Ba 'tử huyệt' của Hải quân Trung Quốc
Hiện có 3 nhân tố chứng tỏ hải quân Trung Quốc chỉ thuộc phạm vi “hạm đội bờ biển điển hình”: hoạt động viễn dương ít; năng lực chống ngầm, chống thủy lôi thấp và thiếu ý chí mạnh mẽ của lực lượng hải quân biển xa.
Trong khi đó, Nhật báo Đông Phương cho rằng, 3 nhân tố trên chỉ là tiểu tiết. Đòn chí mạng nhất đối với Hải quân Trung Quốc là thiếu lực lượng không quân của hải quân và lực lượng thủy quân lục chiến.
Dẫn báo cáo đánh giá của Cục Tình báo Hải quân Mỹ, trang Strategypage.com cho biết tới những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở vùng biển gần. Tháng 11/1985, Hải quân Trung Quốc mới thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Pakistan. Sau đó, tháng 5/1986, biên đội hỗn hợp thuộc Hạm đội Bắc Hải mới lần đầu tiên hoàn thành khoa mục luyện tập tác chiến hiệp đồng biển xa.
Báo cáo đăng trên trang tin của Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ cũng cho biết, tới năm 2005 không có chiếc nào trong số 50 tàu ngầm của Trung Quốc tuần tra viễn dương. Dù sang năm 2008, tàu ngầm Trung Quốc 12 lần tuần tra viễn dương nhưng tính trung bình, cứ 4 năm rưỡi tàu ngầm Trung Quốc mới có cơ hội đi tuần tra viễn dương một lần. Trong khi đó, mỗi năm bình quân một tàu ngầm Mỹ tuần tra viễn dương ít nhất một lần.
Trang tin Strategypage.com cho biết thêm, từ khi đưa vào phục vụ tới nay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược 092 lớp Hạ của Trung Quốc chưa một lần đi tuần tra viễn dương. Hiện Trung Quốc có 74 tàu khu trục và tàu hộ vệ. Nếu tiếp tục duy trì tần suất như hiện nay thì phải 4 - 5 năm nữa, tất cả các tàu chủ lực của Trung Quốc mới có thể được trải nghiệm thực chiến viễn dương thông qua hoạt động chống cướp biển Somalia. Theo tiêu chuẩn cường quốc Hải quân phương Tây, Hải quân Trung Quốc rõ ràng chưa đạt.
Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc còn có một điểm yếu khác là thiếu các năng lực nền tảng như chống ngầm và chống thủy lôi. Xem xét số lượng tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường bố trí xung quanh Trung Quốc, nước này đáng lý phải giành quyền ưu tiên cao hơn cho việc phát triển năng lực tác chiến chống ngầm. Trong vòng 10 năm nữa, các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ có thêm hơn 90 tàu ngầm. Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Pakistan đều trang bị tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường đạt tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới.
Trang tin Sinodefence.com của Anh mới đây cũng cho rằng, về cơ bản các tàu khu trục và tàu hộ vệ của Trung Quốc được trang bị trước đây không có năng lực chống ngầm. Trong thiết kế, các tàu khu trục và tàu hộ vệ mới hạ thủy thiên về phòng không và chống ngầm nhưng lại thiếu các sonar cảm ứng tính năng cao cần thiết cho việc dò tìm tàu ngầm tiếng ồn thấp cũng như trực thăng chống ngầm cỡ lớn.
So với các tàu chiến của Mỹ phổ biến được trang bị máy bay tuần tra chống ngầm P3 và máy bay chống ngầm P8I, tàu chiến của Trung Quốc còn kém xa. Điểm cốt lõi nhất của năng lực chống ngầm nằm ở lực lượng không quân hải quân và đây chính là điểm yếu lớn của Hải quân Trung Quốc.
Về năng lực chống thủy lôi, trang tin Strategypage.com cho rằng, Hải quân Trung Quốc thiếu khả năng tự bảo vệ trước thủy lôi đối phương. Họ có thể thả thủy lôi quy mô lớn, phong tỏa bờ biển của nước khác hoặc bảo vệ vùng biển của mình nhưng lại không đủ năng lực để loại trừ thủy lôi của đối phương. Do đó, có thể vì mấy trăm quả thủy lôi của đối phương mà Trung Quốc có thể buộc phải đóng cửa các tuyến đường trên biển. Tương tự, theo Nhật báo Đông Phương, chỉ cần phong tỏa Eo biển Đài Loan bằng thủy lôi loại tiến công là có thể ngăn chặn được chiến dịch sử dụng vũ lực thống nhất đất nước do Bắc Kinh phát động.
Nhật báo Đông Phương cho rằng, để bảo vệ thương mại đối ngoại ngày một gia tăng, Trung Quốc cần thiết phải có lực lượng hải quân biển xa. Lực lượng này không chỉ bao gồm tàu chiến viễn dương, mà còn phải có tàu chở dầu, tàu cung cấp và tàu sửa chữa cỡ lớn cùng lực lượng không quân của hải quân và lực lượng thủy quân lục chiến đi kèm. Nếu một biên đội hộ tống chỉ có vài tàu khu trục và tàu cung cấp, thiếu sự yểm hộ của không quân, ở nơi cách xa Trung Quốc hàng nghìn km, sẽ khó bảo vệ được bản thân, nói gì đến việc bảo vệ tuyến đường vận tải thương mại.
Về thủy quân lục chiến, Nhật báo Đông Phương cho rằng, nên dựa vào một lượng lớn tàu đổ bộ tấn công, thực hiện hành động viễn chinh dưới sự hộ tống của không quân hải quân. Ngoài ra, để bảo vệ thương mại đối ngoại, điều quan trọng hơn việc chế tạo tàu chiến viễn dương và hạm đội chi viện là kết giao với các cường quốc hải quân.
Theo VietnamPlus