Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắc Kinh siết chặt kiểm soát, giới nhà giàu chuyển tiền sang Singapore

Ngày càng nhiều đại gia Trung Quốc tìm cách chuyển tiền sang Singapore sau khi Bắc Kinh mạnh tay chấn chỉnh các ngành công nghiệp từ công nghệ tài chính đến bất động sản.

Theo CNBC, ngày càng nhiều người Trung Quốc chuyển tiền sang Singapore và coi đó là nơi "trú ẩn an toàn". Xu hướng này bắt đầu vào năm ngoái, sau khi Bắc Kinh mạnh tay trấn áp các ngành công nghiệp từ công nghệ, bất động sản đến giáo dục.

Các công ty ở Singapore đang giúp giới nhà giàu Trung Quốc chuyển tài sản sang đảo quốc thông qua cấu trúc văn phòng gia đình. Văn phòng gia đình là một công ty tư nhân quản lý tài sản và danh mục đầu tư cho những gia đình giàu có.

Theo bà Iris Xu - nhà sáng lập công ty dịch vụ kế toán và doanh nghiệp Jenga, trong vòng 12 tháng qua, số yêu cầu thành lập văn phòng gia đình ở Singapore gửi tới công ty đã tăng gấp đôi.

Nha giau Trung Quoc anh 1

Giới nhà giàu Trung Quốc đang chuyển tài sản sang Singapore thông qua cấu trúc văn phòng gia đình. Ảnh: Reuters.

Các khách hàng sở hữu hàng chục triệu USD

Bà Xu tiết lộ phần lớn yêu cầu đến từ các khách hàng Trung Quốc, hoặc người Trung Quốc chuyển đến Singapore sinh sống.

Khoảng 50 khách hàng của bà đã mở văn phòng gia đình ở Singapore. Họ đều nắm giữ trên 10 triệu USD.

Tốc độ tăng trưởng thần tốc của kinh tế Trung Quốc đã tạo ra hàng trăm tỷ phú chỉ trong vài thập kỷ. Năm ngoái, nhiều người lọt vào danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Đất nước 1,4 tỷ dân có tổng cộng 626 tỷ phú, chỉ đứng sau con số 724 tỷ phú của Mỹ.

Theo bà Xu, khách hàng của bà cho biết có rất nhiều cơ hội kiếm tiền tại Trung Quốc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đó không phải nơi an toàn để giữ tiền.

Theo ông Ryan Lin - Giám đốc Bayfront Law (có trụ sở ở Singapore), việc Trung Quốc kiểm soát dòng vốn chặt chẽ khiến các tỷ phú khó chuyển tiền ra khỏi đất nước.

"Các khách hàng Trung Quốc thường chuyển tài sản tới Hong Kong, trước khi đưa sang Singapore", ông tiết lộ. Theo ông Lin, xu hướng này bắt đầu từ năm 2019, khi các cuộc biểu tình làm chao đảo Hong Kong. "Nhiều người Trung Quốc đã cân nhắc lại nơi cất giữ tài sản", ông nói thêm.

Nha giau Trung Quoc anh 2

Chiến lược "thịnh vượng chung" có thể là mục đích đằng sau việc Bắc Kinh chấn chỉnh các lĩnh vực từ giáo dục đến công nghệ. Ảnh: Reuters.

Xu hướng này tăng tốc sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi chiến lược "thịnh vượng chung", tức mang đến "của cải vừa phải" cho mọi người dân.

Trong một cuộc họp hồi giữa năm ngoái, ông Tập kêu gọi "điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định đây là mục đích đằng sau cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ tư nhân của đất nước. Hàng loạt tập đoàn lớn từ lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), giao đồ ăn, gọi xe đến giáo dục đều bị nhắm đến.

Lĩnh vực bất động sản - vốn đóng góp lớn vào GDP của đất nước - cũng chao đảo sau khi giới chức Trung Quốc siết chặt quy định.

Cuộc trấn áp của Bắc Kinh khiến giá trị vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ Trung Quốc lao dốc mạnh. Tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, doanh nhân nổi tiếng nhất đất nước - gần như biến mất khỏi tầm mắt công chúng.

Evergrande Group - tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc - cũng rơi vào "hố nợ" hơn 300 tỷ USD và đang tiến hành tái cấu trúc. Nhà sáng lập Hứa Gia Ấn phải bỏ tiền túi để giải quyết cuộc khủng hoảng tiền mặt của tập đoàn.

Các văn phòng gia đình

Trên thế giới, nhiều tỷ phú cũng dùng văn phòng gia đình để quản lý tài sản. Việc mở văn phòng gia đình ở Singapore còn giúp các nhà đầu tư dễ rót vốn vào những nơi khác ở châu Á.

Ông Lee Woon Shiu tại Ngân hàng tư nhân DBS cho biết các nhà đầu tư bị thu hút bởi Singapore nhờ tiềm năng phát triển của châu Á. Họ coi đảo quốc sư tử là cửa ngõ của khu vực.

"Các văn phòng gia đình đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trên khắp ASEAN, không chỉ trong thị trường tài chính và bất động sản, mà còn là cơ hội làm việc với chủ doanh nghiệp địa phương ở những ngành nghề kinh doanh khác", ông Lee giải thích.

Singapore cũng tận dụng vị thế trung tâm tài chính khu vực để đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút nhiều văn phòng gia đình hơn. Theo Đạo luật Thuế thu nhập của nước này, các phương tiện đầu tư gia đình được miễn thuế đối với một số loại thu nhập nhất định.

Các văn phòng gia đình đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trên khắp ASEAN, không chỉ trong thị trường tài chính và bất động sản, mà còn ở những ngành nghề kinh doanh khác

Ông Lee Woon Shiu tại Ngân hàng tư nhân DBS

Kể từ cuối năm 2020, nhà sáng lập Bridgewater Ray Dalio và đồng sáng lập Google Serge Brin đã mở văn phòng gia đình tại Singapore nhằm tận dụng chính sách thuế cởi mở của đảo quốc.

Năm 2020, theo Ban Phát triển Kinh tế Singapore, có khoảng 400 văn phòng gia đình được mở ở nước này. Số doanh nghiệp địa phương hợp tác với các văn phòng gia đình đã lên tới hàng trăm.

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây khó cho các doanh nhân Trung Quốc muốn mở văn phòng gia đình ở Singapore. Bắc Kinh tuyên bố phản đối những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Nước này cũng từ chối gọi cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là xâm lược.

Trái ngược với lập trường của Trung Quốc, Singapore đã áp biện pháp kiểm soát xuất khẩu với những mặt hàng "có thể được sử dụng để gây tổn hại cho người dân Ukraine" và chỉ đạo các tổ chức tài chính không giao dịch với những thực thể Nga bị liệt vào danh sách.

Theo bà Xu của Jenga, lệnh cấm giao dịch đã khiến một số khách hàng Trung Quốc tạm hoãn kế hoạch mở văn phòng gia đình ở Singapore.

Nhưng theo bà Xu và ông Lin, số khách hàng Trung Quốc tìm cách mở văn phòng gia đình ở Singapore vẫn tăng với tốc độ tương tự năm 2021.

Mỹ, Nhật mạnh tay ngăn hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián

Nhiều nước trên thế giới đang tìm cách siết chặt quy định nhằm ngăn chặn các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián ngày càng tinh vi, làm tổn hại thị trường và nhà đầu tư.

Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã thoát nạn sau một năm sóng gió?

Giới chức Trung Quốc phát đi tín hiệu nới lỏng quy định sau một năm mạnh tay siết chặt kiểm soát. Nhưng giới quan sát cho rằng môi trường đầu tư hiện tại vẫn còn nhiều rủi ro.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm