Quãng 10 năm trước, những ai từng chơi blog ở Việt Nam, có lẽ không xa lạ với cái tên Mạc Đại. Đó chính là bút danh của bác sĩ Lê Minh Khôi, tác giả của tập tản văn Những sườn núi lấp lánh gây chú ý trong thời gian gần đây. Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam - 27/2, Zing.vn có cuộc trò chuyện cùng nhà văn - bác sĩ Lê Minh Khôi.
- Thưa bác sĩ Lê Minh Khôi, anh từng học chuyên Văn, bước ngoặt nào đưa anh trở thành bác sĩ, mà không phải là nhà văn như người bạn học chung lớp với anh ngày trước - nhà văn Trần Nhã Thụy?
- Từ cuối năm lớp năm, tôi đã mơ ước trở thành phóng viên. Và mơ ước đó đưa tôi đến với lớp Văn của trường chuyên PTTH Nghĩa Bình mặc dù tôi học khá đều các môn. Tôi vẫn giữ ước mơ đó đến cuối cấp ba và nghĩ rằng không có gì có thể thay đổi được.
Nhưng rồi cha tôi yêu cầu, mà theo như ông thì “chỉ xin con lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng”, đi thi y khoa vì ông biết khả năng của tôi qua bạn bè cùng lớp cũng như qua thầy cô trực tiếp giảng dạy.
Vì vậy mà tôi đành gác lại ước mơ rất kiên định của mình để trở thành bác sĩ. Và không phải đến lúc này tôi mới nhận ra rằng đó là một trong những lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời mình. Tôi thấy mình đã rất may mắn khi dám “rẽ bước sang ngang”.
Bác sĩ - nhà văn Lê Minh Khôi (trái). |
- Không rõ anh đã nhận được những gì để gọi là “rất may mắn”. Còn thực tế, anh vẫn viết văn dẫu đã “rẽ bước sang ngang” đó thôi.
- Nếu gọi là nhận thì việc được sinh ra lành lặn trên đời cũng đã là một đặc ân to lớn nhất rồi. Cũng như người khác, tôi nhận từ cuộc đời này rất nhiều thứ từ hình hài vóc dáng, sức khỏe, trí tuệ, quần áo, đồ ăn thức uống, công việc, mái nhà… Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy mình rất may mắn.
Tuy nhiên, nghề Y đã tạo điều kiện cho bản thân tôi được cho. Và được cho ở đây mới thực sự là điều rất may mắn mà tôi muốn nói.
Dĩ nhiên, nghề nào cũng giúp cho người ta có cơ hội để trao tặng cuộc đời nhưng với riêng tôi, nghề Y giúp tôi trụ vững được trong những lúc băn khoăn nhất, bấn loạn nội tâm nhất.
Tôi có thể thấy mình được có cơ hội cho một cách rất cụ thể, với những thân phận rất cụ thể. Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui vượt lên những chấp nhặt vụn vặt của đời thường để phát hiện, chẩn đoán và góp phần điều trị cho những ca bệnh khó, bệnh hiểm nghèo.
- Phải hình dung như thế nào về một bác sĩ viết văn? Anh nghĩ gì về danh xưng này?
- Tôi đã, đang và sẽ luôn là một bác sĩ lâm sàng. Nhờ có nghề Y mà tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhờ nghề Y mà tôi đã vượt qua những bấn loạn nội tâm của một người luôn đi tìm câu hỏi về lý do tồn tại của mình. Thực tình, nếu không làm bác sĩ, tôi cũng không biết mình còn có thể làm được gì khác nữa. Còn danh xưng? Tôi không nghĩ nhiều về nó. Tôi biết trên thế giới và cả trong nước cũng có rất nhiều thầy thuốc trở thành nhà văn, nhà thơ lớn. Riêng tôi, tôi chỉ có khả năng viết được những điều rất nhỏ và chỉ viết khi không thể không viết.
- Đọc "Những sườn núi lấp lánh" nhận ra đằng sau những con chữ là một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và đa đoan. Những phẩm chất này thường chỉ có ở những người viết văn. Anh có tiếc không khi không theo đuổi văn chương từ ngày đó?
- Tôi không dám tin rằng mình có được những điều đó. Tuy nhiên, nếu may mắn có được thì đó cũng là những tố chất không thể thiếu của một người bác sĩ lâm sàng. Từ lúc dấn thân vào nghề Y, hình như tôi không thấy tiếc nuối gì về chọn lựa của mình.
Dĩ nhiên, cũng không ít lúc có những thôi thúc dịch chuyển khiến tôi bất giác chợt nghĩ nếu mình là phóng viên như trước thì chắc giờ này được thỏa sức đó đây. Nhưng cũng chỉ nghĩ vậy thôi. Còn nếu cho chọn lại lần nữa, tôi chắc chắn cũng sẽ chọn nghề Y dẫu cho xã hội có nhìn nghề này như thế nào đi nữa.
- Tập tản văn của anh được sắp xếp làm 3 phần: "Thương nhớ ca dao", "Bấp bênh phận người" và "Những sườn núi lấp lánh". Đó cũng giống như hành trình của một đời người từ lúc sinh ra đến lúc lớn lên rồi trưởng thành. Đây có phải là chủ ý của anh?
- Đây không phải là chủ ý của tôi. Như đã nói, tôi không phải là người sáng tác chuyên nghiệp mà chỉ viết những lúc không thể không viết. Những bài viết đó lúc thì gửi báo đăng, lúc thì đưa lên Yahoo blog hay Facebook, lúc thì chỉ giữ cho riêng mình.
Rồi nhà văn Trần Nhã Thụy bảo tôi tập hợp lại và mai mối cho BTV Dương Ngọc Hân của Saigon Books. Cách chia này là sản phẩm của Thụy và Hân. Và tôi thấy các bạn ấy hiểu tôi còn hơn cả chính tôi nữa.
Tập tản văn Những sườn núi lấp lánh. |
- Nghề nghiệp của anh mang đến những trái tim khỏe mạnh; còn văn chương, anh mong muốn được trao gửi điều gì đến bạn đọc của mình?
- Cứ mỗi lần một đứa trẻ may mắn được xuất viện với trái tim khỏe mạnh, tôi không mong ước gì hơn là cháu bé đó sẽ trở thành một người tử tế như nhiều tấm lòng tử tế của thầy thuốc, của những nhà hảo tâm đã góp phần cứu chữa cho em.
Tôi không lập ngôn trong văn chương nên nếu bạn hỏi tôi muốn gửi gì đến bạn đọc thì chắc có lẽ cũng không ngoài hai chữ tử tế. Tử tế với chính mình. Tử tế với tha nhân. Tử tế với đất đai, cây cỏ, sông núi, không khí, với bầu trời. Và tử tế cả với những điều chưa được tử tế.
- Gần đây, xã hội đang nói nhiều đến hai chữ “tử tế”, giờ tôi lại được nghe từ anh. Chúng ta nói nhiều như vậy, phải chăng cuộc sống của chúng ta đang thiếu đi sự tử tế dành cho nhau? Sự tử tế theo anh là gì?
- Tôi không phải chuyên gia Hán Nôm nên không biết nghĩa gốc thực sự của từ này là gì. Tôi hiểu đơn giản rằng tử tế là cách hành xử, ứng xử hay cao hơn là một lối sống có tình người.
Người tử tế cẩn trọng, chu đáo và ân cần trong từng việc nhỏ nhất là trong từng mối quan hệ với con người với động vật với thiên nhiên, cây cỏ và với tất cả những gì xung quanh. Không hiểu sao, khi anh hỏi câu này, tôi lại nhớ đến lời Mẹ Teresa: "Làm những việc nhỏ với tình yêu lớn" (Do small things with great love). Đó là một cách biểu hiện của lòng tử tế vậy.
Sự tử tế thì không bao giờ đủ cho dù là bạn sống ở giai đoạn lịch sử nào, nền văn hóa nào. Chính vì vậy mà chúng ta luôn thấy thiếu. Và cái cảm thấy thiếu này chứng tỏ rằng xã hội đó còn đủ lương tri của một xã hội loài người.
Đúng là khi nhìn ra xung quanh, nhiều lúc chúng ta thấy vắng bóng sự tử tế và chúng ta hốt hoảng, đau lòng. Nhưng trong mạch ngầm của cuộc sống, trong những góc nhỏ của cuộc sống, sự tử tế vẫn kiên trì hiện diện. Tôi nghĩ chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ về những cái ác nhưng cũng nên tin vào điều thiện lương trong cuộc đời. Và tin vào sự tử tế của người khác cũng là một biểu hiện của lòng tử tế.
- Văn chương và nghề y đã song hành với anh từ nhiều năm nay. Trong khi nghề y đòi hỏi sự tập trung cao độ, còn văn chương lại cần đến sự mơ màng, bay bổng. Làm thế nào để anh vẫn duy trì được sự song hành này? Với anh, văn chương và nghề y bổ trợ cho nhau như thế nào?
- Rất nhiều người hỏi tôi câu này tuy nhiên tôi thì lại không thấy có gì xung đột giữa hai lĩnh vực này. Trước đây, khi học chuyên Văn, tôi và bạn bè ai cũng thuộc lòng câu “Văn học là Nhân học”. Sau này, khi học y, tôi biết rõ y khoa là một khoa học về con người chứ không phải là khoa học về bệnh tật.
Hoặc nói cách khác, điều trị y khoa là điều trị con-người-bị-bệnh chứ không phải điều trị bệnh. Cái cốt lõi của hai lĩnh vực này vẫn nằm ở tính nhân văn.
Theo tôi, “mơ màng, bay bổng” chỉ là biểu hiện bên ngoài chứ văn chương cũng là một trong những loại lao động vắt kiệt sức nhất đòi hỏi nhiều phẩm chất mà không phải ai cũng có được.
Ngược lại, nếu tìm hiểu kỹ hơn thì trong ngôn ngữ y khoa cũng có một lượng từ vựng đẹp lung linh dùng để chỉ những dấu hiệu, triệu chứng hoặc bệnh.Với tôi, y khoa là một khoa học và một nghệ thuật. Không thể thiếu một trong hai thành tố đó. Tôi yêu cả văn chương và nghề y. Đó là sự bổ trợ quan trọng nhất đối với bản thân tôi.