Chia sẻ với Zing về quá trình tạo ra vải thiều không hạt, ông Tăng Văn Huy, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết việc thử nghiệm đã bắt đầu cách đây 2 năm.
Khi đó, Bắc Giang nhận khoảng 500 cây vải giống không hạt từ Trung Quốc và trồng thử nghiệm ở một số tại huyện Lục Ngạn. Đến vụ vải năm 2022, vải không hạt đã cho bói và đạt chất lượng tốt.
Mới chỉ thành công bước đầu
Khi nhận được cây giống, nông dân Lục Ngạn trồng trực tiếp hoặc ghép mắt với cây vải thiều truyền thống. Đến năm nay, chỉ có số ít cây ra quả nhưng sản lượng chưa cao. Mẫu mã, hương vị được đánh giá chưa bằng vải thiều chính gốc Lục Ngạn.
Ông Huy nhấn mạnh chưa thể khẳng định Bắc Giang đã thành công trong việc tạo ra một giống vải thiều không hạt. “Trồng cây ăn quả cần nhiều năm. Với cây vải thiều phải cần 6-7 năm mới đánh giá chính xác được chất lượng. Chúng tôi mới dừng ở mức mô hình thử nghiệm, mà thử nghiệm thì có thể thành công hoặc thất bại”, ông Huy chia sẻ.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang kiểm tra chất lượng vải thiều không hạt trồng tại huyện Lục Ngạn. Ảnh: Lê Bá Thành. |
Trưởng phòng NNPTNT Lục Ngạn cho biết thêm quá trình thụ phấn của cây vải phụ thuộc nhiều yếu tố. Cây có thể thụ phấn chéo, hoặc do gió, do côn trùng như ong, bướm…
Vì vậy, rất có thể vài năm nữa, vải thiều không hạt sẽ lại có hạt. Ông Huy dẫn ví dụ về cây hồng nhân hậu. Huyện Lục Ngạn từng trồng được hơn 2.000 ha hồng nhân hậu không hạt. Nhưng sau vài năm, vì nhiều lý do mà giống cây này lại có hạt.
Về định hướng phát triển, ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh mô hình trồng và nghiên cứu giống vải không hạt. Các cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện các mô hình điểm ở 2 xã Tân Sơn và Giáp Sơn. Từ đó mới tiến hành đánh giá bài bản chất lượng sinh trưởng của cây và quả trước khi nhân rộng để đưa ra thị trường.
Vải thiều không hạt Bắc Giang. Ảnh: Tăng Văn Huy. |
Đẩy mạnh “Tour du lịch” vải thiều
Nhưng năm gần đây, lượng du khách tới Lục Ngạn liên tục tăng. Không chỉ trong tỉnh Bắc Giang, người dân từ nhiều tỉnh thành khác cũng tìm đến Lục Ngạn để tận mắt thấy cây vải thiều, trực tiếp ăn và mua vải tại vườn.
Ông Trần Văn Trung (nông dân xã Giáp Sơn) cho biết năm nay lượng du khách đến thăm vườn vải tăng nhiều. “Gần như ngày nào vườn nhà tôi cũng đón các đoàn khách đến thăm. Có đoàn vài chục người từ mãi An Giang. Mọi người đến thăm, chụp ảnh rồi đặt mua vài tạ vải về ăn và làm quà là chuyện bình thường", ông nói.
Chị Lê Thị Hoàng Oanh (Hà Nội) chia sẻ: “Khi trực tiếp đến thăm vườn, tôi thấy thêm trân quý quả vải. Đây giống như một món quà của thiên nhiên. Tôi hy vọng vải thiều Lục Ngạn sẽ ngày càng nâng cao chất lượng, có thêm cơ hội được bạn bè quốc tế biết đến".
Chị Lê Thị Hoàng Oanh (trái) tổ chức cho hội doanh nhân trẻ về thăm vườn vải thiều tại xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Ảnh: Duy Anh. |
Theo ông Nguyễn Việt Oanh, huyện Lục Ngạn hướng tới việc phát triển du lịch gắn với các nông sản của địa phương. Huyện Lục Ngạn có hơn 15.700 ha trồng vải thiều. Ngoài ra còn nhiều cây ăn quả khác như cam, bưởi, táo…
“Gần như quanh năm, du khách đến với Lục Ngạn đều có trái cây ngon theo mùa. Địa phương muốn tận dụng thế mạnh này để phát triển du lịch”, bí thư huyện Lục Ngạn, chia sẻ.
Năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn. Vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP tiếp tục mở rộng, chiếm hơn 80% sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vải thiều được người tiêu dùng tại các thị trường trên thế giới đánh giá cao về chất lượng, được đón nhận.
Giá bán vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động 30.000-55.000 đồng/kg, giá bán vải thiều tại một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, EU có giá bán rất cao, khoảng 350.000-450.000 đồng/kg và tiêu thụ thuận lợi.
Chiều 8/7, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư năm 2022. Tại đây, lãnh đạo tỉnh cho biết giai đoạn tới Bắc Giang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, ưu tiên phát triển các sản phẩm: Công nghiệp sản xuất cơ khí chính xác, chế tạo; công nghiệp điện tử; sản xuất, chế biến sâu thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, dịch vụ xã hội…
Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài chục nghìn ha với một số loại cây trồng chủ lực như: Lúa chất lượng cao, rau chế biến rau an toàn, vải thiều, cam, bưởi… Đây là tiền đề thuận lợi để phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến sâu thực phẩm cũng như dịch vụ thương mại với các mặt hàng hóa.
Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Bà Lê Thị Hoàng Oanh cho rằng vải thiều Bắc Giang có nhiều cơ hội trên thương mại điện tử xuyên biên giới. Thời gian tới cần tăng cường quảng bá thương hiệu toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản, trong đó có vải thiều trên các nền tảng xuyên biên giới.