Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Dỡ nhà rồi dân ở đâu?

"Người nghèo góp cả đời mới xây được nhà, dỡ rồi ở đâu? Quản lý cán bộ không nghiêm, cán bộ cơ sở buông lỏng làm ảnh hưởng tài sản người dân", bà Quyết Tâm nói tại phiên chất vấn.

  • Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp ở kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra trong buổi sáng 13/7.
  • Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình và Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm được chọn ngồi ghế nóng. Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trả lời chất vấn về lĩnh vực mình phụ trách.
'Cán bộ buông lỏng quản lý sẽ ảnh hưởng đến tài sản người dân' Phát biểu tại phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm quan ngại việc quản lý cán bộ không nghiêm, buông lỏng làm ảnh hưởng đến tài sản của người dân.
  • Phiên chất vấn dân chủ, thẳng thắn

    Kết thúc, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ tổng kết phiên chất vấn nhận được 19 lượt đại biểu đặt câu hỏi với 39 nội dung. Bà Lệ đánh giá phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, các câu hỏi tập trung thẳng vào vấn đề.

    Về cơ bản, các đại biểu hài lòng với nội dung trả lời chất vấn của 2 giám đốc sở và các vấn đề bổ sung làm rõ. Các nội dung trả lời không né tránh và trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu.

    Các sở cũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và cam kết tích cực để giải quyết vấn đề trong thời gian tới. HĐND đã thể hiện trách nhiệm giám sát, hiến kế nhiều giải pháp cho UBND TP và các sở, ngành.

    Bà Lệ đề nghị UBND TP nghiên cứu đầy đủ và triển khai đồng bộ nhằm tạo chuyển biến tích cực trong 6 tháng cuối năm.

    Chat van HDND TP.HCM anh 1

  • 119 lô cốt khắp thành phố

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Lâm Danh về tái lập mặt đường, ông Trần Quang Lâm nói đây là vấn đề ngành giao thông rất quan tâm. Vì TP đang phát triển, đầu tư xây dựng nên chúng ta vừa chấn chỉnh, vừa cấp phép.

    Hiện có 119 rào chắn trên 48 tuyến đường, chủ yếu phục vụ cho dự án đầu tư hạ tầng giao thông và thoát nước. Vừa qua, Sở GTVT đã tham mưu cho TP ban hành Quyết định 38 thay Quyết định 09, đưa ra quy định cụ thể hơn về thời gian thi công và trách nhiệm thu gom vật tư để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn công trình, trong đó có cả vấn đề tái lập.

    Về việc xử lý, 6 tháng 2019, thanh tra Sở GTVT đã xử lý 502 trường hợp, thu phạt 3,3 tỷ đồng. Sở cũng thành lập thanh tra, đặc biệt với công trình thi công ban đêm, chấn chỉnh 15 công trình của các chủ đầu tư thường có vi phạm rào chắn thay đổi với khi cấp phép, chất lượng rào chắn, điều tiết hệ thống cảnh báo từ xa… Chủ đầu tư thiếu quan tâm những vấn đề trên gây ra sự bức xúc cho người dân, chúng tôi đã tiến hành xử phạt.

    Vấn đề tái lập, với các tuyến đường mới, TP đã ban hành quy định cấm đào, đặc biệt ở tuyến đường trung tâm. Hàng năm yêu cầu phối hợp với công ty điện lực, viễn thông phải xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ đối với tuyến đường được phép đào, tăng cường ứng dụng khoan cánh ngầm. Năm 2018 chúng ta có 68 công trình chúng ta đã yêu cầu khoan cánh ngầm, dự kiến năm 2019 sẽ có 25 công trình phải áp dụng khoan cánh ngầm để phù hợp với đô thị.

    Thực tế có những công trình do giải pháp thi công, khi thi công xong thì tái lập tạm để đảm bảo giao thông nhưng ban đêm lại triển khai lại, việc này đúng là chưa tốt. Hơn nữa, tái lập sau một thời gian xe lưu thông chất lượng không đảm bảo thì cái này là trách nhiệm của đơn vị thi công, phải thanh tra và xử lý nghiêm.

    Thời gian tới chúng tôi nghiên cứu phối hợp với trường Đại học Bách Khoa nghiên cứu vật liệu cho phù hợp với khu vực tái lập.

  • 2025 sẽ giảm ùn tắc

    Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm: Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, rất nhiều nước đối diện với vấn đề kẹt xe, không riêng gì TP.HCM. Kẹt xe đi kèm tai nạn và ô nhiễm môi trường là các vấn đề chung của đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam là 40%, riêng TP HCM tốc độ 80%. Vậy làm sao giải bài toán này?

    Từ nay đến 2025, theo kịch bản của Sở GTVT, vành đai 1, 2, 3, metro số 1… cùng nhiều dự án khác hoàn thành, TP sẽ chạy mô hình. Đến năm 2025 nếu kết hợp thêm các tuyến đường vành đai của Bộ GTVT. Thêm nữa, TP.HCM không chỉ đô thị hóa nhanh mà còn đối mặt với vấn đề di dân. Do đó, giao thông công cộng là bắt buộc.

    Sở đang tính toán và phối hợp với chuyên gia từ các tổ chức quốc tế để giải quyết từng bước vấn đề. Theo thống kê, xe máy chiếm dụng diện tích lòng đường gấp 5 lần xe buýt, xe con thì chiếm 8,5 lần. Phát triển hạ tầng không đủ thỏa mãn vấn đề mà phải phát triển giao thông công cộng và giải quyết giao thông cá nhân. Với kịch bản này, từ nay đến 2025, Sở đánh giá tình trạng giao thông TP.HCM sẽ ổn định, giảm ùn tắc.

  • Taxi công nghệ phát triển ồ ạt góp phần gây kẹt xe, hỗn loạn

    Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt có 2 vấn đề trao đổi. Một là vấn đề về quy hoạch định hướng phát triển giao thông đô thị của TP từ nay đến 2025 như thế nào. Ông Nhựt đề nghị nêu cụ thể tiến độ từng giai đoạn. Hai là vấn đề vé điện tử thông minh trong sử dụng xet buýt đã được phê duyệt từ 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Đại biểu đề nghị Sở giải trình vấn đề này.

    Đại biểu Lê Minh Đức trao đổi 3 vấn đề. Thứ nhất, taxi công nghệ phát triển ồ ạt khiến lượng xe tăng nhanh, chưa kể taxi dù. Tình trạng TP thiếu bến bãi và taxi công nghệ cũng như taxi truyền thống chủ yếu sử dụng mặt tiền lòng lề đường để đón trả khách, kể cả các trung tâm thương mại lớn vẫn đón trả khách liên tục. Với hạ tầng giao thông hạn chế khiến tình hình giao thông thành phố chật chội, hỗn loạn, gây kẹt xe. Trong thời gian tới, Sở có giải pháp gì tham mưu TP giải quyết triệt đế vấn đề?

    Hai là chủ trương cấm xe 3 bánh cưỡng chế đã được phát động nhiều năm nhưng chưa triệt để khi xe 3 bánh vẫn ngang nhiên hoạt động gây nguy hiểm cho cả người sử dụng và người lưu thông. Thực tiễn, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi va chạm với phương tiện này. TP sắp tới có giải pháp gì để tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm của xe 3 bánh? Đồng thời, TP cần tính toán phương tiện thay thế để giải quyết mưu sinh cho người dân.

    Thứ ba, hiện trạm thu phí cầu Bình Triệu 3 đã 3 năm không hoạt động. Cử tri xót xa với sự lãng phí cơ sở vật chất và không rõ mục đích của việc tồn tại trạm thu phí này. Đại biểu Đức yêu cầu Sở xem xét đặt trạm thu phí ở đây có phù hợp không và phương án giải quyết trong thời gian tới.

    Chat van HDND TP.HCM anh 2

  • Thu được 1,1 tỷ phí lòng, lề đường

    Ông Trần Quang Lâm cho biết việc thu phí lòng lề đường được áp dụng từ tháng 8/2018, tài xế thanh toán bằng công nghệ. Quá trình thực hiện ở 3 quận gồm 1, 5, 10 đến nay thu được 1,1 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu dù cho qua quan sát trên camera thì thấy số lượng xe đậu vẫn đông.

    Từ 1/5, thành phố giao việc hướng dẫn thu phí cho Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố. Dù có cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do hiện tại chỉ có một giải pháp công nghệ là ứng dụng của Viettel và qua các nhà mạng chứ chưa qua các ứng dụng thanh toán hiện đại như ZaloPay... nên người dân còn thiếu lựa chọn.

    Chat van HDND TP.HCM anh 3

    Giải pháp công nghệ vẫn còn trục trặc, nhân viên hướng dẫn chưa nhiệt tình, thời gian đầu các quận còn làm theo giờ hành chính đến khi thanh niên xung phong làm thì tốt hơn, thu phí có tăng.

    Để giải quyết được các trường hợp đậu xe nhưng không trả phí, ông Lâm cho rằng cần phải có chế tài. Sắp tới, Sở sẽ cùng với Thanh tra Sở Tài chính nghiên cứu giải pháp xử lý tại hiện trường, phạt nguội đối với xe đậu nhưng không trả phí.

    Về kẹt xe cầu Phú Mỹ, ông Lâm cho biết chiếu theo quy định thì chưa được gọi là kẹt xe. Tuy nhiên, thời gian qua có một số sự cố như xe container chết máy dẫn đến kẹt xe kéo dài. Mặt khác, cầu Phú Mỹ có độ dốc 4,5% nên nhiều container cũ, không loại trừ xe quá tải bị chết máy khi qua cầu thì bị chết máy nên gây ra ùn tắc kéo dài.


  • Có phạm luật không khi đặt vật cản trên vỉa hè ngăn xe máy?

    Đại biểu Trương Lâm Danh chất vấn việc xe máy chạy trên lề đường. Theo ông, xét về luật thì đi trên lề đường bị xử phạt, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Giải pháp được đưa ra là đóng những vật cản trên lề đường, nhưng theo đại biểu, việc này hạn chế việc đi lại của người dân, nhất là với với người khuyết tật và có thể xảy ra tai nạn với người đi bộ, người khuyết tật.

    “Việc này có vi phạm luật không?”, ông Danh hỏi Giám đốc Sở GTVT.

    Trả lời, ông Trương Quang Lâm cho biết hiện chúng ta có khoảng 4.400 km đường, trong đó khoảng 46% tuyến đường không có vỉa hè, còn lại 54% có vỉa hè (38% vỉa hè trên 3 m, còn lại là dưới 3 m). Khi người dân vừa sinh sống vừa kết hợp buôn bán kinh doanh mặt tiền nên có việc lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ.

    UBND và Thành ủy đã có chỉ thị chấn chỉnh việc này, giao trách nhiệm chính cho chủ tịch UBND các quận, huyện. 

    Về vật cản, một số tuyến đường có tình trạng người dân lưu thông trên vỉa hè thường xuyên, như tuyến đường quanh Sở GTVT, tuyến đường Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai… thì khi triển khai chỉnh trang đầu tư vỉa hè có đặt những thanh ngăn cản tránh cho người đi xe máy đi vào, việc này có hiệu quả thực tế tốt, ngăn hành vi xe máy lao lên vỉa hè làm mất an toàn cho người đi bộ và du khách. 

    Nhưng về mặt pháp lý, chúng ta khi triển khai thực hiện các vật tạm thời trên vỉa hè phải được phép của các quận, huyện và Sở GTVT. Bên cạnh đó, phải có nhận diện, có những cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo người dân nhận biết an toàn theo đúng hệ thống quy chuẩn.

  • Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là biểu tượng về kiến trúc

    Ông Trần Quang Lâm: Dự án Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm TP. Để phát triển Thủ Thiêm, theo kịch bản hiện nay chúng ta có 4 cây cầu và đang chậm rồi. Cầu Thủ Thiêm 1 và Thủ Thiêm 2 đang làm. Theo kịch bản đến 2020 phải xong cả 4 cầu này thì dự án Thủ Thiêm mới phát huy hiệu quả.

    Cầu Thủ Thiêm 2 được đầu tư theo hình thức BT và nhà đầu tư đang tích cực tập trung nguồn lực để làm. Đây là cầu dây văng, hàm rồng rất đẹp, nếu làm sẽ trở thành điểm nhấn không chỉ về giao thông mà còn là biểu tượng về kiến trúc. Hiện về phía cầu dẫn và các trụ cầu phía quận 2 đang triển khai, còn phía quận 1 đang bắt đầu làm.

    Cái vướng ở đây là vướng mặt bằng liên quan đến đất Bộ Quốc phòng. Cách đây 1 tháng, Ban thường vụ Thành ủy đã làm việc với Quân ủy Trung ương, thống nhất trong quá trình làm thủ tục sẽ giao trước một phần mặt bằng khoảng 5.000 m2 trên đường Tôn Đức Thắng để làm trước. Chúng tôi đã làm việc với nhà đầu tư, phấn đấu quý II/2020 sẽ hợp long cầu chính và hoàn thành phần cầu dẫn từ quận nhất đường Lê Duẩn băng qua Thủ Thiêm cũng như nhánh cầu Tôn Đức Thắng vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.

    “Nếu đẩy nhanh được thì cây cầu sẽ là công trình chào mừng đại hội Đảng, một cây cầu rất đẹp”, ông Lâm nhấn mạnh.

    Với dự án cầu Phú Xuân, ông Lâm cho biết trước đây có dự án cầu Phú Xuân 2B kết nối song song, kêu gọi đầu tư theo hình thức BT nhưng xét về tính cấp bách cũng như kiểm tra sự cần thiết ưu tiên, cầu này sẽ triển khai nhưng là ở giai đoạn sau 2020 mới nghiên cứu hình thức đầu tư.

  • Nhiều điểm nghẽn giao thông

    Trả lời về các công tình giao thông trọng điểm, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết TP đã có báo cáo. Với ngành giao thông TP.HCM trong chương trình đột phá có đặt ra 172 dự án tổng nguồn lực là 393.000 tỷ. Hiện nay nguồn lực đã được đáp ứng, giải ngân, bố trí gồm vốn ngân sách, vốn ODA, PPP đạt khoảng 47.000 tỷ. TP đã hoàn tất 45 dự án, từ nay đến 2020 sẽ hoàn thành tiếp 22 dự án và giai đoạn 2021-2025 hoàn thành tiếp 41 dự án.

    Với dự án trọng điểm thời gian qua, trong danh mục TP báo cáo HĐND, giao thông tập trung chủ lực vào các dự án đường hướng tâm, đường quốc lộ kết nối TP.HCM với các vùng như QL 50, QL 22 và QL 13. Tiếp theo là các tuyến đường sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án giao thông kết nối cảng Cát Lái.

    Về hiệu quả và giảm ùn tắc, ông Lâm cho biết hiện Sở GTVT có mô hình đánh giá mô phỏng giao thông. Đúng như dự báo, chúng ta đang có điểm nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực phía nam. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện năng lực thông hành đã vượt ngưỡng 1,2 lần.

    Dự báo đến 2021, hướng đi về phía nam và cửa ngõ phía sân bay hướng Trường Chinh - Âu Cơ cũng đi vào khó khăn. Dự báo đến 2025 khi tuyến metro số 1 và BRT đi vào khai thác thì khu vực phía nam sẽ tiếp tục khó khăn.

    “Hiện dự báo này hoàn toàn có cơ sở khoa học, trên số liệu thực đến thời điểm 2018 điều tra và đánh giá”, ông Lâm khẳng định.

    Giám đốc Sở GTVT cho biết qua dự báo đó, những dự án HĐND ưu tiên bố trí vốn là thực sự cần thiết và phải đẩy nhanh để đảm bảo hiệu quả phát huy ngay. Như với dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Thọ là nút thắt kìm hãm sự phát triển của cảng biển khu vực đó. Hiện đã duyệt dự án và đang duyệt thiết kế, tổ chức đấu thầu. Phấn đấu cuối năm nay sẽ khởi công và sẽ hoàn thành vào quý I/2021.

    Với dường Huỳnh Tấn Phát, đây là đường vận tải rất lớn. Thời gian qua được sự chỉ đạo của TP và HĐND cũng bố trí vốn nên đã làm trước được một đoạn từ cầu Phú Xuân ngược về Nguyễn văn Linh, còn đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh đã duyệt dự án và thiết kế, chủ đầu tư đang tổ chức đầu thầu, phấn đấu trong quý IV, chậm nhất tháng 12 sẽ khởi công.

  • Chống quấy rối tình dục, xâm phạm phụ nữ, trẻ em khi tham gia giao thông

    Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết: Từ năm 2018 thực hiện chương trình của Chính phủ, Sở đã triển khai chương trình TP thông minh, thân thiện, an toàn với phụ nữ và trẻ em. Trong đó, đã tổ chức lớp tập huấn về quấy rối tình dục, xâm phạm trẻ em cho tiếp viên, lái xe và phối hợp quản lý với phòng cảnh sát hình sự. Thêm vào đó, Sở có hệ thống giám sát thường trực ở trung tâm điều hành và trên các xe buýt đều có camera giám sát.

    Tại các trạm dừng nhà chờ, Sở cũng tổ chức biển báo nhắc nhở và camera giám sát. Sở đang tiến hành xây dựng ý thức trách nhiệm cho lực lượng đơn vị cung ứng dịch vụ giao thông công cộng và có hình thức báo động cho xã hội để ai có hành vi xấu đều bị giám sát.

    Năm 2018, Sở đã kêu gọi xã hội hóa để triển khai các cổng trường an toàn bằng cách làm hàng rào bố trí trạm chờ riêng, có biển cảnh báo và camera giám sát cho học sinh. Tại các nút giao thông, Sở cũng đã triển khai nhiều phương án để tăng tính an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

    Chat van HDND TP.HCM anh 4

  • Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung hỏi thông tin về một số tuyến đường phục vụ cho nhân dân quận Bình Chánh cũng như các tuyến đường xe buýt công cộng. Bà cho biết huyện Bình Chánh có tuyến đường xe buýt, đường bộ nhưng kiến nghị TP xem xét tuyến đường thủy như đối với tuyến Võ Văn Kiệt về huyện Bình Chánh và một số tuyến khác.

    Theo đại biểu, bên cạnh thực hiện giao thông có thể thực hiện du lịch đường sông để Bình Chánh và các huyện có thể mở du lịch trên sông hay du lịch xanh.

    Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy: Liên quan đến giao thông đường thủy, với 2 tuyến sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai sở hữu kênh rạch chẳng chịt, đó là lợi thế phát triển giao thông đường thủy tuy nhiên số người sử dụng phương tiện công cộng đường thủy còn hạn chế. Vậy sở có biện pháp gì kết nối với Đông Nam Bộ và các vùng lân cận để giảm bớt gánh nặng lên đường bộ.

    Phát triển du lịch đường thủy đã có chủ trương của TP.HCM nhưng đến nay ông đánh giá thế nào trong việc đồng bộ quy hoạch các công trình phục vụ phát triển du lịch đường thủy?

    Chat van HDND TP.HCM anh 5

  • Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn việc cơ quan quản lý Nhà nước, trước là Sở GTVT, nay là Sở Xây dựng trong việc cho phép chủ đầu tư dự án được tạm san lấp kênh, rạch đầu tư dự án, làm thay đổi hiện trạng và chức năng thoát nước của kênh, rạch tự nhiên.

    Bà cho biết đã nhận được ý kiến phản ánh của cử tri gần 3 năm về tình trạng này chưa được giải quyết triệt để. Đại biểu đề nghị cung cấp việc xử lý chủ đầu tư trả lại hiện trạng ban đầu cho kênh, rạch để đảm bảo thoát nước. Cơ quan quản lý cho phép chủ đầu tư tạm san lấp kênh rạch có đánh giá việc này ảnh hưởng đến thoát nước, gây ngập úng trong cộng đồng dân cư không? Trách nhiệm của cơ quan quản lý khi chủ đầu tư chậm trả lại hiện trạng? Hiện có bao nhiêu dự án cho chủ đầu tư tạm san lấp nhưng chủ đầu tư không trả lại hiện trạng? Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì giải quyết thế nào?

    Vấn đề thứ hai, về cải thiện hạ tầng cơ sở giao thông công cộng, nhiều điểm công cộng ở TP được xác định là không gian tiềm ẩn nguy cơ không an toàn với phụ nữ, trẻ em về quấy rối tình dục như các nhà chờ, tạm dừng, điểm trung chuyển xe buýt. Vừa qua ngành GTVT đã cung cấp dịch vụ an toàn cho phụ nữ và trẻ em, dán thông điệp tuyên truyền tại nhà chờ xe buýt, triển khai tuyến xe buýt màu cam, truyền thông phòng chống quấy rối tình dục trên xe buýt. Kết quả ban đầu thí điểm mô hình này thế nào? Sở có kế hoạch triển khai trên các địa bàn khác hay không? Sở tham mưu thế nào cho TP phát triển hạ tầng giao thông công cộng?

    Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung: Giảm ùn tắc giao thông là một trong 7 chương trình đột phá của TP. Năm 2018 có 28 điểm ùn tắc giao thông, TNGT giảm 2 tiêu chí. Đại biểu ghi nhận nỗ lực của ngành GTVT nhưng những công trình trọng điểm của TP hiện nay gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện, đến bao giờ chúng ta sẽ xây dựng các công tình trọng điểm mà HĐND đã ghi vốn như nút giao thông vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ?

    Việc cải tạo giai đoạn 2 con đường Huỳnh Tấn Phát từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Thánh, giảm ngập trên tuyến đường này cho bà con ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Việc mở rộng cầu Phú Xuân được tham mưu thế nào? Tiến độ xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 thế nào? Tới đây có giải pháp nào đưa cầu sớm đi vào hoạt động, phục vụ nhân dân?.

  • Giám đốc Sở GTVT: Nỗ lực nhưng chưa đạt kỳ vọng của dân

    Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm chia sẻ Sở GTVT vinh dự được tham dự chất vấn để nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri cũng như đánh giá lại việc mình thực hiện thời gian qua. Theo ông, giao thông TP đang đứng trước khó khăn phải tập trung giải quyết, vừa qua đã nỗ lực nhưng chưa đạt kỳ vọng, mong mỏi của người dân.

    Nhìn bức tranh tổng quát, dân số tăng, số phương tiện tăng nhưng tai nạn được giảm. Hiện trung bình cả nước là 23 người chết vì TNGT/100.000 dân nhưng TP.HCM chỉ 7,8. Ùn tắc giao thông hiện có 28 điểm, trong đó nhiều điểm có chuyển biến tốt.

    "Giao thông TP không những là nhu cầu thiết thực của người dân mà là yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP nên chúng tôi xác định đây là vấn đề lớn để góp phần giúp TP phát triển", ông Lâm nói và mong nhận được chất vấn của đại biểu, gửi gắm của cử tri.

  • Đề nghị Sở Xây dựng cải cách công tác quản lý

    Sau 2 tiếng chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết đã có 11 đại biểu đặt 19 câu hỏi với 4 nhóm vấn đề. Một là quản lý trật tự xây dựng và giám sát công trình sai phép, không phép; hai là quản lý công tác phòng cháy chữa cháy trong nhà chung cư; ba là cấp phép xây dựng cho nhà nông nghiệp công nghệ cao. Và cuối cùng, cấp quyền xử lý nhà ở và hoàn công cho công trình sai phép.

    Chủ tịch đề nghị Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan phải tiếp thu và nghiên cứu triển khai để cải cách công tác quản lý trong thời gian tới.

    Sau Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đăng đàn trả lời các đại biểu HĐND.

  • Dỡ nhà rồi dân ở đâu?

    Sau phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng và Phó chủ tịch UBND Võ Văn Hoan, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói thêm: 

    Chúng ta nhận diện tình hình có 2 nhóm dẫn tới sai phạm đó là nhóm đầu cơ trục lợi và cò đất, đầu nậu. Tôi xin nói thêm vì sao chúng ta nhận diện được nhưng không xử lý. Vì sao có hiện tượng người nghèo, dân nhập cư chưa có nhà ở, có nhu cầu mua nhà lại mua những nơi phân lô bán nền sai quy hoạch? Vậy xử lý các chủ dự án khống, đầu nậu, thu gom đất những nơi không đúng quy hoạch bán cho người dân nghèo thế nào? Xử lý những đối tượng này là đúng nhưng đối với người dân nghèo thì xử lý cách gì? 

    Tháo dỡ đúng quy định pháp luật những nơi sai quy hoạch là đúng pháp luật nhưng những người lãnh đạo thành phố cần phải day dứt. Người dân nghèo có khi góp cả đời mới xây được nhà, dỡ rồi ở đâu? Việc quản lý cán bộ không nghiêm, việc buông lỏng của cán bộ cơ sở làm ảnh hưởng tới tài sản người dân. 

    Nhu cầu nhà ở là nhu cầu có thực, được Hiến pháp quy định, mong Giám đốc Sở Xây dựng suy nghĩ để đề xuất HĐND xem có những chính sách gì để các nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

    Chat van HDND TP.HCM anh 6

  • Phạt 12 lần nhưng chủ đầu tư vẫn không chấp hành

    Đại biểu Nguyễn Văn Đạt: Nhiều người dân xây dựng công trình hoàn thiện nhưng khi đưa vào sử dụng thì quy mô xây dựng nhỏ hơn giấy phép xây dựng được cấp. Vì vậy, họ không được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ở, dân lại quay sang điều chỉnh giấy phép xây dựng cho đúng hiện trạng thực tế. Trường hợp này xin Giám đốc Sở Xây dựng nói rõ hơn, có thể điều chỉnh giấy phép xây dựng cho người dân hay không?

    Vấn đề thứ hai là đề nghị làm rõ hơn việc một số địa phương còn diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng quy hoạch không còn cho nông nghiệp nữa, dân muốn xây rào tạm để trồng rau hay sử dụng mục đích khác. Vậy việc xin xây dựng hàng rào tạm trên đất quy hoạch khu dân cư có được không?

    Trả lời đại biểu Đạt, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình xin ghi nhận các vấn đề của chung cư này. Về cách thức giải quyết, ông cho biết Sở Xây dựng sẽ thành lập lại đoàn kiểm tra.

    Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hành vi bổ sung, nếu quá thời hạn không thực hiện hành vi bổ sung thì lập biên bản cưỡng chế việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy chủ đầu tư phải khắc phục việc này.

    Dự án chưa nghiệm thu, chưa hoàn tất các thủ tục PCCC đã đưa người dân vào sử dụng là chưa đúng quy định pháp luật. Nhưng người dân đã ở rồi thì sẽ có giải pháp khắc phục. Việc này chắc chắn sẽ được thực hiện vì chúng ta đã có khung pháp lý.

    Công trình này ngoài xử phạt, yêu cầu khắc phục thì Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

  • Chưa nhận diện và xử lý đầu nậu, cò đất cố tình vi phạm pháp luật

    Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói về việc nhận diện thế nào về xây dựng không phép, trái phép gây mất trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Ông Hoan nói: Tất cả báo cáo của UBND, HĐND đã nói rõ, có cái của Nhà nước, có cái của DN, có cái của người dân. Chúng ta đã có giải pháp xử lý nhưng đi vào cụ thể sẽ thấy đại đa số người dân TP chấp hành tốt vấn đề trật tự xây dựng, chỉ có 2 nhóm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai cố tình vi phạm trật tự xây dựng.

    Một là không có giấy tờ nên không ra xin phép xây dựng được. Hai là không có dự án nên không thể nào triển khai theo đúng quy trình thủ tục của dự án.

    Hai loại này xuất phát từ cò đất hay môi giới đất. Môi giới thực chất là cò nhưng có tổ chức hơn, những người mua đất rồi sang tay kiếm lợi.

    Hiện hình thành nhóm có thể là công ty nhưng không có chức năng kinh doanh bất động sản hoặc có chức năng nhưng không có năng lực đầu tư kinh doanh bất động sản, họ tìm mua các miếng đất nằm trong quy hoạch và triển khai ngay các bước không cần xin phép để mua bán, xây dựng sang tay.

    Tạo ra điểm nóng vì có những nhóm chuyên làm việc này, lan tỏa ở miền Đông và Tây Nam Bộ. 

    Chat van HDND TP.HCM anh 7

    Có thể nói, trong quá trình phối hợp, có những nguyên tắc mình triển khai chưa tới nơi tới chốn. Ví dụ nguyên tắc phối hợp phải phát hiện kịp thời nhưng mình phát hiện lúc nào cũng chậm hơn, đặc biệt ở địa bàn xa. Cái này do cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất nhưng có phân vai. Nhưng nhiều khi đi qua không biết công trình do TP hay địa phương cấp phép. Đây là lỗ hổng trong cơ chế phối hợp.

    Chúng ta cần xem xét mô hình liên kết thông tin các dự án cấp phép, dự án cấp phép, dự án vi phạm, xử lý vi phạm, kết quả xử lý… Những thông tin này được truyền tải lên hệ thống từ quận, huyện, phường xã để công chức phường xã, địa chính đều tham gia. Chúng ta đang tù mù.

    Hai là phát hiện rồi nhưng xử lý chưa tới nơi tới chốn vì cơ chế vận hành xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đòi hỏi phải có biên bản, phải có xử phạt và có chế tài. Nếu trong phạm vi chức năng của một địa phương dễ chứ ở sở, ngành phải phối hợp thì sẽ rất chậm, mà chậm một ngày thì tình hình diễn biến khác hẳn.

    Tôi thấy chúng ta thường ghép chung sai phạm về xây dựng không phép, trái phép của người dân mà không thấy bản chất của trường hợp này là cố ý vi phạm về pháp luật quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, tạo ra tình trạng lôi kéo làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

    Cứ nói người dân nhưng với người dân nghèo mua những miếng đất đó, đúng là họ tham gia góp phần nhưng họ cũng là nạn nhân. Nhưng những người đầu nậu, cò đất ta lại chưa nhận diện, chưa chỉ đích danh và xử lý được. Vì thế tạo ra điểm nóng trên địa bàn. Phải chỉ ra và xử nghiêm tình trạng đó, không thể trong một địa bàn khoảng 1 ha mà ào ào xây dựng được, phải có người đứng mũi chịu sào, đứng ra phân lô, hô hào quảng cáo, đưa người dân lương thiện vào đối diện với chính quyền Nhà nước.

    Với trường hợp đầu nậu đó phải xử nghiêm minh, không để tự tung tự tác. Ở phường, xã các đồng chí biết hết nhưng chưa nhận diện hết tác hại của việc này và chưa giải quyết.

    Chat van HDND TP.HCM anh 8


  • Giải pháp gì cho quỹ bảo trì chung cư?

    Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình 2 vấn đề liên quan đến trách nhiệm của sở này. Thứ nhất, đó là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất ở những chung cư, khu dân cư mà chủ đầu tư đang có vấn đề về tài chính và vi phạm. Thứ 2, vấn đề quỹ bảo trì chung cư đang là vấn đề nhức nhối, Sở Xây dựng có giải pháp gì?

    Chat van HDND TP.HCM anh 9

    Ông Bình trả lời: Việc này còn tồn tại ở các chung cư, xảy ra nhiều trường hợp trên địa bàn thành phố khi chủ đầu tư làm thủ tục khởi công xong thì mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với các ngân hàng thì phải làm thủ tục cấp giấy nhận cho người dân. Đây là việc khó, chúng tôi sẽ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện thống kê và đưa ra các giải pháp.

    Liên quan đến vấn đề quản lý quỹ bảo trì, ông Bình nói rằng hội nghị nhà chung cư thì có ban quản trị, phân công trách nhiệm các thành viên. Ông Bình chỉ ra một số biện pháp phát huy hiệu quả đó là sự giám sát của tổ dân phố, phường xã, người dân giám sát qua hội nghị nhà chung cư. Trong thẩm quyền của mình, Sở ban hành sổ tay quản lý nhà chung cư, sắp tới sẽ đề ra các giải pháp đảm bảo quỹ bảo trì chi đúng.


  • Đại biểu Trương Lâm Danh: Theo luật nhà ở và hướng dẫn trong nghị định 71 năm 2010, ở điểm c khoản 2 có ghi việc chủ đầu tư có quyền quyết định sử dụng phần để xe, tầng hầm thể nào, sử dụng chung hay riêng. Nhưng đến 2015 Luật Nhà ở quy định phần đó là phần chung của cư dân, vậy Sở Xây dựng giải quyết tình trạng này trong công tác quản lý chung cư ra sao nếu chung cư đó được xây trước năm 2010? Ngoài ra, còn hiện tượng các chung cư chưa hoàn thành nghiệm thu công trình, nghiệm thu PCCC đã đưa cư dân vào ở, Sở Xây dựng đã có cách giải quyết như thế nào để đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, đảm bảo sự an toàn cho người dân?

    Chat van HDND TP.HCM anh 10

    Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung (quận 7) có hai câu hỏi đặt cho Giám đốc Sở Xây dựng. Trong báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, trong quyết định quản lý xây dựng TP đã xử phạt nhiều vi phạm xây dựng không phép, sai phép. Cụ thể, TP đã ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.136/1.640 trường hợp vi phạm (tăng 37,6% so với cùng kỳ).

    Trong đó, xây dựng sai phép 619/1.640 trường hợp, xây dựng không phép 616/1.640 trường hợp, vi phạm khác 405/1.640 trường hợp. Các quyết định xử phạt tập trung tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh.

    Đại biểu Nhung đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng phân tích nguyên nhân vì sao địa bàn này xây dựng sai phép không phép nhiều như vậy? Có phải có vấn đề trong quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch không?

  • Liên thông giữa các sở trong cấp phép xây dựng

    Trả lời đại biểu Trí về thủ tục hoàn công, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cũng nhìn thấy thiếu sót này. Ông Bình nói: Theo quy định, khi cấp phép cho nhà ở riêng lẻ thì người dân được điều chỉnh các nội dung bên trong nhà mình, miễn là không thay đổi quy mô, quy hoạch và kiến trúc, đảm bảo lộ giới, chiều cao. Tuy nhiên trong quá trình phối hợp, kiểm tra quá trình xây dựng và xác nhận hoàn công còn nhiều tồn tại phải khắc phục.

    Đầu tháng 7, Sở Xây dựng có làm việc với Sở TN&MT, chúng tôi sẽ thực hiện quy trình liên thông trong cấp phép xây dựng giữa các sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường và Kiến trúc; liên thông trong việc xây dựng và kiểm tra cấp giấy. Như vậy, đơn vị nào thực hiện công tác kiểm tra xây dựng thì kiểm tra xây dựng, đơn vị nào kiểm tra cấp giấy thì kiểm tra cấp giấy. Tình trạng trên sẽ được khắc phục.

    Tuy nhiên phải làm việc thật kỹ, không khéo các dự án xin là nhà ở riêng lẻ như sau lại chia cắt thành nhà ở để bán. Đây là việc chúng tôi đang suy nghĩ, vừa là cải cách hành chính để người dân nhanh hơn trong công tác xây dựng, hoàn công nhưng cũng không để xảy ra hệ lụy khiến chúng ta phải khắc phục khổ hơn. Xây dựng nhưng để nhanh hơn khi hoàn công.

    Trong 6 tháng đầu năm, Sở Xây dựng TP, ban hành 774 quyết định, trình Chủ tịch UBND TP ban hành 151 quyết định xử phạt hành chính. Trong rất nhiều lỗi, nếu theo quy định thì người dân được phép dừng thi công và xin điều chỉnh giấy phép thì chúng ta không cần thực hiện quyết định này, vì ban hành nhiều quyết định thì quản lý Nhà nước rất khó khăn. Vấn đề là khi ra quyết định đó, quyết định phải được thực thi mới phát huy được hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Chúng tôi sẽ phân loại các lỗi này, ví dụ tăng diện tích thì theo điều 94 Luật Xây dựng ta được phép điều chỉnh, miễn không tăng quy mô, chỉ tiêu quy hoạch về kiến trúc tại khu vực đó.

  • Phát triển mảng xanh cho TP

    Về định hướng phát triển cây xanh và chiếu sáng, Sở Xây dựng sẽ có thống kê đầy đủ hơn về thực trạng tỷ lệ cây xanh trên địa bàn TP. Tỷ lệ này có khả năng thay đổi vì sắp tới chúng ta làm rất nhiều công viên cây xanh theo 7 chương trình đột phá của TP, đó là thống kê cụ thể hơn tỷ lệ cây xanh trong các dự án nhà ở thương mại, như khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay các khu đô thị ở quận 7, quận 2, tỷ lệ cây xanh trong các dự án thương mại sau khi chủ đầu tư xây dựng xong thì người dân không chỉ ở khu dân cư đó vẫn có thể tiếp cận sử dụng được. Vì thế bức tranh có thể sẽ khác.

    Về chủ quan Sở Xây dựng sẽ có rà soát đánh giá. Về định hướng để có tỷ lệ cây xanh nhiều hơn, theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND, Sở Xây dựng giữa tháng 8 sẽ xây dựng hội thảo về làm sao phát triển mảng xanh và chiếu sáng cho công viên, đô thị, chiếu sáng nghệ thuật. Sau hội thảo này chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của chuyên gia trong nước và nước ngoài đóng góp cho TP. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục triển khai.

  • Thí điểm cho xây công trình trên đất nông nghiệp

    Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm: Hiện nay TP.HCM đang khuyến khích nông dân thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nông dân phải đầu tư cơ sở vật chất như cơ sở công trình chính phục vụ chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng việc cho phép xây dựng các công trình này còn khó khăn, bất cập. Và thực tế khi cho phép xây dựng công trình sản xuất rồi, đến lúc không sản xuất nữa chuyển mục đích như nhà trọ, nhà kho thì làm ảnh hưởng đến nhu câu đích thực của người dân khác. Sở xây dựng sẽ tham mưu giải pháp gì giải quyết bất cập này?

    Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Cẩm, ông Lê Hòa Bình cho biết Phó chủ tịch UBND đã họp và thống nhất cách thức thực hiện xây dựng trên đất nông nghiệp và thí điểm tại 2 huyện. Sở Xây dựng sẽ sớm có dự thảo trình HĐND và triển khai thí điểm.

    Đại biểu Ngọc Cẩm: Tôi rất vui mừng vì Sở Xây dựng thể hiện trách nhiệm khi đã có dự thảo chuẩn bị trình UBND TP. Tôi có ý kiến thêm phần xây dựng công trình tạm, công trình chính phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp nên gắn liền với du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái để phát triển ngành du lịch.

    Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình. Ảnh: Lê Quân.

    Chat van HDND TP.HCM anh 11

  • Đại biểu Lê Thị Kim Hồng: Liên quan quản lý đô thị tôi có 2 vấn đề quan tâm. Thứ nhất để tăng cường quản lý đô thị, hiện quận Tân Bình và các quận khác rất quan tâm đề án thí điểm Đề án quản lý trật tự đô thị. Xin Giám đốc Sở Xây dựng cho biết khi nào triển khai đề án này? 

    Thứ hai, công tác phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng là vấn đề quan trọng, nhưng theo quy chế phối hợp hiện nay căn cứ vào Quyết định 58 năm 2013 của UBND TP thì có những nội dung chưa phù hợp với quy định hiện hành khiến công tác phối hợp bất cập, lúng túng.

    Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng tham mưu rà soát sớm ban hành văn bản điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật.

    Đại biểu Trần Quang Thắng: TP chúng ta chỉ có 0,63 m2/người, con số trên là thấp nhất châu Á. Hiện chúng ta định hướng đến 7 m2 cây xanh/người, vậy TP chúng ta định hướng quy hoạch, phát triển cụ thể thế nào để đạt? Người dân có thể tự trồng cây xanh trong sân, trong nhà, tuy nhiên cần có giải pháp tổng thể, vĩ mô hơn. 

    Hiện chúng ta không còn vỉa hè để tập thể dục buổi sáng nữa, chúng ta cần có kế hoạch để tạo lại không gian vỉa hè thông thoáng, tăng chất lượng sống cho TP.

    Đại biểu Nguyễn Trọng Trí chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về thủ tục hoàn công nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình, hiện có bất cập sau khi xây dựng nhà và hoàn công. Ví dụ khi xin phép xây dựng thì cửa nằm bên phải nhưng quá trình xây dựng dân có thể đưa cửa qua bên trái, hoặc khi xin phép xây dựng chiều cao là 10,5 m nhưng khi xây dựng có thể chưa đủ tổng chiều cao vì xây được một tầng dân hết tiền, khiến bố trí bên trong thay đổi. Vì vậy, khi hoàn công bố trí không giống giấy phép (diện tích vẫn đúng, chỉ khác thiết kế). Việc xin phép xây dựng thế nào phải đúng cả chi tiết đang là vướng mắc.

    Sở Xây dựng có giải pháp nào giải quyết cho người dân để các hộ riêng lẻ hoàn công được công trình?

    Đại biểu Nguyễn Trọng Trí. Ảnh: Lê Quân.

    Chat van HDND TP.HCM anh 12

  • Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, căn cứ những vấn đề cử tri còn bức xúc, băn khoăn kỳ họp HĐND có một buổi chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Sở Xây dựng.

    Các ý kiến chất vấn sẽ xoay quanh việc ban hành mức phí tạm thời về trợ giá xe bus, tình hình triển khai các công trình giao thông trọng điểm.

    Sau khi 2 giám đốc sở trả lời chất vấn, một phó chủ tịch UBND TP sẽ trả lời chất vấn về lĩnh vực mình phụ trách.



Nhóm phóng viên

Ảnh: Lê Quân

Bạn có thể quan tâm