Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác Ba Phi - giai thoại và sự thật: Đi tìm bà vợ thứ hai

Ông Ba Phi có ba người vợ. Nhưng ở Cà Mau chỉ có mộ của người vợ đầu và vợ ba. Còn mộ bà vợ thứ hai của ông ở đâu?

Ai đến khu mộ ông ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cũng chỉ thấy mộ của hai người vợ ông là Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham. 

Các tài liệu về ông Ba Phi chỉ nêu rất ngắn gọn thế này: bà vợ thứ hai của ông là con chủ vựa cá ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Hai người có một con trai tên Nguyễn Tứ Hải.

Khi ông Hải lên 3 tuổi thì bà trở về quê và sống ở đó cho đến khi qua đời. Không thấy tài liệu nào cho biết tên bà vợ thứ hai là gì. Tuy nhiên những thông tin ít ỏi đó cũng không đúng lắm.

Manh mối mờ mịt

Các tài liệu hiện đang lưu hành trên mạng và nhiều bài báo trước đây nói sau khi cưới vợ cả là bà Trần Thị Lữ (con ông hương quản Tế ở Cà Mau), ông Ba Phi thường hay chở cá lên Mỹ Tho bán và được người chủ vựa cá ở đây thương mến gả con gái cho.

Hai người có một con trai đặt tên là Nguyễn Tứ Hải. Đây cũng là con trai duy nhất trong số bốn người con của ông Ba Phi dù ông có tới ba bà vợ.

Lần theo thông tin nói trên, chúng tôi đã về Mỹ Tho tìm tông tích bà vợ thứ hai của ông. Tuy nhiên tất cả các nhà nghiên cứu sử học và văn hóa ở Tiền Giang mà chúng tôi gặp đều không biết gì về nhân vật này, thậm chí không ai biết ông Ba Phi có vợ là người Mỹ Tho.

Đến chợ cá Mỹ Tho tìm hỏi những người bán cá lâu cũng không ai biết. Chẳng có ai nghe nói có ông chủ vựa cá nào gả con cho ông Ba Phi ở Cà Mau.

Chúng tôi lại ngược về Cà Mau tìm những người thân trong gia đình ông Ba Phi để tìm thêm manh mối. Bà Nguyễn Thị Anh (vợ ông Hải) nhớ mang máng tên mẹ chồng mình là Lượng, nhà ở Mỹ Tho vì bà có gặp mẹ chồng hai lần cách đây cũng đã 60-70 năm.

Còn hai người con của bà Anh là chị Nguyễn Thị Dung và anh Nguyễn Quốc Chiến kể khoảng 15 năm trước họ từng lặn lội qua Mỹ Tho tìm tông tích bà nội thì gặp được ông Tư Câu (gọi bà Lượng là cô ruột) sống ở cồn Tân Long.

Chính ông Tư Câu đã báo cho họ một tin sét đánh: “Sau khi bỏ xứ đi theo ông Ba Phi về Cà Mau thì bà Lượng không trở về quê nữa. Bà chết ở đâu đến nay gia đình cũng không biết”.

Bà Nguyễn Thị Anh (con dâu bác Ba Phi) đang sống trong căn nhà đơn sơ. Xưa kia, bác Ba Phi cũng sinh sống trên mảnh đất này. Phía sau là khu mộ bác Ba Phi.
Bà Nguyễn Thị Anh (con dâu bác Ba Phi) đang sống trong căn nhà đơn sơ. Xưa kia, bác Ba Phi cũng sinh sống trên mảnh đất này. Phía sau là khu mộ bác Ba Phi.

Trở lại cồn Tân Long, TP Mỹ Tho, chúng tôi đã tìm được ông Tư Câu sau hai ngày dò hỏi hết bốn khu phố trên cồn này. Rất ít người biết tên này vì đa số người dân chỉ biết tên thật của ông là Bùi Minh Hương, năm nay 72 tuổi.

Theo lời kể của ông Hương, tên đầy đủ của cô ruột ông là Lê Thị Lượng, sinh khoảng năm 1910. Cha của ông Hương là Bùi Văn Lung, em ruột bà Lượng.

“Sở dĩ cha tui và cô Hai Lượng khác họ là vì ở gia đình này con trai lấy họ cha, con gái mang họ mẹ. Bà nội tui, tức là má cô Hai Lượng tên là Lê Thị Cậy” - ông Hương giải thích.

Khi chúng tôi nhắc lại các thông tin báo chí nói rằng bà Lượng là con ông chủ vựa cá ở Mỹ Tho, ông Hương cười lớn: “Làm gì có chuyện đó. Ông nội tui làm nghề giăng lưới, đi câu trên sông Tiền kiếm sống hằng ngày và bị Pháp bắn chết khi cha tui còn nhỏ xíu. Sau này cha tui, rồi đến tui cũng theo nghề này nên người ta quen gọi tui là Tư Câu, chứ đâu có ai là chủ cá như người ta nói. Quê gốc của gia đình tui ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành bây giờ. Còn sở dĩ tui đang sống ở TP Mỹ Tho là vì thời Pháp cả gia đình chạy giặc rồi trôi dạt đến đây”.

Mối tình sét đánh và bi kịch cuộc đời

Trong trí nhớ ông Hương thì bà Hai Lượng rất xinh đẹp. Bà cao hơn 1,6 m, tóc để dài tới gót chân, khuôn mặt chữ điền, nước da trắng hồng. Ông cũng biết chút ít về chuyện tình cảm của cô Hai Lượng với ông Ba Phi qua lời kể của cha mình.

Vào khoảng năm 1930 bà Hai Lượng đi xem hội chợ và đấu võ đài ở Mỹ Tho thì gặp ông Nguyễn Long Phi. Ông Phi quê ở Cà Mau, là võ sĩ tham gia tỉ thí võ đài ở Mỹ Tho.

Ông Bùi Minh Hương diễn tả chiều cao của cô ruột mình là bà Lê Thị Lượng (vợ bác Ba Phi).
Ông Bùi Minh Hương diễn tả chiều cao của cô ruột mình là bà Lê Thị Lượng (vợ bác Ba Phi).

Mặc dù giành chiến thắng giòn giã trước các võ sĩ khác nhưng ông Phi bị hạ “đo ván” bởi một cô gái tuổi đôi mươi đứng bên dưới võ đài. Đấu xong, ông Ba Phi lập tức đi xuống tìm làm quen với bà Hai Lượng.

Sau đó hai người đã ở với nhau. Khi bà Hai Lượng mang thai được ba tháng thì ông Ba Phi trở về Cà Mau một mình.

Trước khi chia tay, hai người thống nhất nếu sinh con trai thì đặt tên Nguyễn Tứ Hải. Khoảng ba năm sau ông Ba Phi quay trở lại Mỹ Tho định rước mẹ con bà Hai Lượng về Cà Mau sống.

Tuy nhiên do bà không chịu về xứ sở xa xôi đó sống nên ông Ba Phi đã dắt đứa bé đi trước. Mấy năm sau bà Hai Lượng mới đi Cà Mau thăm chồng con.

Ông Ba Phi có kêu bà ở lại sống chung với chồng con và người vợ lớn Trần Thị Lữ. Thế nhưng không rõ vì lý do gì mà bà chỉ ở lại chơi một vài tháng rồi trở về Mỹ Tho.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Anh (vợ ông Nguyễn Tứ Hải), khi bà và ông Hải cưới nhau được hai năm thì bà Hai Lượng có về Cà Mau một lần nữa để thăm con trai và con dâu. Đó là vào năm 1954.

Bà Anh kể: “Lần đầu gặp mẹ chồng tui ngưỡng mộ lắm. Bà rất đẹp, tóc dài chạm đất, tính tình thì hiền lành, dễ gần. Bà thương vợ chồng tui lắm”.

Cũng theo bà Anh, dù là vợ cả nhưng không có con, nhan sắc lại không bằng bà Hai Lượng nên bà Lữ rất hay ghen. Những lúc ông Ba Phi không có ở nhà thì bà Hai Lượng hay bị bà Lữ ăn hiếp. Ông Hải thấy vậy bèn đắp nền nhà bên kia kênh để cất nhà cho mẹ mình ở riêng.

“Mẹ chồng tui nói sau khi cất nhà xong thì vợ chồng tui qua ở chung với bà. Tui thưa rằng mẹ có công sinh ra chồng con nhưng bà Lữ có công nuôi dưỡng nên con quý cả hai người. Con không thể bỏ nhà mà qua ở với mẹ được”.

Tuy nhiên ba chồng tui không chịu cho mẹ chồng tui ở riêng. Ông nói đã là vợ thì phải ở chung nhà với chồng chứ không có chuyện ở riêng.

Vì biết không thể sống hòa thuận dưới một mái nhà với bà Lữ nên mẹ chồng tui đã xin phép trở về quê. Kể từ đó đến nay tui chưa gặp lại bà lần nào nữa”.

Bác Ba Phi - Người nông dân hào sảng

Bác Ba Phi là một nhân vật có thật ở Cà Mau. Tuy nhiên rất nhiều thông tin viết về ông hiện nay chưa chính xác, có khi thêu dệt khiến con cháu ông không hài lòng.

Và đó cũng là lần cuối cùng bà Hai Lượng gặp mặt chồng con. Ai cũng nghĩ bà trở về Mỹ Tho sống và qua đời ở đây.

Ông Bùi Minh Hương (cháu bà Hai Lượng) kể: “Hồi trước ngày 30/4/1975, có một lần ông Nguyễn Tứ Hải sang Mỹ Tho tìm mẹ nhưng không gặp. Rồi sau này các con ông Hải lại về đây tìm mộ bà nội với mục đích đưa về Cà Mau chôn chung với ông Ba Phi như hai bà vợ kia. Thế nhưng tui khẳng định mấy chục năm qua cô tui không về Mỹ Tho, mà gia đình cũng không ai biết tông tích của bà đâu cả”.

Trong lúc mọi người đi tìm thì bỗng có một thanh niên chừng hơn 20 tuổi tên Tư Ri đến gia đình ông Ba Phi tự xưng là con bà Hai Lượng, muốn tìm lại người anh hai Nguyễn Tứ Hải.

Theo lời Tư Ri, sau khi bỏ ông Ba Phi thì bà đã gặp và đi bước nữa với một người đàn ông quê ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Hai người sinh được hai người con, con gái tên Ba Huê, còn con trai tên Tư Ri.

Sau khi chồng mất, bà Hai Lượng về quê chồng của con gái ở xã An Khương Nam, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) sinh sống với con, rồi cũng mất ở đây. Bà Ba Huê cũng đã qua đời. Còn ông Tư Ri ở đâu, sống chết ra sao thì không ai biết.

Bà Nguyễn Thị Anh thở dài: “Nghe chú Tư Ri nói thì tin vậy. Tui nay già yếu nên chưa có điều kiện qua Đầm Dơi tìm mộ của mẹ chồng tui. Nhưng mà gia đình có hỏi thăm người bên đó, họ cũng nói như vậy nên yên tâm. Khi nào có điều kiện thì qua đó bốc mộ về đây cho mẹ tui nằm chung với ông Ba Phi, bà Lữ và bà Cham”.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20140906/bac-ba-phi-giai-thoai-su-that-di-tim-ba-vo-thu-hai/642055.html

Theo Vân Trường/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm