Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ba mẹ nóng giận, con bắt chước

Nguồn cơn của vấn nạn bạo lực học đường có thể xuất phát từ chính gia đình khi ba mẹ nóng giận mất kiểm soát, làm gương xấu cho con trẻ.

Prudential anh 1

Theo thống kê của UNICEF (năm 2018), một nửa số học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 15 trên toàn thế giới (ước tính khoảng 150 triệu học sinh) từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Số liệu của Plan International và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát ở 5 quốc gia gồm Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan, Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng chịu đựng những ảnh hưởng của vấn nạn này.

Những con số biết nói

Khi chứng kiến những con số biết nói về tình trạng báo động ấy, người lo lắng nhất chính là các bậc phụ huynh có con đang trong độ tuổi đến trường. Phụ huynh nào cũng mong con đi học mạnh giỏi, được thầy cô quan tâm và có nhiều bạn bè tốt. Thế nên, họ không khỏi xót xa khi rơi vào hoàn cảnh có con bị bạo lực học đường.

Một phụ huynh không kiềm được nước mắt khi kể về lần đầu tiên phát hiện con bị bạn bắt nạt: “Hôm ấy tôi đi làm về, thấy con cứ nằm mãi trong phòng không chịu ra ngoài ăn cơm. Tôi vào phòng gọi thì thấy mặt con bị trầy một vết to còn đang rướm máu. Tôi hoảng hốt hỏi han, nhưng con cứ khóc nấc lên. Sau đó, tôi mới biết con ở trường bị bạn bắt nạt rất thường xuyên, đây đã là lần thứ 3, thứ 4. Những lần trước chỉ bị giật tóc, tát nên không để lại nhiều dấu vết”.

Câu hỏi đặt ra là “Từ đâu mà hiện tượng bạo lực này lại diễn ra thường xuyên đến vậy ở lứa tuổi học sinh?”, “Do đâu mà các em học sinh 12, 13 tuổi lại có những hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đến bạn đồng trang lứa như vậy?”.

Hệ quả của bạo hành gia đình

Theo nhiều nghiên cứu, mối quan hệ và tính cách của các thành viên trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân sinh quan của trẻ. Trước tiên, vấn đề giao tiếp giữa người vợ và chồng trong gia đình cần được suy xét. Những cơn giận dữ thường xuyên có mặt trong cuộc giao tiếp là biểu hiện rõ ràng của thực trạng bạo hành trong gia đình.

Đáng buồn hơn, những hành vi bạo hành ấy không chỉ gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của vợ hoặc chồng, mà còn in hằn trong tâm trí con trẻ qua hình ảnh ghê sợ. Theo tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A, đứa trẻ đi bắt nạt người khác có thể cũng không hiểu được động cơ nào thôi thúc mình làm điều ấy. Để lý giải, chỉ có thể nhận định rằng đó là hậu quả của bạo hành, đứa bé có thể đã bắt chước hành vi đánh đập, hành hạ khi từng chứng kiến cảnh tượng này trước đây trong chính gia đình mình.

Đối với trẻ nhỏ, sự bạo hành trong ký ức tuổi thơ tác động vô hình lên nhận thức, cảm xúc của trẻ. Hình ảnh cha mẹ cãi nhau, xô xát, tiếng la hét, chửi rủa giống những đợt tấn công tinh thần đối với nhận thức còn non nớt của các em. Chúng khiến các em lo lắng, sợ hãi ngay và dần bào mòn cảm xúc nếu trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh tượng bạo hành trong nhà. Sau đó, những đứa trẻ trở nên lầm lì, ít nói và có những biểu hiện bất bình thường như phá hoại đồ đạc, tự làm mình đau, hành hạ động vật xung quanh...

Prudential anh 2

Như vậy, phụ huynh cần nhìn nhận đúng về bạo hành gia đình để tránh làm thương tổn đến tâm hồn của các con. Không phải chỉ khi la mắng, đánh đập con cái mới gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, trong thực tế, chỉ riêng việc chứng kiến cảnh bạo lực giữa ba và mẹ cũng đủ để tâm hồn con chịu tổn thương.

Hãy là gương tốt cho con

Một đặc điểm ở trẻ từ khi mới lọt lòng đến 6 tuổi là hình thành nhận thức, hành vi chủ yếu qua con đường bắt chước. Trẻ bắt chước lời nói, hành động của người thân trong gia đình, đặc biệt ba mẹ. Những thói quen, cử chỉ, điệu bộ, cách nói năng được trẻ sao chép, lưu vào tiềm thức từ thời ấu thơ và dần trở thành một phần tâm lý.

Thế nhưng, việc trẻ thường xuyên bắt chước người lớn lại tồn tại hai mặt đối lập. Điều này vừa giúp trẻ phát triển trí thông minh, vừa có thể hình thành những thói quen xấu do bị ảnh hưởng từ hành vi của người lớn như chửi thề, bạo lực... Do đó, để tránh những hành vi tiêu cực tác động đến con cái, các bậc cha mẹ nên tránh sử dụng bạo lực khi giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, cũng như không nên dùng đòn roi để giáo dục con.

Đối với mối quan hệ vợ chồng, cả hai người cần nâng cao nhận thức của bản thân về hậu quả từ bạo hành trong gia đình. Qua đó, phụ huynh tự điều chỉnh hành vi phù hợp trong giao tiếp, ứng xử với các thành viên còn lại. Khi xảy ra bất đồng, mâu thuẫn, cha mẹ hãy tìm cách trấn tĩnh bản thân. Vợ chồng chỉ nên tiếp tục trò chuyện khi cả hai đã phần nào nguôi cơn giận và có thể thẳng thắn giao tiếp một cách lịch sự, tôn trọng đối phương.

Bởi khi cảm thấy bản thân bị xúc phạm trong cơn giận dữ, con người thường bật cơ chế phòng vệ để bảo vệ chính mình. Thông thường, ta sẽ “đáp trả” bằng việc đay nghiến điểm yếu, vết thương lòng của người kia. Phụ huynh hãy thống nhất những nguyên tắc chung trong giao tiếp như không đem chuyện cũ ra nói, không kéo những nhân vật ngoài lề vào câu chuyện, không dùng lời lẽ thô tục và đặc biệt không có hành động quá khích.

Trong giáo dục con cái, đòn roi có thể là giải pháp tạm thời phát huy tác dụng, nhưng không giải quyết được vấn đề nâng cao nhận thức về hành vi cho trẻ. Trong thực tế, các biện pháp kỷ luật chỉ đạt hiệu quả khi vạch ra sai lầm, giúp trẻ rút ra kinh nghiệm và không tiếp tục tái phạm ở những lần sau.

Để làm được điều này, cha mẹ hãy kiên nhẫn phân tích những hành động không đúng để trẻ nhận ra sai lầm của mình. Cùng với đó, phụ huynh đưa ra những cam kết với trẻ, chẳng hạn sử dụng phương pháp khích lệ, động viên hay kỷ luật tích cực để con hình thành thói quen tốt. Kỷ luật tích cực với trẻ bằng cách thiết lập những nguyên tắc với sự đồng thuận của trẻ qua việc cho phép con được lựa chọn, quyết định.

“Cha mẹ là tấm gương của con cái mỗi ngày, đừng để con bạn soi gương và tự thấy mình xấu xí”.

Tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A

Quay lại câu chuyện bạo lực học đường, ít nhiều phụ huynh từng có con bị bắt nạt hoặc bắt nạt người khác. Thế nhưng, có một sự thật là đa phần phụ huynh chỉ làm lớn chuyện khi con bị đánh và có phần thờ ơ lúc trẻ đánh bạn. Những bao biện thường thấy là “con còn nhỏ có biết gì đâu”, “bạn bè giỡn với nhau một tí ấy mà”. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đắc ý khi con khó bị bạn bè bắt nạt. Thế nhưng, dù ở trường hợp nào, cha mẹ cũng cần quan tâm trẻ, bởi những hành vi bạo lực dù ít hay nhiều cũng là biểu hiện của một tâm lý không bình thường.

Tiến sĩ Tô Nhi A phân tích thêm nhiều phụ huynh lo lắng con quá hiền lành sẽ dễ bị bắt nạt. Đây là một nỗi lo có cơ sở, nhưng không vì thế mà phụ huynh bảo trẻ rằng “nếu bạn đánh con thì phải đánh lại”. Đây là trở ngại và mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái mà phụ huynh dễ phạm phải.

Tuân thủ việc không dùng bạo lực và dạy dỗ trẻ bằng ngôn ngữ, nhưng vì xót con mà khuyên trẻ đánh bạn sẽ làm lung lay những điều phụ huynh đã định hình vững chắc cho con từ nhỏ. Thay vào đó, phụ huyh hãy giúp con vận dụng tối đa khả năng ngôn ngữ để giải quyết những vấn đề bạo lực học đường, rằng trẻ có thể nhờ sự trợ giúp của cha mẹ, thầy cô và người mình tin tưởng.

Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.

Giang Nghiên Dương

Bạn có thể quan tâm