Theo CNBC, các giám đốc điều hành của FTX, bao gồm Sam Bankman-Fried và Ryan Salame đã chi 256,3 triệu USD để mua và duy trì 35 dự án bất động sản khác nhau trên khắp hòn đảo New Providence, Bahamas.
Các cơ quan quản lý của Bahamas đang cố gắng thu hồi các dự án bất động sản tại nước này khỏi thủ tục bảo hộ phá sản của FTX ở Mỹ. Cơ quan này tuyên bố với một thẩm phán liên bang tại Delaware rằng việc tòa án Mỹ quản lý các tài sản trên sẽ vừa không hiệu quả về mặt hành chính, vừa bất hợp pháp theo luật của Bahamas.
Các luật sư Bahamas lập luận rằng tất cả dự án bất động sản của FTX đều nằm ở quốc gia này. Ngoài ra, “luật pháp Bahamas không cho phép công nhận thủ tục phá sản nước ngoài đối với một công ty Bahamas”. Vì vậy, Mỹ nên đình chỉ các thủ tục phá sản của FTX. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý của Bahamas yêu cầu phải được đảm nhận toàn quyền kiểm soát các dự án bất động sản thuộc nước này mà sàn giao dịch này đã mua trước đó.
Đây là một động thái có khả năng gây ra sự phản đối từ các luật sư và các giám đốc điều hành của FTX tại Mỹ. Ông John J. Ray, tân CEO của FTX, đã cam kết đền bù cho các khách hàng của công ty ở Mỹ và nước ngoài thông qua việc tái cơ cấu và bán tài sản. Các luật sư của Mỹ và Bahamian đã tranh cãi tại tòa án về quyền tài phán, mỗi bên đều có những luận điểm khác nhau.
FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 11/11, sau khi báo cáo của CoinDesk tiết lộ những điểm bất thường trong bảng cân đối tài chính của quỹ đầu tư Alameda Research. Cuộc “giải cứu” kéo dài 11 giờ của Binance cuối cùng đã thất bại. Điều này dẫn đến tình trạng cạn kiệt ngân sách và tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản đối với một sàn giao dịch từng được coi là cứu tinh của tiền mã hóa.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...