Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ Trần Anh Tuấn của tuyển Việt Nam có cuộc trao đổi với Zing.vn về trách nhiệm của đội ngũ y tế trên đội tuyển quốc gia, bên cạnh cách vượt qua áp lực khi phục vụ, chăm sóc cho các tuyển thủ.
Nhờ sự bền bỉ, cần mẫn của bác sĩ Anh Tuấn cùng các cộng sự, tuyển Việt Nam luôn có nền tảng thể lực rất tốt và hầu như không gặp sự cố nào ở các giải đấu tham dự.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn (phải) và tiền vệ Nguyễn Trọng Hoàng trong một buổi tập của tuyển Việt Nam trước thềm Asian Cup 2019, giải đấu mà bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử. Ảnh: Minh Chiến. |
- Công việc theo chân đội tuyển, chăm sóc và chữa trị cho các cầu thủ có khác so với công việc của anh trước đây?
- Khi đã xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho đội tuyển quốc gia, tôi luôn có kế hoạch làm việc, kịp thời khám chữa để phân loại khi các cầu thủ bị chấn thương hay gặp các vấn đề bệnh lý.
Ngoài ra, tôi cũng cần trao đổi thông tin chính xác, phối hợp với ban huấn luyện để nhanh chóng đưa ra chẩn đoán, hướng điều trị và dự kiến thời gian điều trị để quay lại tập luyện hoặc có thể tiếp tục thi đấu hay không.
Cuối cùng, chúng tôi có nhiệm vụ lập thực đơn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, quan tâm cả lúc vận động viên nghỉ ngơi sao cho hợp lý, đảm bảo sức khỏe tốt nhất suốt quá trình giải đấu diễn ra.
- Các CĐV cũng như giới chuyên môn rất ấn tượng với nền tảng thể lực, sức bền và sức chịu đựng của các tuyển thủ Việt Nam hôm nay. Các chuyên gia y tế đã giúp họ phát triển và duy trì thể chất tốt như thế nào?
- Việc cải thiện sức khỏe cho các cầu thủ là vấn đề của cả ban huấn luyện và tập thể các cầu thủ. Chúng tôi tự hào vì thể chất của các tuyển thủ. Sự tập luyện, kết hợp với tập thể lực luôn được tôi luyện hàng ngày.
Bộ phận y tế của tuyển quốc gia đã giúp các cầu thủ có chế độ dinh dưỡng đúng theo từng giai đoạn huấn luyện và thi đấu, bên cạnh chế độ hồi phục phù hợp với từng cá nhân cầu thủ.
Công việc chăm sóc cầu thủ gặp nhiều áp lực do tuyển Việt Nam và U23 thi đấu nhiều trận quyết liệt, căng thẳng. Đấu trường càng khốc liệt, số trận đấu càng nhiều, thì đội ngũ y tế càng chịu thử thách. Ảnh: Minh Chiến. |
- Chăm sóc sức khỏe cho tập thể với gần 30 con người, các chuyên gia y tế phải hoạt động, làm việc suốt ngày đêm, gần như không có thời gian nghỉ ngơi trong các giải đấu. Các anh đối mặt với chuyện đó như thế nào?
- Trải qua 10 năm chăm sóc sức khỏe cho các đội tuyển từ CLB đến cấp quốc gia, đến hiện tại, tôi vẫn rất tự tin vào sức khoẻ của mình.
Cũng có thể do tôi luôn có kế hoạch chi tiết trong tất cả công việc của mình, hoàn toàn chủ động nên tôi không thấy khó khăn nhiều. Cố gắng và tự tin hơn, đó là cách tôi được tôi luyện qua từng ngày.
- Bên cạnh kiến thức chuyên môn, dường như bác sĩ ở đội tuyển còn phải rất tâm lý, lắng nghe tâm tư của các cầu thủ. Trong quãng thời gian làm việc cùng đội, cầu thủ nào hay trường hợp chấn thương nào khiến để lại cho anh nhiều suy nghĩ nhất?
- Với các trường hợp chấn thương, bản thân tôi luôn đưa ra chẩn đoán chính xác, theo dõi sát sao và điều trị theo phương pháp tốt nhất để các cầu thủ quay lại tập luyện, thi đấu trong thời gian sớm nhất.
Thành công của tuyển Việt Nam in đậm dấu ấn của đội ngũ chuyên gia thầm lặng. HLV Park Hang-seo từng nhiều lần dành lời tri ân cho những người hùng thầm lặng này. Ảnh: Minh Chiến. |
- Có khi nào, anh gặp trường hợp cầu thủ “giấu" chấn thương, tức là bị đau, nhưng không thông báo với đội ngũ y tế vì không muốn phải vắng mặt ở trận đấu quan trọng?
- Trong chuyên môn, chúng tôi luôn có những bài kiểm tra sức khỏe hiện tại của cầu thủ, nên việc này đã không xảy ra trong đội tuyển.
- Theo chân đội tuyển ở các giải đấu và làm việc với tần suất rất lớn, dường như anh cùng các chuyên gia y tế ở đội tuyển sẽ ít có thời gian dành cho gia đình. Những lúc ấy, anh cân bằng thời gian thế nào, gia đình nói gì để động viên mình?
- Gia đình luôn là hậu phương vững chắc để tôi hoàn thành nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa nhận xét về bác sĩ Trần Anh Tuấn: “Ban y tế của bác sĩ Tuấn là một trong những ban vất vả nhất trên đội tuyển. Lịch làm việc của họ bắt đầu từ sáng sớm. Nếu trong ngày có buổi tập của đội, họ phải chuẩn bị nước, thuốc men... trước đó cả tiếng đồng hồ. Các bác sĩ phải quan sát buổi tập xem có cầu thủ nào chấn thương hay không”.
“Về đến nơi, họ phải làm thêm công tác chẩn đoán xem cầu thủ có vấn đề gì không. Đến tối, các bác sĩ phải mát-xa, điều trị cho cầu thủ. Cả đội có 22 người, mà đội ngũ bác sĩ giờ chỉ còn 2 người thôi, nên họ vất vả, mệt mỏi. Tính riêng việc mát-xa cho cầu thủ với phân loại hàng trăm loại thuốc men thôi đã là rất mệt”.
“Bác sĩ Tuấn là người giàu kinh nghiệm, biết cách làm việc, rất chủ động, không ai phải nhắc nhở cả, đồng thời hiểu từng chân tơ kẽ tóc những đường gân đến lịch sử của từng cầu thủ ở V.League, chứ không riêng tuyển quốc gia. Bác sĩ Tuấn là chuyên gia đáng quý, tài sản lớn của tuyển Việt Nam”, ông Khoa nhận định.