Bloomberg đưa tin hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng của Didi Chuxing sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Như vậy, các cửa hàng ứng dụng lớn nhất Trung Quốc như của Apple Inc., Huawei Technologies Co. và Xiaomi Corp. sẽ phải xóa bỏ ứng dụng Didi. Tuy nhiên, gần nửa tỷ khách hàng đã tải xuống Didi vẫn có thể tiếp tục gọi xe và sử dụng những dịch vụ khác.
Lệnh cấm của Trung Quốc khiến giá cổ phiếu của SoftBank Group Corp. - cổ đông lớn của Didi - lao dốc 5,9% trong phiên giao dịch hôm 5/7. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ ngày 13/5.
Didi là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục đầu tư của SoftBank. Công ty đã đánh bại Uber Technologies Inc. tại Trung Quốc và đang trong quá trình mở rộng quốc tế đầy tham vọng.
Cổ phiếu của Didi bắt đầu được giao dịch trên sàn New York hôm 30/6, sau đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trị giá 4,4 tỷ USD.
Lệnh cấm của Bắc Kinh khiến giá cổ phiếu của công ty lao dốc 5,3%. Hôm 2/7, giá trị vốn hóa thị trường của công ty có thời điểm bay hơi 11% sau khi cơ quan giám sát Trung Quốc tiết lộ cuộc điều tra.
Hôm 5/7, sau yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng Didi, cơ quan quản lý Trung Quốc cũng cho biết đang tiến hành đánh giá Huochebang và Yunmanman, thuộc sở hữu của Full Truck Alliance và Boss Zhipin - một trang web tuyển dụng do Kanzhun sở hữu.
Kanzhun đã huy động 912 triệu USD và được niêm yết trên sàn Mỹ hồi tháng 6. Full Truck Alliance, thường được gọi là "Uber dành cho xe tải" của Trung Quốc, cũng niêm yết tại Mỹ vào tháng trước sau khi thu về 1,6 tỷ USD.
Giá cổ phiếu của Didi và SoftBank - cổ đông lớn của Didi - lao dốc sau động thái mới nhất của cơ quan quản lý Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Đáng nói, SoftBank - cổ đông nước ngoài lớn nhất của Didi - cũng rót vốn vào Full Truck Alliance. Theo hồ sơ, quỹ Vision Fund của SofBank nắm giữ lần lượt 20,2% và 20,3% cổ phần tại Didi và Full Truck Alliance.
Bắc Kinh đang trấn áp sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các tập đoàn Internet lớn nhất Trung Quốc. Họ muốn tăng cường thắt chặt quyền sở hữu và xử lý hàng loạt thông tin mà những công ty như Alibaba Group Holding Ltd., Tencent và Didi thu thập từ hàng trăm triệu người dùng.
Hôm 4/7, cơ quan quản lý đã yêu cầu Didi khắc phục các vấn đề theo yêu cầu pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Công ty cho biết đã tạm dừng đăng ký người dùng mới kể từ ngày 3/7 và đang làm việc để điều chỉnh ứng dụng theo các yêu cầu. Didi thừa nhận động thái của cơ quan quản lý Trung Quốc "có thể tác động bất lợi" đến doanh thu của công ty.
Động thái mới nhất đối với Didi nhấn mạnh tình thế không chắc chắn của các nhà đầu tư khi Trung Quốc mạnh tay trấn áp lĩnh vực Internet nước này.
Hồi đầu năm, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc thông báo đang xem xét các cáo buộc vi phạm đối với Meituan, chỉ vài ngày sau khi công ty Internet lớn thứ 3 của Trung Quốc huy động được 9,98 tỷ USD từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
"Điều này không công bằng với các nhà đầu tư", ông Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital (có trụ sở tại Hong Kong), bình luận. "Đó là một vấn đề quan trọng của tính toàn vẹn thị trường. Các cơ quan quản lý Trung Quốc nên ngừng cho phép công ty niêm yết khi đang bị điều tra", ông nhận xét.