Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà Hứa Thị Phấn rút khỏi Hội đồng quản trị SSG Group

Sau những lùm xùm liên quan đến vụ án 9.000 tỷ của Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng, đến nay bà Hứa Thị Phấn đã rút lui khỏi HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn SSG (SSG Group).

Theo nghị quyết đại hội cổ đông thường niên SSG Group ban hành ngày 1/10, HĐQT công ty nhiệm kỳ 2016-2020 gồm các thành viên là các bà Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Thị Tường Giang, Hứa Thị Bích Hạnh và các ông Võ Thế Minh, Đinh Ngọc Ninh. 

Như vậy, bà Hứa Thị Phấn (tên thường gọi là bà Sáu Phấn) đã rút khỏi HĐQT SSG Group – vị trí bà tham gia từ năm 2012.

SSG Group hiện là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TPHCM như Saigon Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza, Mỹ Đình Pearl, trường quốc tế Wellspring...

ba Hua Thi Phan rut khoi HDQT SSG anh 1
Bà Hứa Thị Phấn trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh. Ảnh: Vietnamnet.

Hiện bà Phấn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ. Bà là cổ đông lớn và từng giữ chức vụ cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín trước khi ngân hàng này được ông Phạm Công Danh chuyển đổi thành Ngân hàng Xây dựng.

Tại phiên tòa Phạm Công Danh, Hội đồng xét xử (HĐXX) xét thấy bà Hứa Thị Phấn và những người liên quan trong quá trình quản lý, điều hành ngân hàng đã có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quản lý dẫn đến Ngân hàng Đại Tín bị âm vốn chủ sở hữu 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng.

Trước khi bị cáo Phạm Công Danh nhận tiếp quản ngân hàng, bà Phấn nhóm Phú Mỹ đã sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền thế chấp tài sản có giá trị thấp hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền ngân hàng góp vốn cổ phần và sử dụng.

Vụ việc có dấu hiệu tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do đó, HĐXX đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Hứa Thị Phấn nhóm Phú Mỹ và các cá nhân có liên quan.

Mới đây, báo chí dẫn nguồn tin kết luận điều tra vụ án cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Cụ thể năm 2012, lợi dụng chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước, ông Thắm muốn thâu tóm các ngân hàng này.

Tháng 2/2012, bà Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84,9% vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín cho ông Hà Văn Thắm với giá hơn 4.400 tỷ đồng. Ông Thắm phải chịu trách nhiệm trả nợ và sở hữu tài sản từ các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng. Sau đó, ông Thắm cho người vào quản lý ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan.

Sau đó ông Thắm đã môi giới chuyển nhượng lại số cổ phần trên cho ông Phạm Công Danh với phí 800 tỷ đồng. Sau đó đổi tên Đại Tín thành ngân hàng TMCP Xây dựng nhưng cũng không trả tiền cho bà Phấn và 800 tỷ cho ông Thắm như thỏa thuận.

Việc giao dịch của bà Phấn, ông Thắm và ông Danh nếu không thực hiện được sẽ không thể thanh khoản khiến NHNN tiếp tục sát nhập Đại Tín vào ngân hàng khác. Vì vậy, cả ba thống nhất Oceanbank sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn.

Vì đâu Phạm Công Danh ngã ngựa trong cuộc chơi nghìn tỷ?

Nuôi giấc mộng làm ông chủ ngân hàng nhưng không có nghiệp vụ, Phạm Công Danh đã ngã ngựa trong cuộc chơi nghìn tỷ của mình.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm