“Họ có thể cố ngăn (các quan chức) Đài Loan tới thăm hay tham gia (các sự kiện) ở các địa điểm khác, nhưng họ sẽ không thể cô lập Đài Loan”, bà Pelosi nói tại Tokyo, điểm cuối cùng trong chuyến công du châu Á. “Họ không viết nên lịch trình di chuyển của chúng tôi - chính phủ Trung Quốc sẽ không làm vậy”.
Từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan, ngay cả khi chưa có xác nhận chính thức về chuyến thăm này. Sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ đặt chân xuống Đài Bắc, Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trận ở 6 vùng biển xung quanh đảo Đài Loan. Cuộc tập trận bắt đầu sau khi bà Pelosi rời đi, với tên lửa đạn đạo được bắn ra từ phía Trung Quốc trong ngày 4/8.
Tại Tokyo, bà Pelosi tuyên bố chuyến thăm châu Á lần này không nhằm thay đổi nguyên trạng. “Chúng tôi đã nói từ đầu rằng sự hiện diện của chúng tôi tại đây không nhằm thay đổi nguyên trạng tại Đài Loan hay khu vực”, bà nói với báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Reuters đưa tin.
Bà Pelosi phát biểu trong cuộc họp báo ở Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản sáng 5/8. Ảnh: Reuters. |
Bà Pelosi cùng đoàn nghị sĩ Mỹ đang ở Tokyo trong chặng cuối của chuyến công du tới bốn nước châu Á là Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan.
Chính trị gia này là quan chức cấp cao nhất tới Đài Loan trong 25 năm, kể từ sau chuyến công du của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich năm 1997. Chuyến thăm lần này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chuyến đi này là "hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng" và "kiên quyết phản đối". "Mọi hậu quả phát sinh từ hành động này phải do phía Mỹ và các thế lực ly khai gánh chịu", cơ quan trên ra thông cáo.
Cuộc tập trận của Trung Quốc có sự tham gia của hơn 100 máy bay, nhiều tàu chiến và cả các tên lửa hành trình. Một số tên lửa đã được phóng ngang qua bầu trời Đài Loan và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, theo thông báo của Tokyo sau vụ việc.