Reuters đưa tin Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đã phải đưa ra mức cảnh báo màu vàng trước tình trạng bão cát. Nước này có hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí gồm 4 cấp mã màu, trong đó màu đỏ là nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cam, vàng và xanh lam.
Trận bão cát bắt nguồn từ Nội Mông và di chuyển về phía nam theo các luồng không khí, lan nhanh ra các tỉnh bao quanh Bắc Kinh như Cam Túc, Sơn Tây và Hà Bắc.
Sáng 15/3, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Bắc Kinh đạt mức tối đa 500. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số này từ mức 301 tới 500 là “độc hại”, đồng nghĩa với việc người dân không nên hoạt động ngoài trời.
Theo Trung tâm Giám sát Môi trường của thành phố Bắc Kinh, chỉ số PM10 tăng hơn 8.000 micrograms/m3 ở một số quận, vượt quá 160 lần so với khuyến cáo của của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO khuyến cáo nồng độ PM 10 trung bình hàng ngày không quá 50 microgam.
Bầu trời Bắc Kinh chuyển sang màu vàng trong trận bão cát. Ảnh: Reuters. |
Kết quả chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức đáng lo ngại, lên tới 300 microgram/m3, cao hơn nhiều so với mức 35 microgram/m3 tiêu chuẩn của Bắc Kinh và mức khuyến nghị 25 microgam/m3 của WHO.
Bão cát cũng làm tầm nhìn giảm xuống dưới 1.000 m và gây gián đoạn giao thông tại thủ đô Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, nước láng giềng Trung Quốc là Mông Cổ cũng bị ảnh hưởng bởi bão cát lớn với ít nhất 341 người được báo cáo mất tích.
Bắc Kinh thường xuyên phải đối mặt với những trận bão cát vào tháng 3 và tháng 4 do nằm gần sa mạc Gobi rộng lớn. Đặc biệt, gió mạnh cùng hàng loạt công trình đang xây dựng và tình trạng ít cây xanh ở khu vực vành đai thủ đô cũng cũng góp phần làm tác động của bão cát nghiêm trọng thêm.
Trung Quốc đang cố gắng trồng lại rừng và phục hồi hệ sinh thái của khu vực nhằm hạn chế lượng cát thổi vào thủ đô.
Vào ngày 13/3, chính quyền Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc và là nguồn gây ô nhiễm chính ở Bắc Kinh và Hà Bắc, cho biết họ sẽ trừng phạt các doanh nghiệp địa phương nếu không thực hiện các biện pháp chống khói bụi khẩn cấp.