Trong thế kỷ 20, cùng với khí đốt tự nhiên, dầu mỏ đã hạ bệ ngôi vị nguồn năng lượng của thế giới công nghiệp của ông vua than. Ảnh: Reuters. |
Có thể nói xung quanh câu chuyện về dầu mỏ có ba chủ đề lớn.
Thứ nhất là sự trỗi dậy và phát triển của chủ nghĩa tư bản và nền thương mại hiện đại. Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ 19.
Standard Oil, công ty kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ cuối thế kỷ 19, là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên và lớn nhất thế giới. Ngành kinh doanh này, trong thế kỷ 20, đã mở rộng tới mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà đầu tư, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước.
Sự bành trướng của nó là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ 20.
Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng - do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Đôi khi, chúng ra đời dựa trên những suy tính kỹ càng, và đôi khi, chúng lại chỉ đơn giản là kết quả của một sự tình cờ. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ.
Khi nghĩ về thế kỷ 21, chúng ta thấy rõ một điều rằng quyền lực của một con chip máy tính ngang ngửa với quyền lực của một thùng dầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn duy trì sức ảnh hưởng to lớn của nó. Trong số 20 công ty hàng đầu trong danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty có mức doanh thu lớn nhất của Mỹ) có đến bảy công ty dầu mỏ.
Chừng nào con người còn chưa tìm được một nguồn năng lượng thay thế khác thì dầu vẫn còn chi phối sâu rộng tới nền kinh tế toàn cầu; những thay đổi lớn về giá dầu có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế hoặc ngược lại, dẫn đến lạm phát và suy thoái kinh tế.
Ngày nay, dầu mỏ là loại hàng hóa duy nhất mà thông tin về những sự kiện và tranh cãi xung quanh nó không chỉ được đăng tải thường xuyên trên các chuyên trang về kinh doanh mà còn trên trang nhất các báo. Và cũng như trước đây, dầu mỏ vẫn là một nguồn sinh lợi lớn đối với mọi cá nhân, công ty và quốc gia. Theo lời một nhà tài phiệt thì, “Dầu mỏ gần như đồng nghĩa với tiền”.
Chủ đề thứ hai là dầu liên quan mật thiết với các chiến lược quốc gia, tình hình chính trị toàn cầu và quyền lực. Tầm quan trọng của dầu, với tư cách là một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia đã được khẳng định trên các mặt trận của cuộc Thế chiến 1, khi những chiếc máy chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than.
Dầu là tâm điểm của các diễn biến cũng như kết quả của cuộc Thế chiến 2 ở cả vùng Viễn Đông và châu Âu. Người Nhật tấn công Trân Châu Cảng với mục đích bảo vệ cánh quân bên sườn của mình khi họ đang tìm cách chiếm lĩnh nguồn dự trữ dầu ở vùng Đông Ấn. Một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Hitler khi xâm lược Liên bang Xô Viết là nắm giữ các mỏ dầu vùng Caucasus. Nhưng cuối cùng, Mỹ mới là nước thống trị về dầu mỏ, và khi kết thúc cuộc chiến, kho nhiên liệu của Đức và Nhật đều rỗng không.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến giành quyền kiểm soát dầu giữa các công ty đa quốc gia và các nước đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong phong trào đòi quyền độc lập của các dân tộc thuộc địa và của chủ nghĩa dân tộc mới nổi.
Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 - sự kiện đánh dấu con đường cùng cho các đế quốc châu Âu già nua - chủ yếu xoay quanh vấn đề dầu mỏ. “Quyền lực của dầu” đã trở nên lớn mạnh hơn rất nhiều trong những năm 1970, đưa các quốc gia trước đây vốn chỉ đứng ngoài lề các diễn đàn chính trị quốc tế lên vị trí của các nước giàu có và có ảnh hưởng, đồng thời tạo nên một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc trong khối các nước công nghiệp vốn vẫn dựa vào dầu để phát triển kinh tế. Và dầu cũng chính là trung tâm của cuộc khủng hoảng đầu tiên thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh những năm1990 - cuộc xâm lược Cô-oét của Iraq.
Tuy vậy, đôi khi dầu lại là kho vàng trong tay kẻ ngốc. Ước muốn mãnh liệt nhất của quốc vương Iran - sự giàu có nhờ dầu mỏ - đã trở thành hiện thực, nhưng cũng chính điều đó lại làm ông kiệt quệ. Dầu đã gây dựng nên nền kinh tế của Mexico, nhưng rồi lại khiến nó suy yếu.
Liên bang Xô Viết - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới - đã phung phí số doanh thu khổng lồ từ dầu trong những năm 1970 và 1980 cho một chiến dịch củng cố quân sự và một loạt cuộc phiêu lưu quốc tế vô dụng, thậm chí nguy hại.
Còn Mỹ, quốc gia từng giữ vị trí nhà sản xuất dầu lớn nhất và hiện vẫn là quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, phải nhập khẩu tới một nửa nguồn dầu cung ứng cho nhu cầu trong nước. Thực trạng này gây phương hại tới vị thế chiến lược tổng thể của Mỹ và làm gia tăng đáng kể gánh nặng thâm hụt mậu dịch - đây là một tình thế nguy hiểm đối với một cường quốc lớn.
Sau Chiến tranh Lạnh, một trật tự thế giới mới đang bắt đầu hình thành. Cạnh tranh kinh tế, những cuộc chiến giữa các quốc gia trong từng khu vực và những cuộc đấu tranh giữa các dân tộc, dưới sự trợ giúp và khuyến khích của việc phổ biến các loại vũ khí hiện đại, có thể sẽ thay thế hệ tư tưởng với vai trò là tâm điểm của mâu thuẫn quốc tế và quốc gia. Nhưng dù trật tự thế giới mới này có phát triển theo hình thái nào đi nữa, thì dầu vẫn sẽ là một nhân tố chiến lược đóng vai trò thiết yếu trong các chiến lược quốc gia cũng như trên chính trường quốc tế.
Chủ đề thứ ba trong lịch sử dầu mỏ lý giải vì sao xã hội của chúng ta lại trở thành một “Xã hội hydrocarbon” và chúng ta, theo ngôn ngữ của các nhà nhân loại học, lại trở thành “Con người hydrocarbon”.
Trong mấy thập kỷ đầu phát triển, việc kinh doanh dầu đã mang đến cho thế giới đang trên đà công nghiệp hóa một sản phẩm mang tên “dầu lửa”. Đây được coi là “ánh sáng mới”, giúp đẩy lùi bóng tối và kéo dài ngày làm việc. Cuối thế kỷ 19, chủ yếu nhờ buôn bán dầu lửa mà John D Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ.
Thời đó, xăng gần như chỉ là một sản phẩm phụ vô dụng. Khó khăn lắm mới tìm được một người mua xăng với giá cao nhất là 2 xu/gallon; còn khi không bán được, buổi tối người ta lại lén lút đổ xăng xuống sông.
Vào lúc sự xuất hiện của bóng đèn điện tưởng chừng như sắp đẩy nền công nghiệp dầu mỏ đi vào dĩ vãng thì một kỷ nguyên mới lại mở ra với sự phát triển của động cơ đốt trong dùng xăng. Ngành công nghiệp dầu mỏ lại có một thị trường mới. Và cùng với đó, một nền văn minh mới ra đời.
Trong thế kỷ 20, cùng với khí đốt tự nhiên, dầu mỏ đã hạ bệ ngôi vị nguồn năng lượng của thế giới công nghiệp của ông vua than. Dầu cũng trở thành nền tảng của phong trào ngoại ô hóa rộng lớn thời kỳ hậu chiến, làm biến đổi cả phong cảnh đương thời và lối sống hiện đại của chúng ta.
Ngày nay, chúng ta trở nên quá phụ thuộc vào dầu, và dầu cũng gắn bó quá mật thiết với sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, đến nỗi hiếm khi chúng ta dừng lại để cảm nhận hết tầm quan trọng bao trùm của nó.
Chính dầu đã biến mọi việc thành có thể - nơi chúng ta ở, cách chúng ta sinh sống, phương thức chúng ta đi làm hàng ngày hay đi du lịch, và thậm chí là nơi chúng ta có những mối quan hệ lãng mạn với người khác giới. Dầu là mạch sống của các cộng đồng khu vực ngoại ô. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là các thành phần không thể thiếu trong thuốc trừ sâu - loại thuốc đang chi phối nền nông nghiệp thế giới. Dầu đã khiến việc vận chuyển lương thực tới các thành phố lớn trên thế giới, nơi hoàn toàn không có khả năng tự cung tự cấp, trở nên dễ dàng. Dầu còn được dùng để sản xuất ra nhựa và các chất hóa học - cơ sở gây dựng nên nền văn minh đương đại, một nền văn minh có nguy cơ sụp đổ nếu các giếng dầu thế giới đột nhiên cạn kiệt.
Trong phần lớn thế kỷ này, việc con người ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ đã được gần như cả thế giới ngợi ca là một điều tốt lành, một biểu tượng cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng thời kỳ hoàng kim đó của dầu mỏ không còn nữa.
Cùng với sự phát triển của phong trào môi trường, các nguyên tắc cơ bản của xã hội công nghiệp đang đứng trước những thách thức to lớn; trong đó ngành công nghiệp dầu mỏ, trên mọi khía cạnh, bị săm soi, chỉ trích và phản đối nhiều nhất. Cả thế giới đang tăng cường những nỗ lực hạn chế hoạt động đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu, than và khí đốt tự nhiên) do những hậu quả mà việc làm này gây ra: ô nhiễm không khí, mưa axit, suy thoái tầng ozone và nguy cơ thay đổi khí hậu.
Dầu mỏ, mặc dù là một thành tố quan trọng của thế giới như chúng ta đều biết, hiện bị buộc tội là tác nhân chính khiến tình trạng suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng hơn. Và ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn vẫn tự hào về những tiến bộ công nghệ cũng như về những đóng góp của nó cho việc hình thành thế giới hiện đại, bỗng ngơ ngác nhận thấy mình đang ở hàng ghế bị đơn với tội danh là mối đe dọa của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, Con người hydrocarbon chưa hề có ý định sẽ từ bỏ chiếc ô tô, hay ngôi nhà ngoại ô của mình, hay những gì họ coi không chỉ là tiện nghi mà còn là thiết yếu đối với lối sống của họ. Các quốc gia đang phát triển cũng không đưa ra dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẵn sàng hy sinh các lợi ích của một nền kinh tế phát triển nhờ dầu mỏ để đổi lại những lợi ích về môi trường.
Hơn nữa, trước khi đưa ra bất kỳ ý tưởng nào về việc giảm tải lượng tiêu thụ dầu của thế giới, người ta cũng phải tính đến mức gia tăng dân số chóng mặt trong tương lai. Vào những năm 1990, dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm 1 tỷ người - tức là so với đầu thập kỷ, cuối thập kỷ dân số sẽ tăng thêm 20% - trong đó, đa phần người dân trên thế giới sẽ vẫn tiếp tục đòi hỏi “quyền” được tiêu thụ dầu. Các chương trình nghị sự quốc tế về môi trường của thế giới công nghiệp sẽ được đem ra so sánh với quy mô phát triển dân số.
Cùng lúc, trên diễn đàn quốc tế hiện đã nổi lên một trong những mâu thuẫn lớn và khó giải quyết của thập kỷ 1990 giữa một bên là sự ủng hộ việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, mạnh mẽ và ngày càng cao và một bên là quyết tâm phát triển kinh tế, các lợi ích của Xã hội hydrocarbon và những lo lắng về vấn đề an ninh năng lượng.