Xã hội
Cuộc sống khốn khó của con cháu bác Ba Phi lừng danh
- Thứ tư, 6/8/2014 13:21 (GMT+7)
- 13:21 6/8/2014
Tên tuổi bác Ba Phi nổi tiếng với những mẩu chuyện cười mộc mạc, tiếu lâm ở miền Tây. Ông từng sở hữu ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng hiện con cháu chẳng ai khá giả.
|
Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884 tại Rạch Mũi của huyện Cái Nước (Cà Mau). Sau khi lập gia đình, ông được cha vợ là Hương quản Tế cắt đất cho hàng trăm công ở khu vực Lung Tràm của xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Tại hội thảo quốc tế về chuyện cười dân gian Ba Phi được Bộ VH-TT-DL tổ chức hơn 10 năm trước, các nhà nghiên cứu đều cho rằng giá trị nghệ thuật của truyện cười Ba Phi mang đậm phong vị của làng quê Nam bộ. Tiếng cười sảng khoái vui tươi, gắn chặt với đồng ruộng, chim thú, cây rừng, mang giá trị nghệ thuật cao. |
|
Căn nhà tôn vách gỗ số 26 ấp Lung Tràm là nơi bác Ba Phi sống từ nhỏ đến cuối đời. Hiện nay bà Nguyễn Thị Anh (82 tuổi, con dâu bác Ba Phi) sống một mình trong căn nhà này.
|
|
Cháu nội bác Ba Phi là bà Nguyễn Thị Dung bên mộ ông và 2 người vợ là bà Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham (Cà Cham). Mộ của người vợ thứ 3 cũng là bà nội ruột của bà Dung không có ở Lung Tràm vì khi sinh con được 3 năm, bà Hai Lượng bỏ bác Ba Phi về quê Mỹ Tho (Tiền Giang) sinh sống rồi sau đó 2 người mất liên lạc. |
|
Chuyện cười của bác Ba Phi được mọi người thường kể như rắn tát đìa bắt cá, chọi đá làm máy bay rơi, leo cây ớt té gãy chân, le le tập thể dục, cọp vào nhà ăn gia súc nên chủ nghĩ kế bắt chúa sơn lâm xay lúa, tàu rùa chạy nhanh như tàu máy, rắn hổ mây tát nước khô cả đìa cá, lúa nở dưới nước, cá rô ăn xoài nhiều nên nấu canh chua không cần dầm me... Trong ảnh: Bàn thờ bác Ba Phi.
|
|
Mồ côi cha năm 15 tuổi, Nguyễn Long Phi gánh vác mọi chuyện trong gia đình có 5 anh em. Ở tuổi 17, Phi cao lớn, có sức mạnh hơn trai tráng trong vùng. Thấy Phi khỏe mạnh, thật thà nên Hương quản Tế gả ái nữ Trần Thị Lữ. Thương chàng rể siêng năng, cha vợ cắt đất cho Ba Phi đến 500 mẫu nhưng sau đó ông hiến lại cho chính quyền, dành hơn 50 ha cho con cháu canh tác.
|
|
Từng sở hữu ruộng đồng bao la nhưng giờ đây con cháu bác Ba Phi có cuộc sống rất khó khăn vì mâu thuẫn gia đình, không được chia đất đai. Cháu nội ông là bà Nguyễn Thị Dung mở quán nước để kiếm sống qua ngày.
|
|
Sau vườn bà Dung hiện còn có cây vú sữa gần trăm tuổi do bác Ba Phi trồng. |
|
Sau nhiều năm mâu thuẫn với các con vì không chịu chia đất, đầu năm nay con dâu bác Ba Phi là bà Nguyễn Thị Anh đã đồng ý chia đều đất đai cho các con và hiến 4.000 m2 cho cơ quan chức năng xây nhà lưu niệm bác Ba Phi. |
|
Nơi đây là vị trí xây nhà lưu niệm. Căn nhà cấp 4 bà Anh đang sống sẽ được địa phương xây lại khang trang. |
|
Bà Nguyễn Thị Dung cho biết rất vui khi hòa thuận trở lại với mẹ mình. Trong những năm "nội chiến gia tộc", bà Anh giấu hình bác Ba Phi nhưng nay đã mang di ảnh cha chồng đặt trở lại bàn thờ. |
Bác Ba Phi
nói dóc
nghệ nhân dân gian
truyện cười
Cà Mau
cảnh nghèo
nội chiến gia tộc