Đánh giá về lượng khách bay quốc tế trong 3 tháng thí điểm mở cửa du lịch và khai thác các đường bay quốc tế, TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) - cho rằng lượng khách chỉ đạt khoảng 9.000 khách là quá khiêm tốn.
Chuyên gia này nhận định lượng khách này chỉ tương đương với công suất phòng của một cơ sở lưu trú lớn trong nước. TS Nam lý giải số lượng ít như vậy vì các điều kiện du khách cần đáp ứng để vào Việt Nam quá khó khăn. Điều kiện thí điểm mà cơ quan chức năng đưa ra vừa làm khó hành khách, làm khó cả ngành hàng không và du lịch.
Cởi mở để cạnh tranh
Cụ thể, TS Lương Hoài Nam cho hay Việt Nam đã thí điểm, mở cửa đón du khách quốc tế quá chậm và quá cẩn trọng. Trong khu vực, Thái Lan thí điểm từ tháng 7, đón chính thức khách từ hơn 60 quốc gia từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 12, Lào mở cửa với 31 nước, còn Campuchia không cần thí điểm đón khách luôn từ tháng 11.
TS Lương Hoài Nam đánh giá 9.000 lượt khách quốc tế sau 3 tháng thí điểm là quá khiêm tốn. Ảnh: BAV. |
"Có trường hợp du khách Nga kêu 3 tuần liền ở trong khách sạn không được đi đâu hết. Ăn buffet 21 ngày trong khách sạn những món quay vòng. Khó thế làm sao người ta chịu nổi. Rồi liên tục yêu cầu họ test nhanh nhưng âm tính cũng lại đi vào phòng, không giải quyết được gì cả", TS Lương Hoài Nam nêu ví dụ.
Ông đề xuất sau dịch, Việt Nam cần cơ chế thoáng, cởi mở hơn với du khách quốc tế. Ông Nam đánh giá điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch quốc tế là phải phục hồi chính sách visa như trước dịch để thu hút du khách.
"Cần mở rộng hơn nữa về diện miễn visa với các nước EU, Australia, New Zealand, thay vì chỉ có 13 nước như hiện nay. Với các thị trường khổng lồ như Mỹ, Trung Quốc, nếu chưa thể miễn visa ngay, có thể xem xét cấp visa dài hạn", Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam cần đẩy nhanh đề án đầu tư xã hội hóa hạ tầng sân bay để không vấp phải rào cản trong quá trình khôi phục ngành hàng không. Theo ông Nam, Việt Nam có 21 sân bay do nhà nước xây dựng và 1 sân bay tư nhân ở Vân Đồn, tuy nhiên công suất 22 sân bay mới được 75 triệu khách mỗi năm.
"Con số này chỉ bằng sân bay Changi của Singapore. Muốn có sự phục hồi phải có sự phát triển tương xứng. Đừng quên, nếu không có sân bay rồi lại sẽ thành điểm nghẽn", ông Nam khẳng định.
Còn theo ông Bùi Minh Đăng - Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam - có thể thấy Việt Nam đã có những bước đi căn cơ và bài bản, khi mà năm 2021 đã đặt vấn đề mở cửa các đường bay với các quốc gia theo lộ trình.
Khôi phục đường bay Trung Quốc
Về việc mở cửa các đường bay ở khu vực châu Á, ông Đăng cho biết có 10 thị trường mà Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để mở cửa đường bay, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Hiện các hãng của các quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác đã thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, thị trường được kỳ vọng nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc khi lượng khách du lịch đi lại trên các đường hàng không đến Việt Nam rất lớn. Các hãng đã mở lại đường bay đến thị trường Hàn Quốc, tuy nhiên thị trường Trung Quốc hiện vẫn chưa thể khôi phục. Năm 2019, có đến hơn 7 triệu khách quốc tế đi trên đường bay Trung Quốc - Việt Nam. Hiện do việc quy định chống dịch mà hành khách từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn bị hạn chế.
Các chuyên gia kiến nghị Việt Nam cần cởi mở hơn với chính sách visa để cạnh tranh điểm đến. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Việc khôi phục đường bay với Trung Quốc đang là vấn đề, chúng ta cần phải tiếp tục làm việc với nhà chức trách hàng không Trung Quốc", ông Đăng nói và cho biết với thị trường Hàn Quốc, các hãng hàng không Việt đều đã khai thác trở lại, Cục Hàng không cũng nhận được một số đơn của các hãng hàng không khác tại Hàn Quốc có kế hoạch khai thác trở lại Việt Nam trong mùa hè này.
"Chúng tôi đánh giá năm 2022 việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn là hiện hữu, không phải cơ hội nữa", vị này cho biết thêm.
Cũng tại cuộc tọa đàm, ông Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) - nêu quan điểm về những thách thức trong việc mở lại bay quốc tế và phục hồi hàng không - du lịch, đây cũng là hai ngành chịu thiệt hại lớn nhất do đại dịch.
Thách thức đầu tiên theo ông là việc Việt Nam đã bị đóng băng 2 năm nên phải từng bước khắc phục những dịch vụ đã gãy khúc, phải quyết tâm, kiên trì và nhanh chóng. Chi phí cũng là một thách thức khi di chuyển của khách hàng bởi kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch.
"Thách thức thứ 2 là kiểm soát dịch bệnh. Dù các nước trên thế giới đã kiểm soát được, tâm lý khách hàng vẫn còn là một yếu tố khó đoán. Những thách thức này đòi hỏi ngành hàng không, du lịch phải phối hợp với Chính phủ và địa phương để vượt qua", Phó chủ tịch VABA chia sẻ.