Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà chủ Kim Cương, người 20 năm 'tháo lắp' nồi cơm điện

"Ráp xong cái nồi, tôi yêu nó quá, lôi ra lau chùi, ngắm nghía mãi, đóng gói xong đem về cất trong buồng chứ không bán, vì tiếc", bà chủ nồi cơm điện Kim Cương kể với Zing.vn.

Xuất thân từ gia đình làm nông nghèo ở Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc), học chưa hết cấp hai đã phải buôn thúng bán bưng phụ gia đình, nhưng bà Khổng Thị Minh, chủ thương hiệu nồi cơm điện Kim Cương, đã gây dựng thương hiệu nổi tiếng với doanh số mỗi năm hơn 800 tỷ đồng.

Nhà bà Minh có tới 8 anh chị em nhưng chỉ mình bà có máu kinh doanh từ nhỏ. Bà bảo mới học lớp 5 đã hái chanh đi bộ từ Vĩnh Phú ra Hà Nội bán kiếm lời. Học hết lớp 7, bà nghỉ học đi làm thuê phụ giúp gia đình.

Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời bà là năm 1978, khi khăn gói vào TP.HCM theo học ngành công an.

Khởi nghiệp bán máy bơm với 2 triệu đồng

- Đi học ngành công an, cơ duyên nào lại khiến bà gắn bó với lĩnh vực sản xuất nồi cơm điện, vốn không liên quan gì đến chuyên môn của mình?

- Máu kinh doanh đã ngấm vào tôi từ nhỏ nên dù làm công chức cuộc sống ổn định, tôi lại luôn thấy bí bách.

Năm 1994, tôi mượn của người bạn 2 triệu đồng làm vốn mở cửa hàng bán máy bơm nước và đồ điện gia dụng. Việc kinh doanh ban đầu rất thuận lợi, nhưng sau đó bị cạnh tranh nhiều quá. Tôi chuyển sang bán nồi cơm điện vì thấy sản phẩm gần gũi với việc bếp núc của người phụ nữ.

Ba chu noi com dien Kim Cuong khoc khi noi ve con anh 1
"Thành lập công ty năm 1999 nhưng một năm sau tôi mới sản xuất được cái nồi cơm điện hoàn chỉnh", bà Khổng Thị Minh, chủ thương hiệu nồi cơm điện Kim Cương. Ảnh: QĐ.

Buôn bán đang thuận lợi thì sản phẩm nhập khẩu bị đánh thuế rất cao. Tôi tính, nếu mình mua cái nồi về bán lời 40.000 đồng, đóng thuế hết 40.000 đồng thì không còn đồng nào cả. Nếu không tự mình đầu tư sản xuất thì chỉ dậm chân tại chỗ. Thế là tôi đi làm nồi cơm điện.

Tôi đem căn nhà (lúc đó được cấp) thế chấp ngân hàng vay 90 triệu đồng và dùng số tiền này làm vốn mở công ty.

- Đột ngột chuyển hướng từ bán máy bơm sang làm nồi cơm điện, việc sản xuất thời đó bà làm như thế nào? 

- Là phụ nữ nhưng tôi rất mê máy móc. Tôi ra chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) mua cái nồi cơm điện mang về, trải chiếu giữa nhà, mang tua vít, tháo cái nồi ra nghiên cứu từng chi tiết, để xem mình có thể làm được cái gì và phải nhập khẩu cái gì.

Tháo cái nồi ra xong thì phải xem lắp ráp lại thế nào. Tôi phải thuộc hết các công đoạn để hướng dẫn công nhân làm.

Đầu tiên tôi làm mẫu nồi 1,8 lít, hành trình cực kỳ gian nan.

Ban đầu, tôi phải nhập khẩu những phần khó như lõi điện, với tỷ lệ nhập khẩu khoảng 60%, nội địa hóa chỉ 40%. Bây giờ tỷ lệ nội địa hóa lên 80%. Chúng tôi vẫn phải nhập mâm điện, rơ-le… bởi các doanh nghiệp trong nước sản xuất được nhưng giá cao.

Có những lúc tôi tưởng mình không thể đi tiếp con đường đã chọn, vì đồng vốn thì ít, thiệt hại nhiều. Nhưng nhờ suy nghĩ: thất bại là mẹ thành công, tôi lại làm tiếp.

Thành lập công ty năm 1999, nhưng 1 năm sau đó tôi mới sản xuất được cái nồi cơm đầu tiên.

Ráp xong cái nồi, tôi yêu nó quá, cứ lôi ra lau chùi, ngắm nghía mãi, đóng gói sạch sẽ xong đem về cất trong buồng chứ không đem đi bán, vì tiếc. Mãi 3 tháng sau tôi mới đem đi bán. Lúc đó 30 công nhân mà một ngày chỉ ráp được 100 cái, bây giờ mỗi ngày chúng tôi có thể làm ra 7.000 cái nồi.

Nhiều đợt hàng tôi thua lỗ 1-2 tỷ là chuyện thường. Có những lúc tôi tưởng mình không thể đi tiếp con đường đã chọn, vì đồng vốn thì ít, thiệt hại nhiều. Tuy nhiên nhờ suy nghĩ: thất bại là mẹ thành công, tôi lại làm tiếp.

Ba chu noi com dien Kim Cuong khoc khi noi ve con anh 2
Bà Minh kể chuyện lần đầu ráp xong cái nồi, bà yêu quá mang về lau chùi, cất đến 3 tháng sau mới mang ra bán. Ảnh: QĐ.

Tôi là phụ nữ nhưng đi đâu thấy cái máy gì có thể mua để sản xuất được là mê lắm, đầu tư ngay. Từ ngày thành lập công ty đến nay, các loại máy móc đều một tay tôi sắm.

'Tôi làm bằng mười kế toán, công ty tôi không có cổ đông nào hết'

- Sản phẩm ra đời giữa lúc rất nhiều thương hiệu nước ngoài tràn vào Việt Nam, mà chủ yếu là hàng Trung Quốc, bà cạnh tranh bằng cách nào?

- Đúng là tôi liều. Tuy nhiên, nói thật, thời điểm đó trong nước chỉ có vài thương hiệu như nồi cơm điện Phú Thọ, nồi cơm điện Thăng Long, còn lại là sản phẩm xuất xứ Trung Quốc.

Tôi đích thân đi chào hàng. Lúc đó giá nồi cơm của tôi cao hơn khoảng 40.000 đồng so với nồi Trung Quốc nhưng tôi tự tin vì hàng mình dày dặn và chắc chắn hơn.

Chúng tôi còn bảo hành sản phẩm, nên khi ra thị trường được chấp nhận ngay. Tôi cũng cho lập đường dây nóng, để khi nào khách hàng cần tư vấn đều được chăm sóc.

Khó khăn nhất với chúng tôi là sản phẩm quá mới, người ta lại cho là giống hàng Trung Quốc, nên bị quản lý thị trường để ý, nhiều lần đến công ty xác minh.

- Rồi bà bán hàng bằng cách nào?

- Cách tiếp thị của tôi rất đơn giản. Trong miền Nam, tôi chỉ có 12 đại lý cấp 1 nhưng hàng ra đến đâu, tôi chào sẽ được đại lý bán, với doanh số không nhỏ.

Điều này cũng bắt đầu từ tình cảm của tôi dành cho các đại lý. Tôi chăm chút họ, tình cảm với họ giống như người trong gia đình. Bình thường một công ty như tôi phải có ít nhất 40 nhân viên tiếp thị. Tôi thì không, tôi lấy tiền đó giảm vào giá thành thì người tiêu dùng được hưởng.

Ba chu noi com dien Kim Cuong khoc khi noi ve con anh 3
Đồ điện gia dụng có đặc điểm là người làm phải yêu thích và đam mê, bởi vậy như một số doanh nghiệp khác, người sáng lập thương hiệu Kim Cương rất vất vả tìm người nối nghiệp: Ảnh: QĐ.

Trời thương cho tôi cái duyên bán hàng. Hàng sản xuất ra không đủ bán thì làm marketing gì nữa. Thậm chí khách hàng còn hỏi đùa tôi có bỏ bùa họ không mà hàng cứ ra đến đâu bán đến đấy.

- Một doanh nghiệp sản xuất, để bán được hàng đâu phải chỉ có duyên?

 - Quan trọng là mẫu mã thay đổi liên tục. Tôi thường đi nước ngoài, đặc biệt là mỗi năm vài lần tham quan các nhà máy lớn ở khu vực và Trung Quốc, tôi thấy họ đổi mẫu liên tục để kích thích người tiêu dùng. Một cái nồi thay đổi vài chi tiết đã thấy có sự đổi mới rồi.

Một năm ít nhất tôi cho ra thị trường 10 sản phẩm mới, trung bình mỗi tháng một sản phẩm. Tôi đã đầu tư phòng R&D từ 5 năm trước. Phòng có 4 người, tôi là người trực tiếp làm tìm mẫu mới và thay đổi.

Có lẽ công ty tôi có một không hai ở Việt Nam. Tôi tự làm hết.

Đồ điện gia dụng có đặc điểm là đòi hỏi người làm phải thật đam mê yêu thích. Mình làm chủ thì không chỉ có đam mê, mà còn phải vì trách nhiệm với doanh nghiệp.

Ở công ty tôi, phát triển thương hiệu mẫu mã, marketing bán hàng cũng chỉ có mình tôi thôi. Tôi làm bằng mười kế toán, đầu ra đầu vào, kêu hàng nhập hàng tôi làm hết. Nhân viên phụ làm với tôi, nhưng họ rất đồng lòng, hỗ trợ tôi hết sức.

Nhiều người đến công ty tôi, hỏi tôi có bao nhiêu cổ đông, tôi bảo chẳng có cổ đông nào, chỉ có mình tôi.

-Tại sao bà không chia việc cho công nhân của mình và hướng dẫn họ?

- Không phải tôi không tin nhân viên, mà như tôi đã nói, làm nghề này không đơn giản. Ông trời sinh ra tôi là một người phụ nữ đam mê. Bây giờ tôi không có người kế thừa, tôi chưa gặp người đam mê công việc này như tôi.

Tôi năm nay 60 tuổi, cũng đang cố gắng đào tạo và truyền lại cho những nhân viên nào yêu thích, sẵn sàng gánh vác. Còn nói thật là đến bây giờ tôi vẫn một mình.

Điều buồn nhất là con cái không nối nghiệp

-Tạo sao bà lại đào tạo và truyền nghề cho các công nhân mà không phải là con cháu của mình?

- Tôi có 3 đứa con: 1 trai, 1 gái, 1 con dâu. Con gái và con dâu đều là thạc sĩ kế toán quản trị kinh doanh, nhưng không đứa nào chịu nối nghiệp mẹ.

Ba chu noi com dien Kim Cuong khoc khi noi ve con anh 4
Với bà Minh, công nhân chính là tài sản bởi họ là người trực tiếp cũng bà gây dựng và phát triển doanh nghiệp. Ảnh: QĐ.

Làm nghề sản xuất này thì phải đam mê, vất vả, áp lực thì mới làm được. Các con tôi không đứa nào đam mê nghề này, cũng không chịu nổi áp lực.

Các con không theo nghề của mẹ, đó là điều rất buồn với tôi.

Nhiều khách hàng đến làm với tôi, họ lo sau này tôi không có người kế nghiệp thì thương hiệu Kim Cương này sẽ đi ra sao. Tôi rất đau lòng. Ở trong hoàn cảnh người nhà không chia sẻ, không kế nghiệp gia đình như tôi có lẽ rất hiếm.

 Nếu tôi bán doanh nghiệp và bán thương hiệu, tôi sẽ có rất nhiều tiền. Nhưng tôi nói với mọi người rằng nếu tôi bán Kim Cương ngày hôm nay, ngày mai tôi sẽ chết, tiền đó có mang theo đâu.

Tôi mong nhân viên của tôi có người sẽ làm được việc này giúp tôi.

Bây giờ tôi làm không phải cho mình, vì con nữa mà vì 300 công nhân, họ đang gắn bó với doanh nghiệp.

- Bà có nghĩ đến giải pháp khác là bán doanh nghiệp hay không?

- Nếu bán doanh nghiệp và bán thương hiệu của mình, tôi sẽ có rất nhiều tiền. Tuy nhiên, tôi nói với mọi người rằng nếu tôi bán Kim Cương ngày hôm nay, ngày mai tôi chết. Tiền đó tôi cũng để lại chứ có mang theo đâu.

Hành trình gây dựng thương hiệu mấy chục năm qua tôi rơi nước mắt, mồ hôi và cả máu cũng nhiều. Tôi không bao giờ bán đứa con tinh thần này mà sẽ chuyển giao cho nhân viên nào gắn bó.

- Con cái không chia sẻ, vậy khi mệt mỏi hay gặp khó khăn, ai trong gia đình là điểm tựa cho bà?

- May mắn tôi được chồng ủng hộ. Tôi muốn làm gì cũng được, ông ấy không bao giờ phàn nàn.

Ngay cả khi nhà chỉ còn cái xe cúp 81, tôi đem bán nốt lấy tiền làm ăn ông ấy cũng ủng hộ. Chồng tôi là người thầm lặng ủng hộ vợ,  dù ông ấy không rành về lĩnh vực này.

Sản phẩm bền, chắc nhưng mẫu mã tôi thua hàng nhập khẩu 3 điểm

- Nồi cơm điện Kim Cương nổi tiếng khắp các miền quê nhưng lại không có mặt tại các trung tâm điện máy lớn. Tại sao vậy?

- Đến các nhà trọ hay các gia đình ở miền Tây thì 10 nhà cả 10 nhà đều có nồi Kim Cương. Chúng tôi cũng đang sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của những gia đình có điều kiện. Ở tất cả phân khúc chúng tôi đều có hàng.

Tôi không đưa hàng vào các trung tâm thương mại, các hệ thống điện máy, bởi thực tế doanh nghiệp sản xuất chỉ mới đáp ứng nhu cầu thị trường truyền thống.

Ba chu noi com dien Kim Cuong khoc khi noi ve con anh 5
Vẫn miệt mài đi truyền cảm hứng cho người trẻ và luôn nhận được sự chia sẻ từ bên ngoài, nhưng bà Minh bảo nỗi đau nhất của mình là không được chính các con chia sẻ, gánh vác trách nhiệm phát triển cơ nghiệp. Ảnh: QĐ. 

"Gu" của siêu thị điện máy là nhập hàng thương mại với những cái tên kiểu "tây tây". Các siêu thị lại thường nợ hàng gối đầu tới 45 ngày, nên tôi không ham. Tôi chỉ muốn làm và mang đến tận tay người dân, người dùng.

- Ngoài vắng mặt ở các siêu thị điện máy, sản phẩm nồi cơm điện Kim Cương dường như cũng khó tiêu thụ ở thị trường miền Bắc?

- Trung bình mỗi ngày tôi đang bán khoảng 6.000 nồi cơm điện. Cả tháng bán tại thị trường miền Bắc chỉ bằng doanh số bán trong miền Nam một ngày.

Thú thật, tiêu thụ ở thị trường miền Bắc vẫn đang gặp khó khăn. Nhiều công ty làm thương mại, mua hàng Trung Quốc về dán nhãn mác nên mẫu mã thay đổi liên tục, bắt mắt người tiêu dùng, trong khi mẫu mã của tôi đơn giản. Thế mạnh lớn nhất của sản phẩm tôi làm là bền, chắc, nhưng để bắt mắt như hàng nhập khẩu thì tôi thua họ khoảng 3 điểm.

Nếu người Việt Nam ai cũng xài hàng Việt thì hàng ngoại làm sao vào được.  Cái quạt hay nồi cơm điện, có khó gì mà phải xài hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Một điều khó bán hàng của tôi lại là lý do giá rẻ. Giá làm cho người dùng nghi ngại là hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam.

Sản phẩm của tôi nồi cao cấp nhất, đắt nhất cũng chỉ 950.000 đồng, còn lại nồi bình dân có sản phẩm chỉ hơn 130.000 đồng được bảo hành 1-2 năm.

Nếu người Việt Nam mình ai cũng xài hàng Việt Nam thì hàng ngoại làm sao sang Việt Nam được. Trừ những loại mình không sản xuất được thì phải nhập, chứ cái quạt hay nồi cơm điện, có khó gì mà phải xài hàng Trung Quốc, Thái Lan hay các nước khác.

Ngày làm việc bắt đầu là đi chợ mua đồ về bán cho công nhân

- Một ngày của người chủ doanh nghiệp kham từ sản xuất đến bán hàng như bà thường bắt đầu như thế nào?

- Tôi không có thời gian cho mình. Cứ 4h tôi dậy, đi hết chợ nọ chợ kia, mua đồ về bán rẻ cho công nhân.

Ví dụ, công nhân mua tô cháo ở chợ 15.000 đồng thì mình mua nguyên liệu về nấu, bán cho họ 12.000 đồng, rồi cho công nhân nợ. Có lời dù ít dù nhiều tôi cũng cất hết làm từ thiện. Từ thiện của tôi cũng không mang đi đâu cả, cuối năm tôi chia cho công nhân hết.

May mắn trời cho tôi sức khỏe, có thể 20h hôm nay mới đi công tác xa về tới nhà, 22h đi ngủ nhưng sáng mai, 4h lại dậy đi chợ mua đồ nấu cho công nhân rồi.

Tôi thường bán cháo cho công nhân tăng ca, bán kem, bán gạo nữa. Tôi cứ để cái rổ ở đó, công nhân ăn xong tự bỏ tiền vào. Cuối năm tôi lại lấy ra chia hết.

Tôi ra xã hội, mọi người biết, chia sẻ rất nhiều với đam mê của tôi, nhưng con cái tôi lại không chia sẻ. Các con không theo nghề của mẹ, đó là điều rất buồn với tôi.

Quản lý nhân sự là điều quan trọng quyết định thành bại của doanh nghiệp. Tôi coi nhân viên như con mình và tin tưởng họ. Những gì có thể truyền được cho họ là truyền hết.

- Bà truyền nghề mà không sợ họ bỏ bà ra làm riêng sao?

- Ở các công ty thương mại, bỏ ra làm riêng thì dễ, còn lĩnh vực sản xuất như tôi, để làm ra được một cái nồi có khoảng 50 công đoạn, và phải đầu tư ít nhất 40 cái máy, kèm theo đó là biết bao nhiêu bộ khuôn. Một bộ khuôn tốn ít nhất 3 tỷ đồng.

Mỗi sản phẩm mới lại yêu cầu phải thay khuôn mẫu mới, nên việc đầu tư khá tốn kém. Mỗi năm cho ra 10 sản phẩm mới thì chỉ riêng mức đầu tư cho khuôn mẫu đã tương ứng khoảng 30 tỷ đồng.

Nhưng điều quan trọng nhất khi mình dùng công nhân là mình phải có lòng tin.

Ước mong của tôi là khi không làm được nữa tôi sẽ chuyển giao lại doanh nghiệp cho những công nhân đang gắn bó với tôi. Có thể họ thành lập công ty cổ phần gồm nhiều cổ đông chẳng hạn, để giữ lấy thương hiệu này.

- Xin cảm ơn bà.

'Nữ hoàng hột vịt' Ba Huân: Bàn tay tôi có thể cầm chắc 5 quả trứng

63 tuổi đời, bà dành 40 năm gắn bó với ruộng đồng, giúp đổi đời hàng nghìn nông dân nghèo miền Tây.





Hồng Nguyên

Bạn có thể quan tâm