Sau Calmette là đến Loir. Yersin cảm thấy người ta sẽ không nhả anh ra nữa. Adrien Loir, cháu ruột của Pasteur. Một trong những người đầu tiên của nhóm môn đệ Pasteur. Họ cùng tuổi, từng cùng làm điều chế viên ở phố Vauquelin trước khi tòa nhà trên phố Dutot được xây. Theo lời khuyên của ông bác, Loir liên tục gửi điện cho anh đến trụ sở hãng ở Sài Gòn, nơi anh tới sau mỗi chuyến đi.
Loir được cử sang Australia để lập một viện Pasteur, tìm cách tiêu diệt lũ thỏ sinh nở quá nhanh bằng khuẩn tả ở gà. Anh cũng tiêm vắcxin cho chó nhà và chó rừng chống bệnh dại, tiêm vắcxin cho cừu chống bệnh than, bao nhiêu là việc. Anh kêu gọi sự giúp đỡ của bạn đồng môn cũ. Người từng có ham muốn đi xa.
Anh đề xuất một cuộc đời sôi nổi hơn những chuyến đi loanh quanh trên Biển Đông, lương lại cao hơn lương bác sĩ trên tàu, với một phòng thí nghiệm tha hồ mà nghiên cứu. Australia là một châu lục đang trên đà phát triển mạnh. Ở đó mọi thứ đều hiện đại, lại có thể xem chuột túi. Anh đưa ra đủ mọi lý lẽ.
Yersin đi ngang khách sạn Majestic, ngược đường Catinat, bước vào tòa bưu điện của Gustave Eiffel và tới bàn giao dịch xin một tờ giấy xanh lơ. Anh viết thật nhã nhặn, giãi bày tình bạn, ca ngợi sứ mệnh của Loir, nhưng từ chối sang Sydney. Cũng như anh từng từ chối đề xuất của Calmette ở chính Sài Gòn này.
Calmette vẫn không thôi chào mời. “Calmette nhèo nhẽo hứa hẹn đủ mọi thứ trên trời dưới biển để thúc con gia nhập hải quân thuộc địa”.
Yersin tin chắc rằng những năm huy hoàng của nghiên cứu vi trùng đã ở lại sau lưng họ. Thôi rồi thời các nhà phiêu lưu. Thôi rồi công việc đơn độc của những thiên tài thích mò mẫm. “Con biết là ở đỉnh cao của ngành vi trùng học như hiện nay, thì mọi bước tiến lớn về phía trước sẽ thật nặng nhọc, và hẳn ta sẽ vấp phải rất nhiều sai lầm và thất vọng”.
Anh không mong muốn trở thành một trong những kẻ cần mẫn ấy. Anh còn trẻ, và nôn nóng, Yersin ấy, anh rất mau chán. Giờ đây khi đã biết đi đất tiến vào rừng rậm, anh sẽ không xỏ vào chân đôi giày của đám nghiên cứu quẩn quanh xó nhà nữa. Anh rời Paris không phải là để lại nhốt mình đâu đó. Anh đã chọn trở thành nhà thám hiểm. Anh đã chọn điều đó trước cả khi thành bác sĩ.
Chân dung bác sĩ Yersin. Nguồn: yersin.edu. |
Anh đã viết điều này cho Fanny từ Berlin, và giờ đây anh nhắc lại. “Con thấy rằng kiểu gì chăng nữa thì con cuối cùng sẽ dấn thân trên con đường thám hiểm khoa học. Con quá yêu thích điều đó, và hẳn mẹ còn nhớ giấc mơ thầm kín của con là được dõi nhìn từ xa dấu chân Livingstone".
Về Livingstone, chết chừng hai mươi năm về trước, anh biết mọi thứ. Chuyến đi từ Nam Phi tới Angola, hành trình khắp lục địa, đến tận Mozambique. Chữa bệnh cho dân tại các ngôi làng ghé chân. Phát hiện sông Zambèze và không ngừng tìm kiếm nguồn sông Nil.
Cuộc gặp bên bờ hồ Tanganyika với nhà báo Stanley, người được cử đi tìm ông. Doctor Livingstone, I presume? Lời từ chối trở về của ông. Cái chết của ông một năm sau đó. Xác ông được moi hết nội tạng nhờ Chuma và Susi trung thành và đống nội tạng được chôn dưới một gốc cây. Hài cốt khô được hai người đó chuyển đi bằng đòn gánh tới Bagamoyo và Ấn Độ Dương để giao cho đám người Anh ở Zanzibar. Đám tang trong tu viện Westminster và Stanley túc trực bên linh cữu. Here rests David Livingstone. Missionary. Traveller. Philanthropist.
Trong khi chờ đợi khám phá những miền đất lạ, như người hùng của mình, Yersin trở thành bác sĩ cho người nghèo mỗi lần anh đến sống ở Nha Trang. “Mẹ hỏi con có thích hành nghề y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là sẽ không bao giờ con có thể đòi một người bệnh trả tiền cho con vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học giống như một điều thiêng liêng, cũng như nghề mục sư ấy. Nếu phải được trả tiền thì mới chữa cho bệnh nhân, thì cũng gần như bảo anh ta muốn sống thì đưa tiền ra đây”.
Yersin tiếp tục đi lại trên tàu Saigon và Hãng Đường biển trả lương cho anh, số tiền ấy giúp anh lúc này không phải đòi tiền khám bệnh. Cả đời mình anh sẽ tìm mọi cách để giữ được vị thế xa lạ với kinh tế và chính trị. Một tín đồ chân chính của Nhà thờ Tân giáo Tự do vùng Morges và của tấm gương Livingstone, cũng là bác sĩ, nhà thám hiểm và mục sư.
Khi rốt cuộc cũng xuống ga Nha Trang vào mùa xuân năm 40 ấy, quay về Xóm Cồn, bởi sau tám ngày đi đường, chục lần cất cánh hạ cánh, từ biệt con cá voi nhỏ màu trắng thân bọc đuyra đậu xuống sân bay Sài Gòn, ông già mang chòm râu trắng này đi tàu hỏa để tới vịnh nước huy hoàng và yên bình. Ông chậm rãi bước đi bên bờ kè chắn sóng, dân chài chào ông. Họ là cháu nội ngoại của những dân chài từng tiếp đón ông xưa kia.
Đây là lần quay về cuối cùng của bác sĩ Năm tốt bụng, đó là cái tên ở đây người ta dùng để gọi ông, Bác Năm, vì ông có cái lon 5 vạch mạ vàng trên bộ đồng phục trắng, dù từ thế kỷ trước ông đã không còn vận bộ đồng phục đó nữa rồi, thời ông còn là chàng thủy thủ lịch duyệt râu đen và mắt xanh chữa bệnh cho ông bà của họ.
Ông bước vào ngôi nhà vuông dựng ngay trên bờ nước của mình. Chính ông đã vẽ nó, cách đây lâu lắm rồi. Một khối lập phương, hợp lý. Trên mái là vòm của trạm thiên văn của riêng ông. Cả ba tầng đều có một hành lang chạy vòng quanh dưới mái và có cột chống. Lần này người ta lo sẽ không bao giờ còn được gặp lại ông nữa.
Ông bỏ hết đồ trong vali ra, sắp xếp đống dược phẩm mà ông sẽ phải sử dụng hết sức dè sẻn. Ông ngồi ở hàng hiên trên cái ghế bập bênh, nhìn ra biển. Nắng đùa giỡn trong đám dừa và vịnh nước tráng lệ. Gần ông, những chuồng chim ồn ĩ và sặc sỡ, cùng con vẹt của ông. Sáng sáng, ông nghe đài để biết tin tức buổi tối ở Paris.
Giọng của Thống chế tuyên bố dâng hiến thân mình cho nước Pháp và đang sắp sửa ký hiệp ước đình chiến nhục nhã ấy. Nước Pháp đã thua trận. Thụy Sĩ trung lập. Nước Đức chiến thắng. Chiến dịch nước Pháp vừa làm hai trăm nghìn người chết trong vòng vài ngày, ngang với nạn nhân của một bệnh dịch, dịch hạch nâu. Ông biết rõ rằng cuộc chiến tranh, bởi đó là thế chiến, rồi đây cũng sẽ lan tới Nha Trang. Người Nhật, đồng minh của người Đức, một ngày nào đó sẽ đổ bộ vào Xóm Cồn. Là chuyên gia lão thành về bệnh dịch, Yersin không quên rằng cái tồi tệ nhất luôn là cái chắc chắn nhất.
Già đi là chuyện vô cùng nguy hiểm. Thật cũng chẳng tệ, với một số người, được chết khi còn trẻ đẹp. Nếu không mắc chứng hoại thư, giờ này Arthur Rimbaud chỉ hơn Philippe Pétain có hai tuổi. Yersin thì đã bảy mươi bảy.
Ở Nha Trang, ông lại tiếp tục cuộc đời thanh đạm của mình. Ông sẽ không rời ngôi nhà vuông cho tới khi qua đời, bao nhiêu thời gian nữa cũng được. Lần đầu tiên, ông thấy có chút do dự.
Phiêu lưu như thế nào ở tuổi già này. Ông biết rằng mình chỉ còn rất ít thời gian. Đã từ lâu, người ta hối thúc ông viết hồi ký. Nhóm Pasteur. Không thực sự định làm vậy, nhưng ông cũng sắp xếp lại đôi chút đống giấy tờ lưu trữ của mình, mở những cái rương cũ. Chỉ đọc lại những quyển sổ thám hiểm của mình, khi mà thêm một lần nữa người ta muốn ông kể lại câu chuyện vĩ đại về dịch hạch.