Theo Reuters, thông báo được đưa ra bất chấp việc một số ổ dịch nhỏ vẫn xuất hiện lẻ tẻ trên đất nước. Mặc dù đã có vắc-xin và các phương pháp điều trị hiệu quả, virus Ebola vẫn tồn tại do các nhân viên y tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận những điểm nóng về virus ở vùng hẻo lánh tại biên giới phía đông của Congo.
Mặc dù đợt bùng phát - được coi là lớn thứ 2 trong lịch sử - đang đi dần đến hồi kết, một ổ dịch mới đã được phát hiện vào ngày 1/6 tại thành phố phía tây Mbandaka, cách biên giới phía đông 1.000 km, tới nay đã khiến 15 người tử vong. Phân tích di truyền từ virus Ebola cho thấy hai đợt bùng phát này không liên quan đến nhau.
Người dân Congo trong một buổi nâng cao nhận thức cộng đồng về virus Ebola. Ảnh: Reuters. |
"Bộ Y tế sẽ tận dụng những bài học kinh nghiệm và các yếu tố thành công từ đợt dịch kéo dài lần này, để đảm báo phản ứng hiệu quả nhất có thể với ổ dịch ở Mbandaka", ông Eteni Longondo, Bộ trưởng Y tế Congo, cho biết.
Đợt bùng phát kéo dài 2 năm ở phía đông Congo khiến cho 3.463 người nhiễm virus, làm 2.277 người tử vong chủ yếu ở tỉnh North Kivu.
Xung đột vũ trang, sự không tin tưởng với các tổ chức quốc tế, tham nhũng tràn lan cũng như các bệnh dịch khác như sởi và Covid-19 đã khiến cho việc chống dịch Ebola ở Congo gặp nhiều khó khăn.
"Mọi thứ không hề dễ dàng. Có lúc, cảm giác như đây là nhiệm vụ bất khả thi", ông Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, chia sẻ.
Đợt bùng phát lớn nhất lịch sử xảy ra trong giai đoạn 2013-2016, với 11.300 người tử vong tại Guinea, Liberia và Sierra Leone. Khi đó WHO đã tuyên bố Ebola là đại dịch toàn cầu.