Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba ơi, ba không được nhắm mắt!

Chúng tôi chắc chắn sẽ có những ký ức tuyệt vời ấy, nếu như ba có thời gian. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình đã không cho phép.

Tuổi thơ của tôi gắn liền ruộng vườn và ngõ xóm. Hầu như không có lúc nào tôi ngồi thủ thỉ với ba, trừ những lúc hiếm hoi ba cắt tóc cho tôi trong cái tiệm hớt tóc nhỏ mở ngay trước nhà. Một ngày với ba là quần quật với việc mưu sinh và sau đó là đi ngủ để lấy sức cho ngày mới.

Vậy nên, tôi không có gì nhiều những ký ức với ba. Điều mà ông truyền dạy cho tôi là cách sống tự lập, tự lo cho bản thân mình, đừng làm phiền quá nhiều đến người khác.

Tôi không biết đó có phải sự may mắn cho con đường lập nghiệp sau này của mình hay không, nhưng ở khía cạnh nào đó, vào thời điểm mà sự vất vả của cuộc sống thường trực hàng ngày trên bậc cửa nhà, đó lại là giải pháp hiệu quả nhất để một đứa bé “sinh tồn”.

Thỉnh thoảng, khi nhìn thấy cảnh ba con nhà người khác chơi đùa với nhau, tôi cũng chạnh lòng, vì vẫn luôn biết trong tâm hồn đứa bé như mình có khoảng trống. Mình thiếu đi những lời khuyên cần thiết để có thể đứng lên sau những lần trượt chân ngã dúi dụi, kiểu như: “Không sao đâu con, đứng lên đi, có ba ở đây mà!”.

Tôi đã tự đứng lên trong những lần vấp ngã, nhưng là đứng lên trong cảm giác tủi thân vì không có một giọng nói kề bên. Nhưng tôi cũng biết, mỗi nhà mỗi cảnh, tất cả anh trai của tôi cũng vậy, cũng là thứ cảm giác tự mình đứng lên trong sự tủi thân không có ai an ủi mình.

Tôi biết mình kém may mắn hơn bạn bè khi không có một người ba có nhiều thời gian để trò chuyện, chơi đùa cùng nhau. Đã có lúc, trong những năm tháng đầu tiên xa nhà đi học, tôi đã thử ngồi xuống nghĩ về khoảng thời gian đó. Nếu tôi và ba cùng có những ký ức đùa vui, cười nói, khuyên nhủ với nhau, có phải tôi sẽ có cơ hội bày tỏ nhiều hơn, học được cách mạnh mẽ hơn trong lời nói lẫn hành động.

Ba sẽ hiểu về con trai mình, biết được tính cách con trai mình nhiều nhất có thể, hiểu được con sẽ ứng xử như thế nào trong các tình huống khác nhau trong cuộc sống thông qua những lời răn dạy của ba.

Chúng tôi chắc chắn sẽ có những ký ức tuyệt vời ấy, nếu như ba có thời gian… Nhưng đúng là hoàn cảnh gia đình không cho phép.

Mãi về sau, sau những sóng gió quăng quật của cuộc đời, tôi bước chân vào đời sống gia đình và một ngày tôi trở thành ba của một đứa con trai. Tôi không nhớ lần đầu tiên khi nhìn thấy con xuất hiện trong đời mình, tôi đã nói những gì và làm những gì, nhưng tôi nhớ rất rõ tôi đã nhìn sâu vào trong mắt của con trai, kiểu như thần giao cách cảm: “Có ba ở đây rồi, con đừng sợ!”.

Tôi không có bất cứ kinh nghiệm nào về việc làm ba trước đó, nên mỗi ngày đều tự học. Rồi một ngày nọ, tự dưng tôi nhận ra con trai đã dạy tôi gần như mọi thứ về việc chăm sóc và thấu hiểu một đứa con như thế nào. Tôi biết phải nói câu gì để con yên tâm mỗi khi nửa đêm con bị mơ lúc đang ngủ. Tôi biết khi nào con có cảm giác mệt, khi nào con đang vui, khi nào con thích thú ăn món này và ghét món kia, khi nào con khóc vì lo sợ cơn đau trong một ngày trở bệnh nôn ói đến mật xanh mật vàng, khi nào con có dấu hiệu vòi vĩnh một món đồ chơi nào đấy.

Cứ mỗi ngày, sau khi đón con tan trường trở về nhà, con đều hay hỏi tối nay ba mẹ có đi công việc không (do đặc thù công việc nên tôi phải tham dự khá nhiều buổi ra mắt phim vào buổi tối). Và khi nhận được câu trả lời là có từ ba thì mắt của con trai bao giờ cũng thoáng buồn qua một chút. Còn nếu câu trả lời là không thì con gần như toét miệng cười ngay lập tức.

Chơi với con thì bao giờ cũng phải ở cạnh con. Rất hiếm khi con “cho phép” ba ngồi một chỗ chơi trong khi con chạy nhảy xung quanh. Có những hôm, ba vì mệt quá nên vừa chơi với con vừa tranh thủ nằm trên ghế sofa để chợp mắt 5-10 phút. Thì y như rằng, con trai chạy tới và gào lên: “Ba ơi, ba không được nhắm mắt!”. Rồi con hôn lấy hôn để lên hai bên má của ba, bắt ba phải mở mắt, phải “thức dậy” để chơi cùng con.

Mà ai có con rồi đều biết, mỗi khi con hôn mình, trong lòng dường như chỉ còn niềm vui sướng và hân hoan.

Có con rồi, chơi đùa cùng con, mỗi tối nói chuyện với con trước khi đi ngủ, mỗi sáng thức dậy đưa con đến trường và chúc con có một ngày học vui bên bạn bè. Từng giây phút ấy vô hình trung đã dạy cho ba cách trở thành một con người có trách nhiệm hơn với bản thân và gia đình, học cách nhẫn nại mỗi khi con khóc quấy để nói cho con hiểu được điều con đang làm sai, học cách bao dung sau khi con xin lỗi, học hỏi han khi con vì giận mà im lặng không thèm nói chuyện với bất cứ ai, học cách trả lời từng câu hỏi của con liên tục đưa ra cho đến khi con hài lòng và không hỏi nữa.

Còn với con, ba biết, con đã có một chỗ dựa để vững tin mỗi khi con lo sợ hay muốn khám phá một điều gì đó về thế giới mà con không biết. Như mỗi lần ba hỏi: "Có ba bên cạnh con thì sao?", và con trả lời: “Con không sợ gì hết!”. Chỉ cần như thế để con luôn an tâm, dù là trong cơn mộng mị, mắt con không hề mở nhưng nghe bên tai giọng nói của ba, con đã nhoẻn miệng cười và tiếp tục giấc ngủ đang dang dở.

Ông bà mình vẫn nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Người đàn ông, giống như được nuông chiều, chỉ lo kiếm đủ tiền mà không gánh vác nhiều trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái. Mọi việc yên tâm đã có hai tay hai chân của người vợ - mẹ của con lo. Nên sẽ không thể trách sẽ có những lúc con cần sự vững chãi của ba để nương tựa thì con không thể tìm thấy, con cần một niềm tin lớn vào bản thân thì đã quen thói được cưng nựng dịu dàng, con cần được hỏi nhiều câu hỏi thì nhận lại quá ít những câu trả lời. Con có đủ ba mẹ nhưng lại khuyết một khoảng trống mà đôi khi chỉ đơn giản là một câu nói: “Ba nè, có chuyện gì không, nói ba nghe?”.

Sẽ chẳng ai mong muốn mình là một đứa con thiệt thòi. Cũng không người ba nào mong muốn mình có một (hay nhiều đứa con) mà thời gian dành cho chúng đôi khi quý như vàng. Để rồi một lúc nào đó giật mình nhìn thấy con khôn lớn, nhưng suốt quãng đời trưởng thành của con, mình không có được mấy giây phút đồng hành cùng niềm vui lẫn nỗi buồn của con trẻ.

Nếu muốn con chia sẻ, hãy chia sẻ với con trước đã. Nếu muốn con vững vàng, hãy truyền điều đó cho con. Nếu muốn con ham học hỏi thì hãy đi cùng con để khám phá thế giới. Nếu muốn con hiểu về yêu thương thì phải bày tỏ sự yêu thương đó hàng ngày để con cảm nhận. Cuộc sống luôn có ngoại lệ với một số ít người, không cần đủ đầy thì họ vẫn sống tốt. Nhưng với phần lớn mọi người, sự đủ đầy về tình yêu thương và san sẻ trong gia đình chính là nguồn “nguyên liệu chính” để tạo nên một con người tốt về sau này.

“Ba ơi, ba không được nhắm mắt!”, câu nói này ước gì mọi đứa con đều có thể nói ra và mọi người ba trên thế giới này đều có thể nghe và sau đó mỉm cười: “Ba biết rồi, để ba trông chừng con nhé!”.

Nguyễn Phong Việt

Bạn có thể quan tâm