Huawei đang đón nhận nhiều tin mừng trong mảng smartphone, dù vẫn đang bị Google quay lưng. Sau khi bất ngờ vượt qua Samsung và chiếm vị trí số 1 trong ngành smartphone vào tháng 4, Huawei tiếp tục được ghi nhận là nhà sản xuất smartphone cao cấp số 1 tại Trung Quốc, chiếm hơn 90% thị phần điện thoại đắt tiền tại đất nước tỷ dân.
iPhone 11 đang là smartphone bán chạy nhất thế giới, và chiếm tới 30% thị phần smartphone cao cấp. Ảnh: Cnet. |
Tuy nhiên, ở thị trường toàn cầu thì thống trị trong phân khúc này vẫn là Apple. Theo số liệu mà Counterpoint Research vừa công bố cho quý I/2020, Apple chiếm tới 57% thị phần mảng smartphone cao cấp, vượt trội hơn hẳn so với hai cái tên đứng sau là Samsung (19%) và Huawei (12%).
Tuy doanh thu mảng smartphone cao cấp đã giảm 13% trong năm qua do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, những mẫu smartphone đắt tiền vẫn chiếm tới 57% tổng doanh thu của thị trường smartphone.
Đây cũng là phân khúc mà các hãng điện thoại có lợi nhuận cao nhất. Ở phân khúc hấp dẫn này, ba cái tên kể trên đã chiếm tới 88% thị phần, để lại thị trường nhỏ còn lại cho những cái tên như Oppo (đứng thứ tư) và Xiaomi (đứng thứ năm).
Cả hai cái tên đến từ Trung Quốc đều có nỗ lực tham gia thị phần smartphone cao cấp trong năm qua. Oppo tăng trưởng tới 67% nhờ vào dòng Reno3, trong khi Xiaomi cũng tăng trưởng 10% với dòng Mi 10 và Mi Note 10.
Mate 30 là smartphone duy nhất không phải của Apple lọt vào top. Ảnh: Xuân Tiến. |
Xét về mẫu smartphone cao cấp bán chạy, iPhone 11 vẫn là chiếc điện thoại dẫn đầu thị trường với 30% thị phần, kế đó là 3 mẫu iPhone khác bao gồm iPhone 11 Pro Max (9%), iPhone 11 Pro (7%) và iPhone XR (6%). Mẫu smartphone không phải iPhone duy nhất lọt vào top 5 là Huawei Mate 30 Pro bản 5G.
Theo nhận định của Counterpoint Research, phân khúc 600-799 USD đang phát triển nhanh nhất với doanh số tăng 47% trong năm qua. Đây cũng là tầm giá của mẫu iPhone 11 và trước đó là iPhone XR, những smartphone bán chạy nhất năm 2019.
"Đây là tầm giá mạnh nhất của Apple hiện nay. Apple đã thử nghiệm độ co giãn nhu cầu về giá và nhận ra rằng giảm giá một chút để có mức giá cạnh tranh hơn có thể tạo ra giá trị từ người dùng trong thời gian từ 24-30 tháng", báo cáo của công ty phân tích này nhận định.