Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba lần sụp đổ của hệ thống tiền tệ quốc tế trong một thế kỷ

Hệ thống tiền tệ quốc tế đã sụp đổ ba lần trong một thế kỷ qua, vào các năm 1914, 1939 và 1971. Mỗi lần như vậy kéo theo cả một thời kỳ hỗn loạn.

Mặc dù từ “sụp đổ” áp dụng cho đồng USD nghe có vẻ hơi giống trong sách Khải huyền (cuốn sách cuối cùng của Tân Ước), nhưng nó mang một ý nghĩa hết sức thực tế. Sụp đổ đơn giản là việc người dân và các ngân hàng mất niềm tin vào sức mua tương lai của đồng USD. Kết quả là những ai có USD sẽ “tránh xa” nó bằng cách chi tiêu nhanh hơn hoặc mua sắm tài sản hữu hình.

Sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi này khiến lãi suất cao hơn, lạm phát nghiêm trọng hơn và quá trình tích lũy tư bản tan rã. Kết quả cuối cùng có thể là tình trạng giảm phát (tương tự những năm 1930) hoặc lạm phát (tương tự những năm 1970), hoặc cả hai.

Sự sụp đổ đang diễn ra của đồng USD cũng như của hệ thống tiền tệ quốc tế là điều hoàn toàn có thể thấy trước. Đây không phải một kết luận mang tính khiêu khích. Hệ thống tiền tệ quốc tế đã sụp đổ ba lần trong một thế kỷ qua, vào các năm 1914, 1939 và 1971. Mỗi lần như vậy kéo theo cả một thời kỳ hỗn loạn.

USD anh 1

Ảnh minh hoạ.

Lần sụp đổ năm 1914 là hệ quả của Chiến tranh Thế giới thứ I, theo sau đó là những giai đoạn lạm phát phi mã và suy thoái luân phiên từ 1919 đến 1922 trước khi ổn định trở lại vào giữa thập niên 1920. Tuy nhiên, đi kèm với đó là một chế độ bản vị vàng nhiều sai sót - nhân tố đưa thế giới đến lần sụp đổ mới trong thập niên 1930.

Chiến tranh Thế giới lần II là nguyên nhân gây ra cuộc sụp đổ 1939 và lại ổn định một lần nữa nhờ hệ thống Bretton Woods được thiết lập năm 1944.

Lần sụp đổ năm 1971 xảy ra do lệnh cấm chuyển đổi USD thành vàng của Nixon, mặc dù quyết định này đã được xem xét trong nhiều năm trước đó. Tiếp nối sự kiện này lại là một giai đoạn hỗn loạn khác, gần như đẩy đồng USD đến bờ vực sụp đổ vào năm 1978.

Lần sụp đổ sắp tới, cũng giống những lần trước, có thể liên quan tới chiến tranh, vàng hoặc tình trạng hỗn loạn, hoặc cả ba. Cuốn sách này chỉ đề cập đến những mối đe dọa gần nhất đối với đồng USD - những sự kiện nhiều khả năng sẽ xảy ra trong một vài năm tới, đó là: chiến tranh tài chính, giảm phát, lạm phát phi mã và sự sụp đổ của thị trường. Chỉ những quốc gia và cá nhân nào chuẩn bị sẵn sàng ngay hôm nay thì mới sống sót được qua cơn cuồng phong đang ập đến.

Sự lụi tàn của đồng tiền không sử dụng những phương pháp đầy tính “mị dân” - mặc cho chúng rất phổ biến, mà dựa vào lý thuyết về độ phức hợp (complexity theory) và coi đây là thấu kính tốt nhất để xem xét những rủi ro hiện tại cũng như hệ quả có thể xảy ra trong tương lai.

Thị trường vốn là hệ thống phức tạp hơn bất cứ hệ thống nào khác. Lý thuyết về độ phức hợp tương đối mới mẻ trong lịch sử khoa học, nhưng trong 60 năm tồn tại, nó đã được ứng dụng rộng rãi để nghiên cứu thời tiết, động đất, các mạng lưới xã hội và những hệ thống kết nối chằng chịt khác.

Lý thuyết này chỉ mới được áp dụng cho thị trường vốn trong thời gian gần đây, nhưng nó đã đem lại nhiều hiểu biết sâu sắc về các phép đo độ rủi ro và sự biến động của giá cả - những nhân tố có khả năng dự báo chính xác hơn so với các phương pháp truyền thống.

Như các bạn sẽ thấy, lần sụp đổ tài chính tiếp theo sẽ là vô tiền khoáng hậu. Nhưng một tầm nhìn sáng suốt hơn về những biến cố đang diễn ra trên thị trường tài chính thế giới có thể giúp các nhà đầu tư suy nghĩ thấu đáo về những chiến lược tối ưu.

Trong phần kết luận của cuốn sách, các bạn sẽ tìm thấy một số khuyến nghị, nhưng khi đứng giữa ngã ba đường và đối mặt với cái chết của đồng USD thì để quyết định được lời khuyên nào đúng đắn nhất, bạn phải hiểu biết tường tận về hàng ngàn rủi ro mình có thể gặp phải.

Hãy nghĩ đến một cuộc chiến tranh tài chính, chứ không chỉ là những hệ quả mà thị trường phải gánh chịu.

James Rickards/Bách Việt Books & NXB Dân Trí

Bình luận

SÁCH HAY