhân.
Mối lo ngại về làn sóng thứ năm
Tuy nhiên, không phải tất cả tin tức từ Israel đều tốt. Mặc dù số ca mắc đã giảm kể từ tháng 9, sự suy giảm miễn dịch vẫn đang tiếp diễn.
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ R - tỷ lệ tái nhiễm virus corona - trở lại mức trên 1, theo dữ liệu của Bộ Y tế Israel. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy virus có thể đang lây lan trở lại.
Các chuyên gia y tế, chẳng hạn như Giáo sư Eran Segal từ Viện Weizmann, Israel, cho rằng còn quá sớm để nói liệu đất nước của ông có đang bước vào đợt bùng phát thứ năm hay không.
Tuy nhiên, ông chỉ ra thực tế rằng gần 1,5 triệu người đã tiêm mũi thứ hai không quay trở lại để tiêm mũi tăng cường.
Tuần trước, Segal đã chia sẻ trên Twitter: "Khả năng bảo vệ của vaccine ở nhiều người đã suy giảm theo thời gian. Điều này làm giảm khả năng miễn dịch cộng đồng của Israel".
Một người đàn ông Israel tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ hai tại một trung tâm tiêm chủng được thiết lập trên bãi đậu xe của trung tâm thương mại ở Givataim, Israel, vào ngày 20/1. Ảnh: Oded Balilty. |
Hiện nay, Israel đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ từ làn sóng dịch bệnh thứ năm.
Các quan chức khuyến khích những người chưa tiêm chủng thay đổi suy nghĩ và kêu gọi những người đủ điều kiện đến tiêm mũi tăng cường. Họ cũng triển khai tiêm chủng cho trẻ em và duy trì các biện pháp phòng ngừa.
Theo các quan chức y tế Israel, có nhiều ca mắc mới là trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Do đó, quốc gia này đã nhanh chóng bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em ở độ tuổi này từ ngày 22/11.
Tuy nhiên, ngay cả khi có tỷ lệ tiêm chủng cao, các chuyên gia y tế cho rằng các biện pháp chống dịch vẫn phải được duy trì, đặc biệt là trong mùa đông.
Một phần lý do dẫn đến sự gia tăng số ca mắc mới là việc mọi người không tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, Nachman Ash, Bộ trưởng Y tế Israel, phát biểu trên một kênh truyền hình quốc gia.
"Việc thực thi là không đủ", ông nói. "Tôi thấy công chúng đang trở nên chủ quan khi thấy tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống. Do đó, chúng tôi phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn".
Balicer cảnh báo rằng việc xem nhẹ sự suy giảm khả năng miễn dịch ở những người đã tiêm hai liều vaccine là một cách trấn an sai lầm, "trên thực tế, có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng nguy hiểm”.
Balicer cho biết: “Không có phép màu nào đủ để ngăn chặn các đợt bùng phát mới, đặc biệt là vào mùa đông. Chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp bao gồm quy định đeo khẩu trang, hạn chế các sự kiện trong nhà, sử dụng thẻ thông hành, điều chỉnh hành vi của người dân và triển khai một chiến dịch tiêm mũi tăng cường hiệu quả”.