Chính phủ Montenegro đã đốt 944 triệu USD từ các khoản vay Trung Quốc chỉ để hoàn thành đoạn đường đầu tiên dài 41 km, nối Matesevo với một thị trấn gần thủ đô Podgorica. Con số trên đã biến đoạn đường này trở thành một trong đoạn đường nhựa đắt nhất thế giới, theo AFP.
Các công nhân Trung Quốc đã dành 6 năm để mở đường hầm xuyên đá rắn và dựng các cột bê tông trên những hẻm núi, nhưng con đường thực sự chẳng đi đến đâu.
Đoạn đường trên nằm trong dự án đường dài khoảng 170 km. Gần 130 km còn lại vẫn chưa được hoàn thành, chi phí của nó có thể lên tới ít nhất 1,2 tỷ USD.
Nhà thầu Trung Quốc đã dành 6 năm và tiêu tốn khoảng 944 triệu USD chỉ để hoàn thành một đoạn đường hầm dài 41 km. Ảnh: AFP. |
Các nhà phê bình đặt nghi vấn về việc chính phủ Montenegro sẽ làm cách nào để chi trả cho phần còn lại của con đường, đồng thời nêu bật những thiệt hại về môi trường do việc xây dựng gây ra, cùng với các cáo buộc tham nhũng xoay quanh hoạt động xây dựng con đường "đi vào hư không" này.
Trong khi đó, người dân địa phương lại có cái nhìn tích cực hơn ở một khía cạnh khác.
“Con đường này có một số mặt tốt đối với dân làng chúng tôi. Vài người trước đây không thể bán được đất thì nay đã tìm được người mua", một người dân có nhà hiện nằm cách những cột bê tông khổng lồ chống đỡ đường cao tốc bốn làn vài mét cho biết.
"Tôi bán rau và gà cho công nhân để có thêm thu nhập", người này nói thêm, đồng thời cho biết rằng các ụ đất từ công trường xây dựng đã ngăn lũ cho dòng sông bên dưới.
“Bẫy nợ ngoại giao”
Đoạn nối Matesevo với thị trấn gần thủ đô Podgorica là đoạn khó xây dựng nhất. Nó sẽ được mở cửa vào tháng 11.
Cả con đường sẽ nối cảng Bar Adriatic ở phía nam với biên giới Serbia ở phía bắc, với ý định sau đó Serbia sẽ mở rộng nó đến thủ đô Belgrade của họ.
Hiện vẫn chưa rõ Montenegro - quốc gia có GDP gần 6 tỷ USD - sẽ làm cách nào để có đủ tiền để xây nốt con đường hoặc để chi trả khoản nợ hiện có cho Trung Quốc.
Dự án còn 130 km chưa được hoàn thành, với chi phí dự kiến lên đến 1,2 tỷ USD. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, nếu Montenegro không thể thanh toán, họ sẽ đối mặt với việc bị phân xử ở Bắc kinh và có thể bị buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng rãi vì chiến lược "bẫy nợ" các nước nhỏ trong khi thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu của họ.
Các nhà phê bình lo ngại rằng nước này sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính để tăng cường sức mạnh chính trị của mình, bằng cách đặt ra "bẫy nợ ngoại giao".
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc kiên quyết phủ nhận bất kỳ động cơ thầm kín nào đối với việc đầu tư vào Montenegro và các khu vực khác.
"Đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi", Đại sứ quán Trung Quốc ở Montenegro nói vào tháng trước. "Nếu có người dán nhãn tiêu cực vào đầu tư của Trung Quốc, điều đó không chỉ không công bằng đối với Trung Quốc mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các nước phía tây Balkan”.
Với việc khoản nợ đầu tiên của Montenegro đến hạn vào tháng 7, nước này có thể trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên “kiểm chứng” những tuyên bố trên.
“Nếu chúng tôi không tìm được nguồn tài trợ để xây dựng, thì chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn”, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng của Montenegro Mladen Bojanic nói với AFP, đồng thời cam kết hoàn thành con đường.
Mập mờ trong đấu thầu và thanh toán
Ông Bojanic đang cố gắng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ giải cứu dự án mà ngay từ đầu ông đã phản đối gay gắt, cho rằng nó mạo hiểm, liều lĩnh và gây tham nhũng.
Báo cáo về các khoản thanh toán và tiến độ công việc của dự án này không rõ ràng. Ảnh: AFP. |
Hơn một phần ba các nhà thầu phụ địa phương được chọn làm việc trong dự án có liên hệ với một số quan chức trước đây của chính quyền Tổng thống Milo Djukanovic.
Theo cơ quan giám sát chống tham nhũng MANS, không có cuộc đấu thầu công khai nào diễn ra. Báo cáo về các khoản thanh toán và tiến độ công việc cũng không rõ ràng.
Ông Dejan Milovac thuộc cơ quan trên cho biết: “Các quyết định về xây dựng đã được đưa ra một cách sai lầm và không công bố rộng rãi đến công chúng, và bây giờ chúng tôi phải trả giá”.
Chính phủ đã hứa sẽ điều tra mọi cáo buộc tham nhũng.
Tác động của dự án đối với môi trường cũng được đặt ra sau khi công trình này đã phá vỡ cảnh quan vốn có của một con sông gần Matesevo, được UNESCO bảo vệ. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc đồng ý tài trợ để khắc phục thiệt hại.
Không thể gỡ vốn
Các vấn đề hiện nay của dự án vốn đã được chuyên gia cảnh báo với chính phủ từ một thập kỷ trước.
Họ tin rằng các lợi ích thương mại và du lịch trên Adriatic, hoặc sự phát triển các khu vực phía bắc sẽ không đủ để gỡ vốn dự án.
Chính phủ hiện tại đã thừa nhận doanh thu từ phí cầu đường thậm chí sẽ không đủ để chi trả cho việc bảo trì đường thường niên, ước tính 94 triệu USD.
Một đoạn đường hầm thuộc dự án. Ảnh: AFP. |
Kỹ sư xây dựng Ivan Kekovic nói với AFP: “Sẽ cần ít nhất 22.000 đến 25.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày để thu hồi vốn”. Tuy nhiên, con số này cao gấp 4 lần con số mà ông dự tính trên đoạn đường đông đúc nhất.
Ngay cả một người dân cũng có thể tính toán được lời lỗ nếu sử dụng con đường.
Ông Zeljko Rajkovic, một giáo viên 55 tuổi ở Kolasin, gần Matesevo, công nhận những lợi ích khi đi đến thu đô Podgorica trên con đường mới. Theo đó, ông sẽ chỉ mất khoảng 30 phút lái xe thay vì 90 phút trên con đường cũ. Độ an toàn của đường cũng được cải thiện.
Tuy nhiên, nếu tính đến các khoản phí như phí cầu đường mỗi chiều, phí tiêu thụ thêm nhiên liệu, ông tỏ ra không mấy lạc quan.
“Tôi sẽ chỉ đi đường mới nếu có bão lớn hoặc trường hợp khẩn cấp”, ông kết luận.