“Tài năng thiên phú”, “sinh ra đã có năng lực hơn người”… những người như thế được gọi là thiên tài. Chắc hẳn Einstein cũng được mọi người xung quanh xem là một thiên tài như vậy ngay từ thuở nhỏ nhỉ?
Chúng ta hãy cùng nhau quay lại thời học sinh của Einstein nhé.
Hồi đó, bạn bè hay gọi Einstein là: “Đồ lề mề!”, “Đồ ngốc nghếch!”.
Ơ? Đó đâu phải những từ ngữ thích hợp để gọi một thiên tài nhỉ? Đúng thế! Lúc còn nhỏ, Einstein hoàn toàn bị bạn bè coi như một kẻ ngốc.
Einstein từng như thế, một cậu bé chậm chạp, ngờ nghệch và không có lấy một điểm nổi bật nào. Thất bại vì vụng về. Thất bại vì tin người.
Những việc có thể hoàn thành một cách đơn giản ông cũng chọn cách làm phức tạp rồi lại thất bại. Và cứ thế Einstein trải qua tuổi thơ của mình như vậy.
Không những thế, đến tận năm 3 tuổi, cậu bé Einstein ấy vẫn không thể nói chuyện với người khác. Đến năm 9 tuổi, cậu ấy vẫn không biết cách dùng từ sao cho chính xác. Ngay cả việc học cũng thế, ngoài môn Toán (tính toán) ra, tất cả môn khác đều dở tệ.
“Điều duy nhất làm ảnh hưởng đến việc học của tôi chính là giáo dục”. Ông chán ghét việc học quá nhiều ở trường đến mức ông đã nói như vậy.
Ngay cả một thiên tài đã đưa ra “Thuyết tương đối” - học thuyết có thể nói là một đại phát kiến của thế kỷ và làm thay đổi ngành vật lý học cũng từng có một tuổi thơ như thế.
[…]
Nhà vật lý học Albert Einstein. Ảnh: Shutterstock. |
Đương nhiên, người giỏi toàn diện cũng rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng trên thực tế, trong cuộc sống này, nếu ta chỉ giỏi một thứ duy nhất và giỏi thứ đó hơn người khác gấp nhiều lần thì ta vẫn có thể tồn tại được chỉ bằng thứ đó.
Vậy giỏi đến mức độ nào thì được gọi là “giỏi hơn người khác gấp nhiều lần”? Điểm mấu chốt nằm ở “những thứ bạn tạo ra được”.
Nếu giỏi văn, bạn có thể viết được những cuốn tiểu thuyết chẳng hạn. Nếu giỏi khoa học tự nhiên, bạn có thể tìm hiểu những điều mình quan tâm và tạo ra những thí nghiệm.
Từ đó, ta sẽ làm người khác phải thán phục bằng những thứ do chính mình tạo ra. Nghĩa là, nếu có thể “làm cho người khác thán phục”, thì chỉ với “lĩnh vực hơn người” đó thôi, bạn cũng có thể tồn tại được trên thế giới này.
Có lẽ Einstein là một ví dụ điển hình cho việc này khi thuở nhỏ, ngoài toán ra hầu hết môn học khác của ông đều dở tệ. Nhưng sau khi trưởng thành, ông lại trở thành một nhà vật lý học đại tài, khiến tất cả học giả trên thế giới đều thán phục trước lý luận về thuyết tương đối của ông.
Tuy nhiên, đến đây chắc hẳn sẽ có bạn nghĩ trong đầu rằng: “Mình chẳng có lấy một môn nào xuất sắc cả”.
Nhưng Einstein cũng đã nói thế này: “Tôi không phải thiên tài. Có chăng, tôi chỉ gắn bó với một thứ lâu dài hơn người khác mà thôi”.
Nghĩa là “gắn bó với một thứ mình thích trong thời gian dài” chính là điều quan trọng để tạo nên “thứ bản thân giỏi”.
Và đương nhiên khi “gắn bó lâu dài” với một điều gì đó thì sẽ có những thất bại theo cùng. Ngay cả Einstein cũng đã lặp đi lặp lại hàng trăm lần thất bại trong đầu để tóm lược những lý luận để đời của mình.
Với lý do đó, đôi khi những điều chúng ta từng rất thích lại trở thành những điều chúng ta chán ghét. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục cố gắng từng chút một bởi đó là “điều ta yêu thích” thì nhất định một ngày nào đó nó sẽ trở thành “điều ta giỏi”.
Thay vì chán nản với “những điều kém cỏi” của bản thân, hãy quan tâm đến “một điều bạn yêu thích” và tận hưởng nó. Biết đâu đó chính là viên gạch đầu tiên giúp bạn có được “một cuộc đời khiến người khác thán phục”.