Hôm tôi đến ăn ở nhà hàng Cục Gạch, cô bếp trưởng có ra chào và tự giới thiệu mình từng làm phụ bếp tại nhà hàng Thanh Niên của mẹ tôi cách đây mấy chục năm, lúc cô chỉ có 16-17 tuổi. Thì ra sau khi rời nhà hàng này cô đã từng đi qua nhiều cơ ngơi ẩm thực có uy tín khác ở nhiều vị trí khác nhau để cuối cùng trở thành một bếp trưởng chuyên nghiệp. Chủ nhà hàng Cục Gạch nói là phải đeo đuổi mấy năm mới mời được cô bếp trưởng này về cộng tác.
Điều đó làm tôi rất vui và hãnh diện, nhưng có một chi tiết vô cùng thú vị là cô bếp trưởng này sau ngần ấy thời gian mà vẫn còn nhớ về một kỷ niệm liên quan đến cách mà mẹ tôi khen thưởng nhân viên. Cô kể rằng hôm đó mình được mời lên văn phòng để gặp “Cô Ba” (tên thân mật nhân viên gọi mẹ tôi) mà trong bụng đầy lo lắng, vì đối với một nhân viên lính mới như cô không có lý do gì để chủ nhà hàng muốn gặp riêng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Freepik. |
Cô kể, khi vừa bước chân vô văn phòng, cô Ba không những không la rầy mà còn nở nụ cười trìu mến và khen ngợi cô đã làm việc rất tốt trong thời gian qua, rồi chỉ tay về phía cái giường mà cô Ba dành để nghỉ trưa, trên đó đã có sẵn vài món nữ trang bằng vàng chiếu lấp lánh.
Cô Ba nói con có thể chọn một món trong số đó, thích món nào lấy món đó, coi như một phần thưởng khích lệ tinh thần. Quá bất ngờ và vui sướng, cô phụ bếp trẻ chọn đại một món mà không cần suy nghĩ gì nhiều. Cô nói đây là món nữ trang mang nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất đối với đời mình, nên giữ mãi nó ở trong ký ức qua bao nhiêu năm tháng.
Câu chuyện nhỏ này làm tôi suy nghĩ nhiều, vì nó có liên quan đến những gì tôi hay nói, viết, tranh luận, và trong những năm gần đây là dạy đại học. Cách đối nhân xử thế, khen thưởng của mẹ tôi không theo một trường lớp nào, nhưng rõ ràng đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí nhân viên. Chắc cũng nhờ cách đối xử và khen thưởng “không giống ai” này mà đa số nhân viên đã gắn bó với nhà hàng Thanh Niên rất lâu, có người lên đến 35 năm!
Cách đây mấy chục năm khi mới đi du học Úc về, chính tôi là người luôn dị ứng với cách ứng xử, khen thưởng mang tính cá nhân đầy riêng tư này của mẹ, vì nó đi ngược lại với những gì mình đã học từ trường đại học. Là khen thưởng phải đâu ra đó, càng công khai càng tốt, nếu được thì tiêu chuẩn hóa, quy định hóa các tiêu chí và chế độ khen thưởng để toàn thể nhân viên trong tổ chức được biết rõ ràng mà phấn đấu. Chưa kể, khen thưởng cũng phải công bằng, nếu không sẽ dễ bị so bì, gây mất đoàn kết nội bộ và phản tác dụng. Đó là theo cách suy nghĩ chuyên nghiệp thông thường.
Tuy nhiên, cách khen thưởng nhân viên của mẹ tôi lại chứng minh rất hiệu quả. Món đồ nữ trang kia tuy quy ra thành tiền lúc đó cũng chỉ tương đương hơn một tháng lương, nhưng khi nó được tặng kèm theo một tình cảm rất riêng tư của mẹ tôi thì giá trị bỗng nhân lên gấp nhiều lần. Nếu nhìn từ góc độ quản trị nhân sự, thì đây có thể được xem như một “chiêu” động viên tinh thần làm việc vô cùng lợi hại.
Cách khen thưởng này còn vô tình làm cho người nhận phần thưởng cảm thấy “mắc nợ” về mặt tình cảm đối với người trao phần thưởng hay đối với doanh nghiệp một cách vô ý thức. Vì họ cảm thấy mình được quan tâm đặc biệt. Khi đó giá trị tinh thần của phần thưởng lấn át giá trị vật chất.
Bởi vậy, cô đầu bếp tập sự 16-17 tuổi ngày nào mới không quan tâm nhiều đến việc chọn món đồ nữ trang nào cụ thể, vì tất cả dường như có cùng một giá trị tinh thần như nhau. Quyền được chọn cái món mà mình ưa thích đối với cô là đã quá đủ. Đúng như người ta thường nói, “của cho không bằng cách cho”.
Câu chuyện khen thưởng nhân viên của mẹ tôi cách đây mấy chục năm được kể lại một cách tự nhiên và tình cờ từ cô bếp trưởng đã gợi cho tôi ý tưởng viết cuốn sách này. Đó là kể lại tất cả các câu chuyện tương tự mà tôi đã từng nghe, đọc hay gặp đâu đó trên con đường kinh doanh hay dạy đại học, và thấy thú vị vì nó khác biệt, đi ra ngoài lằn ranh của những ứng xử bình thường.
Tôi thích gọi những suy nghĩ hay cách làm có phần bất quy tắc này là “độc chiêu”, hay trong một chừng mực nào đó, là bí quyết góp phần tạo nên sự khác biệt để thành công.
Bình luận