"Có hành khách nào là nhân viên y tế trên chuyến bay không, xin hãy trợ giúp".
Tháng 12/2023, khi chuyến bay từ Phù Cát (Bình Định) vào TP.HCM di chuyển được nửa đường, thông báo bất ngờ từ tiếp viên hàng không khiến nhiều hành khách chú ý. Hóa ra, một bé gái khoảng 3 tuổi đang lên cơn sốt cao co giật. Cả tiếp viên hàng không và người mẹ đều cuống, chưa biết xử trí sao khi em bắt đầu sùi bọt mép, mắt trợn, người lạnh đi.
Ở cách ghế cô bé khoảng 5 hàng, bác sĩ Nguyễn Minh Đăng (sinh năm 1976), trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Bình Định, nhanh chóng chạy đến.
"Tôi là bác sĩ, làm ở khoa Gây mê hồi sức, hãy để tôi xem tình hình cháu bé", anh giới thiệu để mọi người yên tâm, tin tưởng cho anh hỗ trợ.
Bác sĩ Đăng nhanh chóng kiểm tra tình trạng bé gái, để em nằm nghiêng trên lối đi, đặt thuốc hạ sốt, hướng dẫn tiếp viên hàng không chuẩn bị khăn ấm lau người. Khi máy bay bắt đầu hạ cánh, tình hình bé gái cũng dần ổn định, hết co giật.
Anh Đăng tiếp tục ở bên theo dõi em bé, tự tay bế em giao cho đội nhân viên y tế chờ sẵn ở sân bay và thông báo qua về tình trạng, các chỉ số người bệnh. Xong xuôi, anh mới quay lại lấy hành lý, là hành khách cuối cùng rời đi.
"Khi đó, phi hành đoàn đã xếp hàng đứng chào cảm ơn tôi. Tôi thực sự hạnh phúc, hơn cả là đã giúp được em bé nọ. Tôi vội quá không kịp hỏi thông tin gia đình, nhưng tôi tin bé không còn rơi vào tình trạng nguy hiểm nữa và có thể hồi phục nhanh chóng", nam bác sĩ kể với Znews - Tri thức.
Đây chỉ là một trong vô vàn điều tử tế mà bác sĩ Nguyễn Minh Đăng đã làm trong quãng thời gian 22 năm hành nghề. Nam bác sĩ cũng là một trong những người đầu tiên hưởng ứng ATM sự tử tế - dự án do TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books - phát động hôm mùng 3 Tết Nguyên đán, kêu gọi mọi người cùng thực hiện, lan tỏa sự tử tế trong xã hội.
Ai cũng có thể làm điều tử tế
Là học trò trong lớp thiền của TS Nguyễn Mạnh Hùng, bác sĩ Đăng được ông chia sẻ nhiều về các dự án ATM thiện nguyện từng thực hiện như ATM gạo, ATM sách và tái khởi động ATM sự tử tế vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
"Từ cái tên dự án nghe đã rất mới mẻ: ATM sự tử tế. Không mang tính vật chất, cây ATM đặc biệt này chứa đựng những tấm lòng, việc làm, con người tử tế", anh nói.
Bác sĩ Bệnh viện Bình Định cho rằng việc tử tế là điều ai cũng có thể làm, ở mọi nơi, mọi lúc từ trong tâm. Trong cuộc sống, luôn trao yêu thương, mong muốn cho mọi người được tốt hơn, cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Ngay từ khi bước chân vào nghề y, bác sĩ Đăng quan niệm đây là công việc cần nhiều nỗ lực, trách nhiệm và đặc biệt là sự tử tế. Anh cho rằng đối với người đau bệnh, bác sĩ giống một chiếc phao để họ bấu víu, trao gửi niềm tin. Bởi vậy, những nhân viên y tế như anh luôn cần làm hết sức trong khả năng, trách nhiệm để cứu người bệnh.
"Và một khi thấy bệnh nhân có thể hồi phục, quay trở lại cuộc sống bình thường, bản thân các nhân viên y tế cũng rất hạnh phúc, như được tiếp thêm năng lượng để làm nghề".
Bác sĩ Đăng không thể nào quên thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, anh được tăng cường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. Anh làm việc tại quận Bình Tân, một trong những khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dù làm việc với hàng nghìn bệnh nhân thời điểm đó, anh vẫn ấn tượng nhất quá trình hỗ trợ một cụ bà tên Mười. Gia đình bà phải đi cách ly hết, chỉ còn mình bà, không ai chăm sóc, cũng không thể nói chuyện với ai vì thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Đến lúc nhiễm bệnh, bà chỉ có thể liên lạc với nhân viên y tế qua chiếc điện thoại "cục gạch".
"Khi tôi gọi điện tới, bà vui lắm. Trước đó bà rất hoảng loạn, cứ nói rằng sợ bà không 'qua' được, nếu bà đi thì con cháu không ai về gặp được. Hiểu được tâm lý đó, mỗi ngày, tôi gọi cho bà tối thiểu 5 cuộc, ngoài hướng dẫn tự điều trị, tôi trò chuyện, trấn an để bà không bi quan, cô đơn. Tôi biết giai đoạn đó, rất nhiều người không qua khỏi cũng một phần vì khủng hoảng về mặt tâm lý".
Cuối cùng, bà Mười đã khỏi bệnh, được đoàn tụ với con cháu. Đến cả khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi người trở lại cuộc sống bình thường, bà vẫn thi thoảng gọi điện cho nam bác sĩ, hẹn "khi nào lại đến Sài Gòn thì qua nhà bà ăn cơm".
Với bác sĩ Đăng, những câu chuyện, trải nghiệm đó giống như những hạt mầm của sự tử tế anh đã gieo được, trước cả khi biết đến ATM sự tử tế, để hy vọng chúng có thể lan tỏa, sinh sôi mạnh mẽ hơn nữa tới nhiều người.
Đừng e ngại làm việc tử tế
Công tác trong ngành y nhiều năm, bác sĩ Đăng chứng kiến nhiều câu chuyện tử tế từ cả đồng nghiệp, bệnh nhân hay những người lạ xung quanh. Song, không phải lúc nào ai cũng đủ can đảm để tiến lên làm việc tử tế dù biết đó là chuyện nên làm.
"Ví dụ như khi một người gặp tai nạn ngoài đường, có nhiều người biết nên giúp họ, đưa đến bệnh viện nhưng e ngại, sợ bị dàn cảnh, sợ nếu người nhà nạn nhân đến hiểu lầm họ là kẻ gây tai nạn... Tôi hiểu tâm lý đó, nhưng cũng muốn nói với mọi người rằng đừng bao giờ e ngại làm việc tử tế bởi đôi khi cái dang tay giúp đỡ của một người xa lạ có thể cứu sống cả một con người. Trong ví dụ tôi kể, nếu ngại xông vào giúp một mình, hãy rủ thêm 1-2 người nữa, dùng điện thoại quay hình lại quá trình để chứng minh, gọi ngay xe cấp cứu...".
Theo nam bác sĩ, nếu sự tử tế được lan tỏa và mọi người đồng hành với nhau thành một tập thể, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Bản thân anh vừa qua cũng chung tay cùng TS Nguyễn Mạnh Hùng trao 150 suất cơm chay cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Định. Anh cũng ấp ủ kế hoạch về các vùng quê nghèo, hướng dẫn bà con các kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu có thể tự thực hiện khi gặp sự cố hay giúp đỡ người khác.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.