Trong thảm họa động đất hôm 6/2, những ngôi nhà vốn là nơi trú ẩn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trở thành sát thủ nguy hiểm nhất. Không phải trận động đất, chính những ngôi nhà đổ sập, những mảng trần, tường nhà rơi từ trên cao tước đi nhiều sinh mạng nhất.
Trận động đất đã biến nhiều tuyến phố, khu dân cư thành gạch vụn. Đó đều là những tòa nhà xây kiểu hiện đại, với bê tông cốt thép, nhưng đã không thể chống chịu trước rung lắc 7,8 độ, theo Financial Times.
Những tòa nhà chết chóc
"Các kiến trúc sư ngày nay có đủ kiến thức để xây các tòa nhà có thể chống chịu mọi thảm họa", giáo sư Yasemin Didem Aktas, kiến trúc sư kết cấu công trình Đại học UCL, London, nói.
Tuy nhiên, trong trận động đất ở Izmit năm 1999, giáo sư Aktas cho hay bà đã nhìn thấy nhiều tòa nhà xây không đạt chuẩn, bê tông bị trộn với cát.
"Thổ Nhĩ Kỳ có quy định chặt chẽ, nhưng ngành xây dựng thì không được như thế", giáo sư Aktas cho biết.
Theo Bộ Môi trường và Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2018, hơn 50% các tòa nhà ở nước này, tương đương gần 13 triệu công trình, thuộc diện xây dựng trái phép. Dù thường xuyên hứng chịu động đất, rất ít tòa nhà cũ được gia cố bằng các biện pháp bảo vệ, theo SCMP.
Một tòa nahf đổ sập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: PA. |
Thậm chí, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 còn "ban ơn" cho chủ sở hữu những tòa nhà xây dựng sau năm 1999 khi cho phép hợp pháp hóa các công trình với một khoản phí nhỏ.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, có hàng chục, thậm chí hàng trăm thành phố lớn cũng đang đối mặt hiểm họa động đất thực sự.
Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi tập trung phần lớn các trận động đất trên thế giới, đi qua những khu vực dân cư đông đúc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản cho tới bờ Tây của Mỹ và kéo dài xuống tận Nam Mỹ.
Miền Trung tiểu bang California, đoạn đứt gãy San Andreas, được cho là hứng chịu một trận động đất mạnh từ 6 độ trở lên mỗi 22 năm. Lần gần nhất một rung chấn mạnh 7,8 độ, tương tự tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, đã xảy ra từ 1906 và san phẳng San Francisco.
Kinh nghiệm những gì đã xảy ra trong các trận động đất ở Christchurch, New Zealand hay Tohoku, Nhật Bản cho thấy sự tàn phá của thảm họa không phải lúc nào cũng do quy định yếu kém, quản lý lỏng lẻo trong xây dựng.
Tuy nhiên, kỹ thuật xây dựng đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại. Sau siêu động đất Kanto năm 1923 khiến 140.000 người thiệt mạng, các kiến trúc sư Nhật Bản đã liên tục cải tiến công nghệ xây nhà, cho ra đời nhiều thiết bị như bộ giảm chấn thủy lực, con lắc bù chuyển động, lưới ổn định công trình.
Ngày nay, các kiến trúc sư vẫn tiếp tục giới thiệu các kỹ thuật xây dựng và thiết kế mới nhằm giảm thiểu tác động của động đất. Sau động đất Haiti năm 2010, kiến trúc sư Shigeru Ban đã thiết kế cấc mẫu nhà chống chịu động đất đơn giản làm từ vật liệu giá rẻ có thể xây trên quy mô lớn.
Một thế kỷ trước, siêu động đất Kanto cho thấy những giới hạn của các tòa nhà thời kỳ đầu hiện đại trong chống chịu rung lắc.
Những thảm họa gần đây hơn như Kobe, Hà Bắc, Mexico City lại cho thấy không phải những tòa nhà chọc trời mà chính các khu dân cư ở các thành phố đang phát triển mới tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất.
"Có nhiều lý do khiến tòa nhà gặp vấn đề. Phố biến là trong quá trình xây dựng, người xây dùng các vật liệu giá rẻ, bê tông và thép kém chất lượng. Nhưng cũng có thể phát sinh vấn đề sau khi đưa vào sử dụng, như người ở xây thêm tầng, hoặc dỡ bỏ các kết cấu chịu lực", giáo sư Aktas nói.
Hậu quả các trận động đất gần đây cũng làm nổi lên vấn đề ở các đô thị là thiếu không gian để người dân sơ tán sau thảm họa, khi mà các tòa nhà vẫn chưa an toàn.
"Có nhiều không gian được thiết kế như vậy ở Thổ Nhĩ Kỳ, thường là công viên, quảng trường, nhưng những không gian ấy bị tận dụng để xây trung tâm thương mại", Hakan Topal, kiến trúc sư người Thổ Nhĩ Kỳ, nói.
Sau trận động đất vừa qua, hiện trường các tòa nhà đổ nát được miêu tả như "bánh kếp". Đó là hiện tượng tường và sàn các tòa nhà đổ chồng chất, xếp lớp lên nhau, khiến cư dân ở bên trong không có cơ hội thoát ra ngoài. Điều này cho thấy quá trình xây dựng không đạt chuẩn.
"Đây là lỗi do sai sót xây dựng cơ bản. Các mối nối, các liên kết giữa các cột dọc và cột ngang không được thi công thỏa đáng", Hanif Kara, giám đốc công ty tư vấn xây dựng AKT II, nói.
Giải pháp cho động đất
Theo giáo sư Aktas, các kiến trúc sư ngày nay có thể thiết kế những công trình chống lại gần như mọi loại động đất. Nhưng phần lớn người dân sẽ không chọn sống trong những tòa nhà bê tông kín mít với cửa sổ nhỏ xíu. Các nhà thầu xây dựng cũng sẽ không xây những tòa nhà như vậy bởi không kiếm được nhiều tiền.
Tuy nhiên, vẫn có các biện pháp đơn giản để gia cố thêm các tòa nhà. Ví dụ như giá đỡ chéo lắp kín đáo bên trong góc của các căn phòng giúp tăng khả năng ổn định trước rung lắc. Các bộ giảm chấn chuyển động có thể lắp ở mỗi tầng của nhà chung cư để giảm thiểu nguy cơ cả tòa nhà sụp đổ.
Nỗ lực cứu hộ tại một khu nhà ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
"Tại Indonesia, mỗi ngôi nhà có một phòng trú ẩn được xây kiên cố hơn phần còn lại. Nếu động đất xảy ra, đây sẽ là phòng an toàn", chuyên gia Kara của công ty tư vấn AKT II cho biết.
Tại California, phần lớn các tòa nhà đã được gia cố với các biện pháp chống chịu lực mới. Los Angeles và Santa Monica có quy định bắt buộc gia cố các tòa nhà thuộc diện có nguy cơ cao.
"Sự kiện như ở Thổ Nhĩ Kỳ là thảm họa tồi tệ, nhưng chúng ta cần tận dụng sự chú ý của truyền thông ngay lúc này để thúc đẩy các quy định về an toàn", David Cocke, chủ tịch Viện nghiên cứu kỹ thuật động đất California, nói.
Hiện nay, các loại tre đang được quan tâm nhờ khả năng đàn hồi, chống chịu đáng nể trước rung lắc. Bắt nguồn từ kiến trúc sư Simon Velez người Colombia, các ngôi nhà bằng tre đã và đang mọc lên ở khắp khu vực Thái Bình Dương và ngày một phổ biến khắp thế giới.
Nhà bằng tre có thể được xây ở các cộng đồng dân cư vừa và nhỏ, không cần nhiều thiết bị hạng nặng. Ngay cả khi bị thiệt hại bởi động đất, những ngôi nhà có thể được sửa chữa nhanh chóng. Nếu nhà sụp đổ, hậu quả cũng không nghiêm trọng như nhà xây bằng bê tông.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.