Bài học lớn mà tôi vỡ ra sau ba năm đại học - Thế giới sách - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học lớn mà tôi vỡ ra sau ba năm đại học

Khi nhìn lại, có hai bài học lớn mà tôi phải mất tận ba năm đại học để vỡ ra.

Bài học đầu tiên là hãy học thật để tăng năng lực thật, chứ không học vì điểm số hay để hơn thua với bất kì ai. Việc so đo từng chấm phẩy điểm, hay so sánh từng thứ hạng chỉ làm người học thêm bất an, lo lắng cho những điều không thật và quên đi ý nghĩa cao quý hơn của việc học.

Điểm số cao nhưng khi ra ngoài thực tế có tự tin và thoải mái khi giao tiếp và thực hành bằng Tiếng Anh? Điểm số cao nhưng có thật sự hiểu và có khả năng thảo luận, trao đổi về môn mình đang học? Điểm số cao nhưng mình thật sự đã học được gì có ý nghĩa? Việc trả lời những câu hỏi này đã giúp tôi, và hy vọng là các sinh viên khác có thể thoát ra khỏi sự ràng buộc của điểm số và tìm lại được mục đích chân chính của việc học.

Bây giờ khi đã là giảng viên, tôi và các đồng nghiệp vẫn thường gặp nhiều sinh viên khiếu nại về điểm chác và “xin điểm” với mục đích đạt được danh hiệu sinh viên giỏi hay tăng thứ hạng. Như gần đây nhất là trường hợp hai em ở môn thi Nói với khả năng giao tiếp Tiếng Anh rất hạn chế, được đánh giá ở mức 4-5 so với mặt bằng chung, nhưng vẫn xin cô giáo châm chước lên cao hơn để “đẹp bảng điểm”.

Tâm lí này rất phổ biến ở sinh viên, thậm chí ở nhiều trường phổ thông có tiếng. Thiết nghĩ, một trong những lí do chính khiến các em, bao gồm cả tôi lúc trước quá đặt nặng điểm số như vậy đến từ việc kiểm tra theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ hóa. Các bài thi trắc nghiệm áp đều cho tất cả mọi em trên một khung đánh giá khô khan và không công bằng.

Mỗi cá nhân có một thế mạnh riêng, cảm xúc riêng, nên đánh giá theo hướng chuẩn hóa này không phản ánh đúng năng lực của từng sinh viên. Chính bản thân tôi là người dạy cũng đang cố gắng từng chút một trong việc thiết kế bài giảng, bài kiểm tra dưới nhiều hình thức từ trình bày, viết luận, đóng kịch, tham gia dự án, làm video… mà qua đó khơi gợi cho các em sự hứng thú, chủ động học thật; qua đó các em có cơ hội được thể hiện các thế mạnh của mình, có niềm vui cộng tác, và đặc biệt là thấy được sản phẩm từ việc học thật sự chứ không còn quá quan trọng việc điểm chác.

Tôi hy vọng hình thức đánh giá ở trường sẽ được đa dạng theo hướng cá nhân hoá để phản ánh nhiều mặt năng lực của học sinh. Tôi tin rằng, cùng nhau, chúng ta có thể tạo dựng một môi trường học thật, nơi mà các em không còn bị áp lực về những con điểm không thật.

Mong gi tu dai hoc anh 1
Mong gi tu dai hoc anh 1

Tiếp đến, tôi học được rằng, bạn bè không phải là đối thủ, bạn bè là nguồn hỗ trợ, nguồn năng lượng vô giá để mình được cộng tác và học hỏi. Bản thân tôi vì tư tưởng quá hơn thua và quan trọng vị thứ xếp hạng mà đã bỏ lỡ cơ hội được học từ chính người bạn giỏi giang Quỳnh Trâm của mình.

Nếu tôi nhận ra điều này sớm hơn, có lẽ chúng tôi đã là một đôi bạn thân vì Trâm đồng điệu với tôi về nhiều mặt. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh tôi và Trâm cùng đọc sách ở ghế đá, cùng ôn luyện giúp nhau trong các kì thi, cùng cười vui về lời nhạc của các bài hát tiếng Anh, có lẽ sẽ hát cùng nhau và cùng làm những dự án hay ho những năm đầu đại học.

Tôi sẽ có người bạn hiểu được những tâm sự, trăn trở trong cuộc sống của mình, người mà tôi cảm thấy đủ thoải mái và cùng tần số để chia sẻ. Tôi có thể học ở Trâm sự dịu dàng, chỉn chu, sự nỗ lực và chuẩn bị chu đáo. Đáng tiếc là tất cả chỉ nằm trong tưởng tượng của tôi với mong muốn viết lại những năm tháng đại học của mình. Sự thật là với thái độ kẻ cả, tôi đã tự tách mình, là “ếch” ngồi trong “đáy giếng” chính mình tạo ra.

Nhưng cũng thật may mắn vì tôi đã nhận ra kịp thời để không làm mất đi người bạn của mình. Và cảm ơn Trâm cũng đã rất nhân hậu và nhiệt tình đã cho tôi biết thế nào là một người bạn tốt và tình cảm.

Tháng vừa rồi, tôi được mời đi đám cưới của Quỳnh Trâm mà chú rể là chủ một công ty công nghệ. Thật là gái sắc trai tài. Quỳnh Trâm ơi, chúc mừng bạn nhé! Tôi nghĩ về một nền giáo dục, hay rộng hơn là một xã hội mà lâu nay đã quá nhấn mạnh vào tinh thần cạnh tranh, quá đề cao những top đầu và quan trọng thứ bậc. Thậm chí, tôi nhớ cô giáo dạy Văn THPT của mình đã nói với một bạn trong lớp đỗ Á khoa trường Kinh tế: “Người ta chỉ nhìn vào hạng nhất, không ai quan tâm hạng hai”.

Kèm với đó là những so sánh từ mọi người xung quanh, vô hình trung đã đặt rất nhiều áp lực sai lệch cho người trẻ chúng tôi. Chúng tôi hoang mang sợ bị mất đi cái danh phù phiếm, và trong cuộc đua xếp hạng, chúng tôi ngầm mặc định những kẻ lăm le vị thế của mình là “đối thủ”, với tâm lí dè chừng, không dám chia sẻ vì sợ hơn thua. Thật đáng tiếc.

Vượt lên trên những đề cao cá nhân và cạnh tranh nhỏ mọn này, tôi mong đại học sẽ là nơi có thể khiến mọi bạn trẻ luôn cảm thấy rằng, bạn bè tuyệt vời biết mấy và cuộc sống sẽ tốt đẹp, vui vẻ hơn nếu ta cùng hỗ trợ nhau, khai thác điểm tốt và nâng đỡ nhau, tận dụng sức mạnh tập thể để tạo ra điều có ích thật sự.

Vì khi ra trường, không ai quan tâm đến việc bạn từng là thủ khoa hay Top 1 bảng xếp hạng. Khi nộp đơn cho các học bổng, dự án, tôi nhận thấy người giỏi nhất chưa chắc là người được chọn, mà phải là người phù hợp nhất với những kĩ năng về cộng tác, khả năng lãnh đạo.

[…]

Nhiều năm sau Đại học, tôi dần cảm thấy nhẹ nhõm hơn với những tiến bộ thật sự của mình, về suy nghĩ và về những trưởng thành trong chuyên môn mà không cần quá áp lực so mình trong thước đo với ai cả. Bây giờ tôi thấy vui vì mỗi thầy cô, mỗi đồng nghiệp, mỗi người học đối với tôi đều là một nguồn kiến thức và kinh nghiệm quý giá mà tôi có thể kết nối và học hỏi.

Giờ đây, những người bạn xung quanh tôi trở thành người đồng hành, cùng nhau giúp đỡ, cùng nhau khám phá để vươn ra biển lớn. Tôi thấy yêu việc học chỉ vì lợi ích của việc học thôi. Không điểm số. Không cạnh tranh! Và tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng.

Giáp Văn Dương - Nhiều tác giả / Times - NXB Dân Trí

SÁCH HAY