Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba ngày Tết

Việc vui Tết xưa kia kéo dài cho đến khi hết thức ăn Tết mới thôi.

Sinh hoạt Tết, đã tích hợp nhiều chức năng đa dạng, bao gồm nội dung tế tự, cuộc tiệc vui mừng, chúc tụng và giao đãi xã hội... Các nội dung xen kẽ vào nhau và cũng hình thành một lịch lễ có phần thống nhất cho cả nước, song từng vùng miền lại có những biến thể đa dạng.

Sáng mùng một, trước tiên là cúng tổ tiên gọi là lễ Nguyên đán (còn gọi là lễ Chính đán). Lễ vật gồm đầy đủ các loại món vật thực, bánh mứt.

Riêng ở Huế, do đa phần là tín đồ Phật giáo, nên lễ cúng tổ tiên vào ngày Nguyên đán các gia đình đều cúng cỗ chay. Ở vùng đất này, lệ cúng xong là mở cửa tiếp khách, đi chùa, đi viếng mộ tổ tiên, đi thắp hương, mừng tuổi ông bà ở nhà thờ tộc và thăm viếng ông bà, cha mẹ bên nội, bên ngoại.

Sau khi làm lễ cúng tổ tiên đầu năm, cháu con, tiến hành việc chúc Tết cho ông bà, cha mẹ. Các bậc cao niên ngồi trên sập hay trên bộ ván hoặc ghế tựa trước bàn thờ để con cháu chúc Tết.

Tục ở Nam bộ xưa, khi ông bà đã cao tuổi, con cháu phải chuẩn bị việc hiếu sự chu đáo.

Điều kiện tốt là xây “kim tỉnh”- gọi là “sanh phần”, tại chỗ đất dự định sẽ là nơi an táng; thêm vào đó là sắm sẵn cỗ quan tài, gọi là “cỗ thọ”, đặt ở một nơi nào đó trong nhà và cuối cùng, quần áo thọ, gồm bộ quần áo lót/áo túi, bộ quần áo ma (màu trắng) và bộ quần áo điều (màu đỏ).

Bộ quần áo điều được các bậc cao tuổi mặc vào dịp đầu năm này để con cháu mừng tuổi. Con cháu từ lớn đến nhỏ đều cúi đầu lạy rằng mừng ông/bà đã được thêm một tuổi và chúc rằng: “Năm cũ bước qua năm mới, con / Cháu kính chúc ông/bà bách niên giai lão”.

Trẻ con được ông/bà, cha mẹ cho tiền, gọi là “tiền mừng tuổi”, đựng trong bao lụa vải màu đỏ, sau này phổ biến là tiền “lì xì” (Hán Việt: Lợi thị) đựng trong bao giấy màu mè đa dạng với nhiều đồ án trang trí, ngụ ý những lời chúc mừng “cát tường như ý”.

Tiền mừng tuổi có nơi chuộng tiền lẻ, hiểu ý tiền lẻ sẽ sinh sôi nảy nở thêm. Lại có nơi chuộng tiền lì xì là một tờ nguyên, coi số lẻ là điềm đem lại bất hạnh.

Phần đông, các bậc chú bác, cô dì thường cho tiền mừng tuổi cho cháu. Khi đi chúc Tết, người ta luôn sắm sẵn các bao đựng tiền lì xì để mừng tuổi cho trẻ con.

Ngược lại, khi có khách đến nhà chúc Tết, có cháu con nhỏ đi kèm, chủ nhà cũng lì xì cho bọn trẻ, gọi là để cháu hay ăn chóng lớn, học hành thông minh, chăm ngoan.

Sach Khao luan ve Tet anh 1

Sách Khảo luận về Tết. Ảnh: QM.

Việc đi lại chúc Tết, bắt đầu từ lúc hết khem. Trước tiên phải đến mừng tuổi ông bà ở nhà thờ tộc; sau đó đi chúc Tết bề trên, những bậc tôn trưởng trong họ tộc.

Tục ngữ có câu:

Mùng Một Tết Cha,

Mùng Hai Tết Mẹ,

Mùng Ba Tết Thầy,

Tết Cha là đi lại chúc Tết họ hàng bên nội. Mùng Hai là ngày chúc Tết họ hàng bên ngoại, họ hàng của mẹ; người đã lập gia đình thì chúc Tết họ hàng bên nhà vợ cũng vào ngày này.

Còn mùng Ba đi chúc Tết Thầy: Trước hết là thầy học và thêm vào đó là thầy thuốc, người đã giúp cứu chữa bệnh tật cho mình hay thân nhân mình trong năm qua.

Đây là ước lệ chỉ việc chúc Tết theo sự phân biệt thân sơ, trước sau cụ thể. Theo đó, các cô dâu buộc phải ở lại nhà chồng cả ngày mùng Một để lo cỗ bàn cúng tổ tiên đầu năm.

Nếu là con thứ, mùng một vợ chồng phải đem lễ vật, hương hoa đi cúng Nguyên đán ở nhà tộc trưởng. Sang mùng hai, cô dâu và chú rể mới về chúc Tết bố mẹ và bà con bên vợ.

Ở miền Trung, mùng hai cử hành lễ Tết nhà. Còn ở miền Nam, việc đi chúc Tết, thăm viếng cho đến hết ngày mùng Hai là dứt, bởi mùng Ba, nhà nhà đều tổ chức lễ Tết nhà.

[…]

Lễ Tiễn Ông bà, còn gọi là lễ Hóa vàng, tổ chức vào mùng ba; lại có nơi, có vùng tổ chức vào mùng bốn.

Có ý kiến cho rằng ngày xưa, nhà quan làm lễ Tiễn Ông bà vào mùng ba, và nhà dân không muốn tổ tiên mình phải chen lấn trên đường trở về cõi âm nên cúng tiễn vào mùng bốn, không rõ nhà nước quân chủ có ban bố mệnh lệnh gì liên quan đến việc lệ này.

Ở lễ hóa vàng, ngoài những cống phẩm đã bày biện trong ba ngày Tết, thêm mới là xôi, con gà luộc và hương hoa, trầu cau đều thay mới. Mục đích nhằm cảm tạ tổ tiên đã về với con cháu và bái biệt tổ tiên trở về âm giới.

Sach Khao luan ve Tet anh 2

Mâm cỗ cúng ngày Tết. Ảnh: Phạm Thắng.

Ở miền Bắc, tục gọi lễ Tiễn Ông bà là hóa vàng. Việc này là chủ vào việc đốt vàng mã trong lễ này.

Vàng có nhiều loại làm bằng giấy trang kim và đồ mã gồm các đồ dùng thông thường như áo, quần, giày, mũ, nón, quạt, các loại trang sức...

Tập tục này, bắt nguồn từ tín niệm “Âm dương đồng nhất lý”, tức coi người chết cũng có những nhu cầu như trên dương thế. Đây là điều mê tín, song tập tục này đến này vẫn còn bảo thủ.

Lại có tục, khi hóa vàng xong, người ta lấy 2 cây mía đã đặt 2 bên bàn thờ ngày Tết, đem hơ trên lửa đỏ. Hai cây mía được coi là “gậy ông vải” (Hán: Tiên nhân trượng).

Việc hóa hai cây mía được cho rằng chúng sẽ thành đòn gánh để tổ tiên gánh vàng mã về cõi âm và cũng khí giới để tổ tiên mình chống lại bọn quỷ sứ cướp giật vàng mã.

Ở Nam bộ, tục tiễn Ông bà vào mùng 4 tết, theo Lê Văn Phát: Theo lệ cổ, nhà quan tiễn ông bà vào buổi sáng và nhà dân làm lễ vào buổi trưa.

Đây là lễ lớn của Tết - gọi là “Lễ Tạ”, và cũng coi trọng việc đốt vàng mã cho tổ tiên. Điều lưu ý là việc dùng giấy vàng bạc cúng Tổ tiên chủ yếu là loại nhỏ, gọi là “vàng bạc tiểu”; còn “vàng bạc đại” là dùng để cúng các gia thần thờ ở các tran thờ.

Đồ mã chủ yếu là “vải”, tức loại giấy “bắc thảo” gồm 6 màu. Giấy/vải đốt cúng cho tổ tiên nam giới in chữ “thọ”, còn giấy/vải dành cho nữ giới có in những bông hoa.

Các loại đồ mã khác ngày xưa hầu như không biết đến. Lễ Tiễn Ông bà, hệt như hôm làm lễ Rước Ông bà: Thắp nhang hai bên lối đi từ cửa ra ngoài cổng và con cháu gánh đung đưa trên vai các cúng phẩm (gạo, nếp, muối, bánh tét, bánh tổ...) đi theo Ông bà từ cửa chính ra ngõ, rồi vòng vào cửa sau: cất mọi thứ vào lu, chạn.

Huỳnh Ngọc Trảng / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY