Gần 2.000 nhóm Zalo (riêng TP.HCM có hơn 560 nhóm) đã được thiết lập trong 48 giờ. Mỗi nhóm đại diện cho từng siêu thị Bách hóa Xanh kết nối trực tiếp với khách hàng trong bán kính 2-3 km gần cửa hàng.
Các link đặt hàng được nhúng trong nhóm Zalo để khách hàng có thể đặt trực tiếp. Cũng trong 48 giờ, đội ngũ làm web và IT Bách hóa Xanh nỗ lực chuyển đổi giao diện đặt hàng, giúp người nội trợ thao tác thuận tiện, đơn giản. Giao diện này kết nối tồn kho thực tế đến từng điểm bán để khách hàng lựa chọn sản phẩm trên web tương tự chọn mua tại siêu thị.
Khi khách đặt mua xong, hệ thống sẽ gửi đơn về cửa hàng để nhân viên trực tiếp liên hệ, giao cho khách hoặc thông qua lực lượng đi chợ của chính quyền khu vực.
Trong 2 ngày đầu giãn cách, số người tham gia các nhóm Zalo lên tới hàng triệu thành viên, hiện đạt gần 1,3 triệu người, trung bình mỗi ngày phục vụ gần 60.000 đơn hàng. Riêng khu vực TP.HCM là hơn 650.000 thành viên, trung bình mỗi nhóm sở hữu hơn 1.100 người dùng. Nhiều siêu thị lập tới 2-3 nhóm Zalo.
Khi truy cập website Bách hóa Xanh, người dùng có thể thấy toàn bộ link tham gia nhóm Zalo được hiển thị cùng địa chỉ cụ thể cho từng tỉnh thành, phường xã. Người dùng tìm kiếm nhóm Zalo thuộc khu vực mình sinh sống để trực tiếp đặt mua hàng.
Người dùng chọn gia nhập nhóm Zalo siêu thị Bách hóa Xanh gần nhà. |
Trong một tuần đầu tăng cường giãn cách, việc ra đời các nhóm Zalo và tích hợp trang đặt hàng đã giúp Bách hóa Xanh phục vụ kịp thời người dân. Quy trình tự động hoá mang lại hiệu quả cao hơn so với cách đặt hàng phổ biến là gửi tin nhắn, xác nhận tin, nhân viên soạn đồ, báo lại khách nếu có món nào đã hết, thương lượng thay bằng món khác, báo giá và chốt đơn.
Việc tận dụng tốt công nghệ đã trở thành “vũ khí” giúp nhà bán lẻ tối ưu hiệu quả giữa lúc thị trường gặp khó. Tuy nhiên, do số lượng đơn lớn và nhân sự giao vận còn hạn chế, Bách hóa Xanh chưa thể đáp ứng hết nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Đại diện nhà bán lẻ cho biết: “Bình thường, chúng tôi đón tiếp 300.000 lượt khách đến siêu thị. Họ tự tới chọn đồ, thanh toán rồi xách hàng về. Giờ đây, tất cả công việc này được làm thay hoàn toàn bởi nhân viên siêu thị, do đó phát sinh khối lượng công việc khổng lồ. Cùng với sự hạn chế về nhân lực, chúng tôi hiện chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu”.
Phản hồi tích cực của khách hàng trên nhóm đi chợ online. |
Để phục vụ được nhiều khách hàng hơn, nhà bán lẻ đưa ra nhiều giải pháp như: Cho một số điện thoại mua một lần trong 3 ngày để cơ hội mua sắm đến với nhiều người hơn; thử nghiệm 150 siêu thị bán hàng theo combo cho nhóm hàng tươi sống như thịt - cá - trứng, cá - thủy hải sản, rau củ - rau lá, trái cây và gói mua lẻ đồ khô khác với hơn 100 sản phẩm thông dụng.
Hình thức mua theo combo đã chứng minh tác dụng do hiệu quả phục vụ tăng lên, được khách đánh giá cao khi đơn phục vụ nhanh hơn, hàng tươi hơn, rút ngắn thời gian giao 2-3 ngày xuống từ 4 giờ đến tối đa 24 giờ. Nhà bán lẻ đang cân nhắc áp dụng trên diện rộng hình thức này.
Đại diện Bách Hóa Xanh chia sẻ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay và ngay cả sau này khi "bình thường mới" được thiết lập, việc ứng biến nhanh chóng được xem là chìa khóa của thành công. Do đó, Thế Giới Di Động nói chung và Bách hóa Xanh nói riêng đã hành động nhanh chóng và kịp thời.
Bình luận