Bộ Y tế CHDC Congo mới ghi nhận một trường hợp tử vong vì virus Ebola ở thị trấn Biena, theo Guardian. Bệnh nhân là một phụ nữ, biểu hiện triệu chứng từ ngày 1/2. Chỉ hai ngày sau (4/2), bệnh nhân qua đời trong một bệnh viện ở thành phố Butembo.
“Bệnh nhân là vợ của một người từng sống sót sau khi nhiễm Ebola”, Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Eteni Longondo trả lời kênh truyền hình RTNC.
Nhân viên y tế trong đợt bùng phát dịch Ebola năm 2018. Ảnh: Getty. |
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England, virus Ebola có thể tồn tại hơn 3 năm trong tinh dịch của nam giới.
“Đội phản ứng nhanh tại địa phương đang làm việc chăm chỉ. Trong vài ngày tới, đội phản ứng quốc gia cũng đến thành phố Butembo để hỗ trợ”, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang hỗ trợ chống dịch Ebola tại CHDC Congo. Đại diện WHO cho biết các nhân viên y tế đã khoanh vùng được 70 người tiếp xúc gần với người phụ nữ trên, cũng như tiến hành khử trùng nơi bệnh nhân ghé thăm.
Ebola là loại virus rất dễ lây lan và gây tử vong do người nhiễm virus bị sốt xuất huyết. Người nhiễm virus Ebola thường biểu hiện các triệu chứng như sốt cao, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy nội tạng và xuất huyết trong cơ thể.
Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, virus này đã lây lan tại nhiều khu vực ở Tây Phi khiến hơn 11.000 người tử vong.
Riêng CHDC Congo đã trải qua 11 đợt bùng phát dịch Ebola, kể từ khi phát hiện chủng virus này gần sông Ebola hồi năm 1976. Các khu rừng mưa nhiệt đới nằm trên đường xích đạo của Congo được cho là ổ virus tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra dịch Ebola. Ba tháng trước, CHDC Congo công bố nước này đã dập tắt đợt lây nhiễm thứ 11 của virus Ebola.