Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

​Bà con H’Rê nuôi trâu

Tuy được coi là vùng thấp của Đông Trường Sơn nhưng Sơn Thành vẫn trập trùng rừng núi, làng xóm của người H’Rê đều nằm ở những gò đồi bao quanh những lũng ruộng hẹp.

Những mái nhà ngói vươn lên bên vườn cây, kề bên là những đống rơm to, những chuồng trâu kiên cố, những bãi cỏ trồng xanh tốt chính là những chỉ dấu cho ai muốn tìm đến Sơn Thành - địa phương được cho là điển hình nuôi trâu theo mô hình mới của cộng đồng người H’Rê ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Tuy được coi là vùng thấp của Đông Trường Sơn nhưng Sơn Thành vẫn trập trùng rừng núi, làng xóm của người H’Rê đều nằm ở những gò đồi bao quanh những lũng ruộng hẹp.

Ông Đinh Dênh bên đàn trâu của mình.

Những con trâu bụ bẫm

“Nay đồng ruộng gặt gần xong nên vừa là dzờ knay tàđồng - mùa thả (chăn) đồng, vừa là dzờ knay tàvang - mùa thả núi. Khi đồng ruộng chưa gặt, mình phải thả trâu vô núi ăn, nhưng phải theo chân con trâu rồi trưa, tối đưa về chuồng chứ không phải thả rông cả tuần cả tháng trong núi như hồi xưa. Núi giờ dân mình trồng cây keo, chỗ có cây cỏ cho con trâu ăn còn ít lắm. Nuôi con trâu giờ phải chăm cho nó béo mập mới có để bán. Thời ông cha mình nuôi con trâu chỉ để cày, để đâm giết cúng yàng rồi chia nhau thịt mà ăn thôi...” - chủ trâu Đinh Dênh, 65 tuổi, ở làng Nước Chu, nói.

Nhìn những con trâu mập mạp gặm cỏ gặm rạ, những người chăn trâu ai cũng có vẻ phấn chấn. “Nuôi con trâu giờ khác thời trước nhiều lắm, tuy cực nhưng cái lợi thì có chắc trong tay. Mấy năm nay dân Sơn Thành mình nuôi trâu có kết quả là nhờ trên (Nhà nước) cho mỗi làng một con trâu đực giống đem ở tỉnh khác về. Cứ nhìn số trâu con trâu nghé hai năm trở lại đây khỏe mạnh, mau lớn, không bị chết trẻ thì biết cái lợi của con trâu đực giống trên cho...” - chỉ tay vào ba con nghé trên dưới một tuổi cùng đàn trâu nái hai con của mình, ông Đinh Dênh giải thích.

Ông cho hay con trâu đực ông được cấp nuôi để phối giống cho những con trâu nái trong làng từ hơn hai năm nay đã cho ra được 60 con nghé, tất cả đều lớn xác vóc, khỏe mạnh, mau lớn.

Cũng như hầu hết người H’Rê ở vùng cao của Quảng Ngãi, người H’Rê ở Sơn Thành bao đời nay vẫn xem con trâu, ruộng rẫy, chiêng, ché là những của cải chính để thể hiện sự giàu có của một người trong làng.

Ông Đinh Thành Tâm, 65 tuổi, chủ đàn trâu chín con với bốn trâu nái, bốn trâu nghé và một trâu đực giống được cấp, chia sẻ: “Hơn hai năm nay đàn trâu Sơn Thành phát triển được là bởi trâu con không còn tình trạng trùng huyết, cận huyết nhờ trên cho con trâu đực đem ở ngoài tỉnh về phối giống với trâu nái địa phương'.

Ông nói tiếp: "Trước đây dân mình có biết chuyện trùng huyết, cận huyết gì đâu. Cứ cho trâu đực trong đàn phối trâu nái trong đàn, nên đẻ ra trâu nghé còm ròm, có con chưa được một tuổi bị đau chết, nuôi hoài không thấy lớn. Nay thì khác hẳn rồi. Hơn hai năm nay cả Sơn Thành chưa có con trâu nghé nào đau chết, đàn trâu ở làng nào cũng tăng lên nhiều...”. 

Dưới mái chuồng kiên cố

Những người thường lui tới vùng cư dân H’Rê trước đây giờ nếu đến Sơn Thành sẽ ngỡ ngàng khi thấy những chuồng trâu kiên cố mái lợp ngói, nền trải bêtông bằng phẳng. 

“Có cái chuồng trâu chắc chắn, sạch sẽ như thế này gần ba năm rồi vậy mà cái bụng dân mình giờ cũng chưa hết vui. Hồi trước dân mình toàn nuôi trâu thả rông, không chuồng trại gì cả. Trâu thả ăn ở rừng, đến tối thì nó tự quây đàn lại ngủ giữa rừng. Đến khi đưa trâu về nhà thì buộc dây vào cổ mỗi con rồi buộc vào cái trụ trồng ở vạt đất bên nhà, nó phải chịu nắng chịu mưa. Bởi vậy nên cứ đến mưa lạnh là trâu ngã ra chết vì đói, vì bệnh tật...” - ông Đinh Văn Dê, chủ đàn trâu năm con ở làng Gò Chu, kể.

“Kịch bản mới” về nuôi trâu ở Sơn Thành còn dài ra với việc cư dân biết tạo nguồn thức ăn vỗ béo, chống đói, chống rét cho trâu trong mùa mưa bão thường kéo dài nơi rẻo cao Trường Sơn. Cùng với việc phơi khô rơm rồi chất thành cây để cho trâu ăn dần, việc trồng cỏ cho trâu ăn chính là “chuyện lạ” với cư dân nơi ngút ngàn bóng núi này.

“Khi khuyến nông huyện nói dân mình đến nhận cỏ giống về trồng ai cũng không nhận, họ nói “ai lại đem củi về rừng”. Phải một thời gian sau, khi thấy có vài người trồng thử thấy cỏ tốt, năng suất cao, trâu thích ăn thì bà con mới chịu trồng. Nay cỏ trồng là nguồn thức ăn chính cho trâu ăn quanh năm. Mùa mưa bà con còn cho trâu ăn thêm bột bắp xay, cám để thêm sức chống lạnh cho trâu...” - ông Đinh Hồng Ngót, phó chủ tịch UBND xã Sơn Thành, cũng là chủ đàn trâu nái bốn con, cho biết. 

“Sơn Thành hiện có hơn 300 hộ nuôi trâu theo mô hình mới với số trâu trên 1.300 con. Đó là chưa kể số trâu nghé bán ra cho người trong xã nuôi để tăng đàn, số trâu bán ra thị trường ngoài huyện cũng tăng hằng năm. Mấy năm nay nhờ việc chăn nuôi trâu ổn định nên khoản thu nhập từ trâu đã góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo cho cư dân người H’Rê Sơn Thành...” - ông Đinh Hồng Ngót nói.

Kỹ sư Ngô Hữu Hạ, gGiám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi, bảo: “Thành quả của người nuôi trâu ở Sơn Thành thật đáng phát huy bởi đây là vùng dân tộc ít người, có nhiều khó khăn, trở ngại, việc bà con tiếp nhận những kỹ thuật mới, chuyển biến nhận thức một cách tích cực như vậy là điều không dễ có”.

'Sàn giao dịch' trâu ở Si Ma Cai

Đó là ví von của người dân xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), khi nói về chợ trâu của xã mình - nơi “giúp dân bản người Mông có thêm nghề để xóa nghèo”.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150503/ba-con-hre-nuoi-trau/741332.html

Theo Huỳnh Văn Mỹ/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm