Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba quy tắc bỏ đồ thừa của người Nhật

Tác giả người Nhật Bản đưa ra một số quy tắc giúp chúng ta “mạnh dạn vứt bỏ” những món đồ đang làm tổn hại đến bản thân và môi trường sống xung quanh.

Quy tắc 1: Vứt bỏ suy nghĩ “không bỏ được”

Trên đời này chẳng có ai là có tính “không thể vứt đồ đi được”, đó chỉ là những suy nghĩ trong đầu chúng ta mà thôi. Tâm lý học có một thuật ngữ là “Tập nhiễm bất lực”. Nó có nghĩa là thực tế, bạn có khả năng cải thiện tình hình, nhưng sau khi trải qua vài lần thất bại “không vứt đi được”, bạn không còn muốn thay đổi tình trạng này nữa.

Nếu ý thức được tại sao không thể vứt đi được thì dần dần, bạn sẽ làm được và quyết định vứt bỏ không còn phụ thuộc vào tính cách của bạn.

Thực tế là không tồn tại loại người không thể vứt bỏ đồ đạc, cũng như không tồn tại kiểu tính cách như vậy. Bạn không vứt đi được không có nghĩa là người xấu xa, chỉ đơn giản là bạn chưa luyện được “kỹ năng vứt bỏ” mà thôi. Hay nói cách khác, bạn chỉ tạo cho mình “thói quen không vứt bỏ” mà chưa trang bị thói quen vứt bỏ vậy.

Từ một người chỉ biết sống trong một căn phòng bừa bộn, tôi đã chuyển sang sống theo lối tối giản. Sự thay đổi đấy không phải là tính cách, mà tôi đã tập cho mình thói quen và kỹ thuật để có thể vứt bỏ đồ đạc.

Quy tắc 2: Vứt bỏ là một kỹ thuật

Nếu không tập nói tiếng Pháp, bạn không thể nói chuyện với người Pháp. Tương tự, nếu không luyện tập ngay từ bây giờ, bạn không thể trở thành chuyên gia vứt đồ được.

Từ ngày tôi bắt đầu vứt bỏ đồ đạc cho đến nay đã hơn 5 năm rồi. Tất nhiên, bạn có thể rút ngắn thời gian này lại.

Bản thân việc vứt đồ không tốn thời gian. Ngày thứ nhất, bạn vứt rác; ngày thứ hai bán hết sách và đĩa CD; ngày thứ ba dọn hết đồ điện gia dụng; ngày thứ tư xử lý các dụng cụ trong nhà… Chỉ cần một tuần là bạn có thể dọn hết đồ đạc dù nó có cồng kềnh thế nào đi nữa.

Vậy nên, chuyện tốn thời gian không nằm ở khâu vứt đồ, mà đó là lúc bạn quyết tâm bỏ đồ gì đi. Cũng giống như học ngoại ngữ, bạn càng nói nhiều thì càng giỏi, càng vứt đồ nhiều, bạn càng thành thạo.

Đến khi bạn tạo cho mình thói quen vứt bớt đồ đi rồi thì quãng thời gian từ lúc quyết định đến lúc vứt thực sự càng được rút ngắn. Cuối cùng, bạn có thể thoải mái mà vứt đồ đi. Thực sự, vứt đồ chính xác là một kỹ thuật.

Quy tắc 3: Bỏ đồ không phải là mình đang “mất đi”, mà là mình đang “được lợi”

Lúc bỏ bớt đồ đạc, bạn chỉ cảm thấy thật mất mát khi phải bỏ đi một thứ gì đó. Nhưng hãy nói lời chào thân ái với suy nghĩ ấy đi. Vì những thứ bạn có được còn nhiều hơn tưởng tượng của bạn đấy. Đó là thời gian, là không gian, là việc dọn dẹp dễ dàng, là sự tự do hay là năng lượng cho bản thân…

[...]

Bởi vậy, khi bỏ thứ gì đó đi, đừng nghĩ đến chúng nữa mà hãy nghĩ đến những lợi ích chúng mang lại cho bạn.

Tôi có thể quyết tâm vứt bớt đồ đạc đi cũng là nhờ nhận ra những lợi ích như vậy. Ngược lại, nếu bạn không nhìn thấy mặt tốt trong việc này thì rất khó để có thể hình thành thói quen giảm bớt đồ đạc. Và thực sự thì những lợi ích mà bạn không nhìn ra ấy còn lớn hơn rất nhiều so với những đồ dùng bạn vứt đi.

Sasaki Fumio/ NXB Lao động và Thái Hà Books

SÁCH HAY