Tối 18/7, UBND TP Vũng Tàu và UBND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp kiểm soát người lưu thông trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, UBND TP Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sắp xếp bố trí "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ) và "3 cùng" (cùng làm việc, cùng đi một phương tiện, cùng nghỉ một nơi) cho người lao động.
Trường hợp không bố trí được "3 tại chỗ" thì yêu cầu tổ chức ôtô đưa đón người làm việc đi và về. Và xe phải bố trí ghế giãn cách, không quá 50% số ghế, không quá 20 người trên một chuyến xe.
Lực lượng chức năng huyện Châu Đức xử lý nghiêm quy định cấm công nhân đi làm bằng xe máy. Ảnh: K.Q. |
Tương tự, thông báo của UBND huyện Châu Đức cũng cho biết địa phương đã thống nhất với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ áp dụng thực hiện theo công văn 1720 của Liên đoàn lao động tỉnh.
Cụ thể, công nhân viên người lao động sẽ thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất, ăn, nghỉ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.
Trong trường hợp thiếu thốn điều kiện để tổ chức ăn, ở, làm việc tại chỗ, doanh nghiệp chuẩn bị phương tiện là ôtô để đưa đón công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc và trở về nhà sau khi tan ca. Đồng thời thực hiện xét nghiệm test nhanh cho công nhân 3 ngày/lần.
Đặc biệt lưu ý, chính quyền các địa phương này không cho công nhân, người lao động điều khiển xe máy hoặc đi bộ để đi làm. Cụ thể, tại huyện Châu Đức công nhân đi làm không được tự điều khiển xe máy đến công ty trong bất cứ tình huống nào. Trường hợp vi phạm có thể bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng về hành vi ra đường trong trường hợp không cần thiết.
Còn tại TP Vũng Tàu cũng không cho phép người lao động sử dụng xe hai bánh, đi bộ để đi làm. Riêng, nhân viên giao hàng (shipper) và người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở cung ứng lương thực thực phẩm được sử dụng xe môtô đi lại, trong và ra vào thành phố. Nhưng phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày kể từ ngày xét nghiệm.
Sau khi ban hành văn bản trên, nhiều người dân TP Vũng Tàu và huyện Châu Đức khá băn khoăn, lo lắng vì không phải ai cũng được doanh nghiệp, cơ quan đưa đón để đi làm bằng ôtô.
Trao đổi với Zing, đại diện lãnh UBND huyện Châu Đức cho biết địa phương tuyệt đối thực hiện nghiêm quy định cấm công nhân đi làm bằng xe cá nhân để bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16.
Ngay từ sáng sớm ngày 19/7, lực lượng chức năng của huyện đã chốt chặn tại các tuyến đường đi vào các khu công nghiệp của huyện để kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.
“Bắt buộc người lao động tới công ty làm việc phải có xe công ty đưa đón, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Sáng nay, lực lượng chức năng của địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm, bữa đầu nên chỉ mới bị nhắc nhở, tuyên truyền và yêu cầu quay về”, vị lãnh đạo này nói.
Liên quan nội dung mới ban hành, một lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu cũng cho biết văn bản trên ra đời là dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất cao trên địa bàn dựa trên cơ sở, dữ liệu khoa học. Việc ra văn bản trên là để nhanh chóng chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, chính quyền địa phương rất mong người dân và doanh nghiệp hiểu, đồng lòng và thực hiện.