Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Ba kênh đầu tư quan trọng cho gen Z 

Dù lạm phát đang rình rập, Gen Z Việt Nam vẫn có tỷ lệ thành công cao hơn so với gen Z thế giới; điều kiện là họ phát triển bản thân đúng cách, theo GS.TS Andreas Stoffer.

“Khủng hoảng lạm phát, không sớm thì muộn, cũng sẽ trở lại Việt Nam lẫn thế giới”, GS.TS Andreas Stoffer (Giáo sư Quản lý Quốc tế tại Đại học Quốc tế SDI Munich), nhận xét trong tọa đàm “Gen Z và tương lai của nền kinh tế” nhân dịp ra mắt sách Đánh bại lạm phát (Hermann Simon và Andreas Stoffer).

Tuy nhiên, ông cũng cho biết gen Z (những người sinh trong giai đoạn 1997-2012), với vai trò là lực lượng lao động chính trong tương lai, có thể đầu tư vào 3 lĩnh vực để phát triển bản thân và góp phần đánh bại lạm phát.

Theo quyển Macroeconomics (Tạm dịch: Kinh tế vĩ mô - PV), lạm phát nghĩa là tình trạng tăng giá liên tục của các loại hàng hóa, dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Lạm phát sẽ dẫn đến vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội khi có tỷ lệ trên 10%/năm.

“Bóng ma lạm phát luôn rình rập”

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, GS Stoffer cho biết các vấn đề liên quan đến lạm phát đã quay trở lại ở Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2021. Đây cũng là năm mà tỷ lệ lạm phát ở hai khu vực này cũng đạt mức cao nhất từ những năm 1970 khi lần lượt đạt mức 7,5% và 4,9%.

gen Z va lam phat anh 1

GS.TS Andreas Stoffer (giữa) và TS Nguyễn Thanh Phúc (phải) thảo luận về những điều gen Z có thể làm trong lạm phát. Ảnh: NVCC.

Cùng thời điểm đó, tại Việt Nam, con số này đã tăng lên 2,64%. “Rất có thể lạm phát ở phương Tây sẽ tiếp diễn trong tương lai và tác động đến Việt Nam dưới dạng ‘lạm phát nhập khẩu’”, GS của Đại học Quốc tế SDI Munich nhận định.

Theo sách Đánh bại lạm phát, chính phủ Việt Nam cần chú ý đến 7 vấn đề lớn nếu không muốn cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2010 tái diễn, bao gồm: những vướng mắc còn sót lại từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2010; hậu quả của Covid-19; xung đột thương mại quốc tế; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; dân số ngày càng già hóa; chiến tranh quốc tế và “lạm phát nhập khẩu” ở Việt Nam.

gen Z va lam phat anh 2

Sách Đánh bại lạm phát phân tích những điều mà doanh nghiệp có thể làm khi lạm phát tăng mạnh. Ảnh: Fahasa.

Trao đổi với GS Stoffer, TS Nguyễn Thanh Phúc (giảng viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Văn Lang) cũng đồng ý với ông về những rủi ro mà lạm phát có thể mang đến.

Tuy nhiên, TS Phúc nhấn mạnh tình hình lạm phát ở Việt Nam cũng như thế giới trong năm 2024 "đang được kiểm soát khá tốt".

“Năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam chỉ tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đến 3 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng lẫn lạm phát đều có mức tăng nằm trong kế hoạch và cho thấy nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tiếp theo còn có nhiều dư địa phát triển”, TS Phúc phân tích.

Ông nói thêm lạm phát ở Mỹ trong năm vừa qua cũng thấp hơn dự báo. Do vậy, theo nam giảng viên của Trường đại học Văn Lang, lạm phát vẫn không mang đến nhiều áp lực trong năm nay. “Dù vậy chúng ta vẫn phải đặc biệt cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế có nhiều biến động”.

Gen Z Việt Nam dễ thành công hơn gen Z thế giới

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, GS Stoffer cho biết gen Z cũng có vai trò quan trọng trong quá trình đối phó với lạm phát của Việt Nam và thế giới.

“Hiện tại, trong các tập đoàn, đa số quản lý cấp cao là gen X, các quản lý cấp trung là gen Y trong khi đội ngũ chuyên viên, thực tập sinh chủ yếu là gen Z. Do vậy, mọi người vẫn suy nghĩ gen Z ít có cơ hội nêu ý kiến, chỉ đạo thực hiện các chiến dịch chống lạm phát của công ty”, ông nói.

Tuy nhiên, theo tác giả sách Đánh bại lạm phát, gen Z vẫn có vai trò quan trọng vì họ là lực lượng lao động chính trong tương lai. “Và đó cũng là thời gian mà lạm phát có thể xảy ra”, ông nói. Do đó, ông đề nghị gen Z là thế hệ cần phải quan tâm đến các kiến thức về lạm phát hơn ai hết.

gen Z va lam phat anh 3

Theo tác giả sách Đánh bại lạm phát, gen Z vẫn có vai trò quan trọng vì họ là lực lượng lao động chính trong tương lai. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Phát triển bản thân một cách toàn vẹn chính là giải pháp tốt nhất là họ có thể làm ở hiện tại. Thứ nhất, các bạn trẻ cần đầu tư vào mạng lưới các mối quan hệ để tham gia vào các cộng đồng học thuật, doanh nhân, tri thức chuyên nghiệp. Thứ hai, họ cần trau dồi kiến thức phù hợp, từ chiều rộng lẫn chiều sâu. Thứ ba là có ý thức tích lũy tài sản cho bản thân, ví dụ mua vàng”, GS Stoffer nói.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu kinh tế này còn nhấn mạnh: “Gen Z Việt Nam dễ thành công hơn so với gen Z thế giới”. “Tôi đã làm việc với nhiều bạn trẻ trên thế giới. Nếu gen Z châu Phi phải vật lộn với những khó khăn về kinh tế, chính trị, gen Z Mỹ đang tận hưởng lối sống tự do, vui vẻ thì gen Z Việt Nam là những người ấp ủ nhiều hoài bão, có kế hoạch phát triển bản thân rõ ràng và sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng”, ông nhận xét.

Bổ sung cho GS Stoffer, TS Phúc nói: “Gen Z Việt Nam không chỉ có nhiều hoài bão mà còn có nhiều tiềm năng nhờ được tiếp cận môi trường giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, để nắm bắt đúng thời cơ trong bối cảnh ‘bóng ma lạm phát’ luôn rình rập, họ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn bất cứ thế hệ nào trước đó”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Đức An

Bạn có thể quan tâm