Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐẠI HỘI ĐẢNG XIII

Ba chương trình đột phá của TP.HCM trong nhiệm kỳ mới

Đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa thành phố là 3 chương trình đột phá mà TP.HCM hướng đến thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dành thời gian trao đổi với báo chí về quyết tâm thực hiện các mục tiêu chiến lược được đề ra trong văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.

Ông Phong cho biết trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TP.HCM vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra một chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn.

“Đây là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển thành phố”, ông Phong nói.

3 đột phá chiến lược, một chương trình trọng điểm

Chương trình đột phá đầu tiên được Chủ tịch TP.HCM đề cập là đổi mới quản lý.

Theo đó, TP.HCM sẽ chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý thành phố phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước.

Đồng thời, TP đề xuất tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố; xây dựng chính quyền đô thị; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông gắn với thành lập Thành phố Thủ Đức; thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

3 dot pha chien luoc cua TP.HCM trong nhiem ky moi anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra một chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới. Ảnh: Thu Hằng.


Chương trình đột phá thứ hai là phát triển hạ tầng thành phố.

“TP.HCM sẽ tập trung phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp và giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phong nói.

Theo ông, đột phá này còn giúp mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.

Đề cập đến chương trình đột phá cuối cùng, ông Phong cho hay đó là phát triển nhân lực và văn hóa thành phố.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài 3 chương trình đột phá, Chủ tịch TP.HCM cho biết địa phương còn xây dựng một chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố.

Theo đó, TP.HCM sẽ nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.

Song song với đó, TP chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỉ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“TP.HCM luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, nghiên cứu sâu kỹ dự thảo các nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng để vận dụng triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, ông Phong nhấn mạnh.

Thu nhập bình quân đầu người 8.500 USD vào 2025

Phân tích cụ thể về những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết nghị quyết xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương.

Cụ thể, đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đây cũng sẽ là địa phương đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. “GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD”, ông Phong thông tin.

3 dot pha chien luoc cua TP.HCM trong nhiem ky moi anh 2

Đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD; đồng thời, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng bộ TP.HCM là đưa TP trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

“Để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực”, Chủ tịch TP.HCM thông tin.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên…

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý tập trung một số giải pháp trọng tâm. Đó là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế TP.HCM nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó, phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.

“Đặc biệt, chúng tôi sẽ xây dựng TP.HCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”, ông Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng lưu ý việc phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Nên: Sai chỗ nào sửa chỗ đấy, sai mức nào xử mức đó

"Tổ chức, cá nhân nào sai thì xử lý tổ chức, cá nhân đấy, với động cơ trong sáng nhất và nghiêm minh", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Vì sao chính quyền TP Thủ Đức hoạt động sớm hơn kế hoạch?

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết bộ máy chính quyền TP Thủ Đức đi vào hoạt động sớm hơn kế hoạch để kịp chuẩn bị bầu cử.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm