'Bà Rồng và Ferrari': Ngày và đêm ở căn cứ Mỹ sát Triều Tiên
Chủ nhật, 20/8/2017 13:17 (GMT+7)
13:17 20/8/2017
Cuộc sống tại căn cứ không quân Osan ở phía nam thủ đô Seoul là những chuyến bay song song của máy bay do thám và chiến đấu cơ sẵn sàng đối phó với các động thái từ Triều Tiên.
Nằm ở phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Osan là căn cứ Mỹ gần nhất với biên giới Triều Tiên. Nó chỉ cách nước láng giềng của Hàn Quốc khoảng 64 km. Đây là nơi đồn trú của Lockheed U-2, hay còn gọi là "Bà Rồng", chiếc máy bay do thám có khả năng bay trên 21.000 m so với mực nước biển và được dùng để theo dõi các động thái ở bên kia biên giới. Ảnh: AFP.
"Ở đây, chúng tôi bận rộn hơn so với 10 năm trước", CNN dẫn lời thượng tá James Bartran, một phi công U-2 kỳ cựu và là người đứng đầu Phi đội Trinh sát số 5 tại căn cứ Osan. "Tất cả những thông tin gửi từ chiếc máy bay này lập tức được chuyển đến những người có quyền tiếp cận, sử dụng và báo cáo lại cho lãnh đạo", ông nói. Trong ảnh, một phi công chuẩn bị cho chuyến bay do thám kéo dài 12 giờ với "Bà Rồng" trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CNN.
Chuyến bay đầu tiên mỗi ngày của "Bà Rồng" bắt đầu vào lúc bình minh. Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng dọa phóng tên lửa đến đảo Guam của Mỹ, những thông tin chiếc máy bay đen bóng này gửi về căn cứ có thể định đoạt chiến tranh hay hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CNN.
"Bà Rồng" là máy bay được sử dụng từ thời Chiến tranh Lạnh, vì vậy, nó được thiết kế với khả năng bay rất cao nhằm tránh sự phát hiện của các máy bay Liên Xô. Phiên bản sau này của "Bà Rồng" được trang bị thêm các thiết bị cảm biến và camera mới. Trong khi đó, vì máy bay thường lên rất cao, phi công cần chuẩn bị như một phi hành gia trước khi bắt đầu chuyến bay. Ảnh: CNN.
Trong trường hợp người Mỹ quyết định dùng đến biện pháp quân sự để đối phó với Triều Tiên như cảnh báo trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, sự trả đũa cũng sẽ đến từ căn cứ Osan đầu tiên. Osan là nơi đồn trú của 2 phi đội bay F-16 với những phi công được huấn luyện bằng tôn chỉ "sẵn sàng cất cánh ngay đêm nay". Một phi đội F-16 khác được đặt tại Kunsan, căn cứ không quân còn lại của Mỹ ở Hàn Quốc. Ảnh: CNN.
"Ferrari là từ thích hợp nhất để miêu tả nó", thiếu tả Daniel Trueblood, một phi công F-16 thuộc Phi đội 36, tự hào nói về chiếc máy bay của ông. Trueblood đang đề cập đến vận tốc siêu thanh của F-16, khoảng 25 km/phút. Với vận tốc này, nếu Mỹ muốn tấn công đáp trả Triều Tiên, những chiếc F-16 có thể mang tên lửa từ căn cứ Osan đến không phận Triều Tiên chỉ trong 3 phút. Trong ảnh, các máy bay F-16 đang hộ tống máy bay ném bom B-1B Lancer trong một đợt diễn tập bên trên căn cứ Osan vào năm 2016. Ảnh: AFP.
Tương tự máy bay do thám "Bà Rồng", những chiếc "Ferrari" ở căn cứ Osan cũng bay hàng ngày bên trên bầu trời của bán đảo Triều Tiên với những bài tập mô phỏng nhiệm vụ vào ban ngày lẫn ban đêm. Ảnh: AFP.
Nhân viên tại đài kiểm soát của căn cứ Osan hiện theo dõi hàng chục chuyến bay mỗi ngày, từ những nhiệm vụ trinh sát đến các chuyến bay tập để sẵn sàng ứng phó Triều Tiên. Ảnh: CNN.
"Chúng tôi không biết khi nào thì có việc xảy ra hoặc khi nào chúng tôi được lệnh, chúng tôi phải đảm bảo có thể thi hành lệnh bất cứ lúc nào. Mỗi ngày chúng tôi đều chuẩn bị như thể đêm nay là đêm đó rồi", thiếu tá Trueblood nói với CNN trong lúc hàng chục chiếc F-16 cất cánh từ căn cứ Osan. Ảnh: CNN.
Gần 50 trước, một tàu do thám của Hải quân Mỹ cùng 82 thủy thủ bị bắt giữ ngoài khơi bờ biển Triều Tiên. Các thủy thủ đã được thả tự do nhưng con tàu nằm lại đến ngày nay.
Quân đội Hàn Quốc cho hay một binh sĩ thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong cuộc tập trận pháo binh của nước này ở khu vực biên giới với Triều Tiên.