Ba chị em nhà Quah nắm giữ nhiều kỷ lục ở các kỳ SEA Games. |
Hôm 6/5, Quah Zheng Wen đánh bại hai kình ngư Việt Nam là Mai Trần Tuấn Anh và Cao Văn Dũng để giành huy chương vàng nội dung 200 m bơi ngửa nam với thành tích 55 giây 22 ở SEA Games 32.
Tấm huy chương này bổ sung vào thành tích của ba chị em nhà Quah tại các kỳ SEA Games (68 HCV). Trong lịch sử đại hội, không gia đình nào sở hữu thống kê ấn tượng hơn ba chị em nhà Quah.
Nguồn sức mạnh của bơi lội Singapore
Không chỉ Zheng Wen, hai thành viên còn lại trong gia đình là Quah Ting Wen và Quah Jing Wen góp sức giúp đội bơi lội Singapore giành HCV ở nội dung 4x100 m tiếp sức nữ hỗn hợp hôm 6/5. Họ đánh bại 4 VĐV Việt Nam là Phạm Thị Vân, Nguyễn Thúy Hiền, Lê Quỳnh Như và Võ Thị Mỹ Tiên. Riêng Jing Wen còn đem về thêm một tấm HCV ở nội dung 200 m bơi bướm nữ.
Ting Wen (bìa trái) và Jing Wen đem về tấm HCV nội dung 4x100 m bơi tiếp sức hỗn hợp nữ tại SEA Games 32. Ảnh: CNA. |
Trong ba chị em nhà Quah, Zheng Wen là VĐV sở hữu nhiều HCV nhất tại các kỳ SEA Games (28). Theo sau là Ting Wen (25) và Jing Wen (15). Trước thềm SEA Games 32, Straits Times tin rằng dù không có huyền thoại Schooling, đội tuyển bơi lội vẫn sẽ gặt hái nhiều thành tích ấn tượng trên đất Campuchia.
Gary Tan, HLV trưởng tuyển bơi lội Singapore, đặt mục tiêu giành ít nhất 20 HCV ở kỳ đại hội này. Gia đình nhà Quah là lực lượng chủ chốt giúp bơi lội Singapore chinh phục cột mốc nói trên.
Sự áp đảo của nhà Quah ở bộ môn bơi lội được thể hiện khi cả ba chị em nắm giữ tổng cộng 14 kỷ lục tại SEA Games. Tại Asian Games, ba chị em nhà Quah đều sở hữu những tấm huy chương. Hai chị em Ting Wen và Jing Wen còn nhiều lần đối đầu và được xem là đối thủ khó nhằn của Ánh Viên.
Ở trong nước, đây là một trong những gia đình nổi tiếng nhất trong lĩnh vực thể thao tại đảo quốc sư tử. Trong mắt truyền thông Đông Nam Á, bộ ba này được mệnh danh là những "kẻ săn huy chương".
Nhà Quah là gia đình nổi tiếng nhất làng thể thao Singapore lẫn Đông Nam Á trong những năm qua. |
Tấm HCV lịch sử
Những tấm huy chương của nhà Quah có ý nghĩa lớn khi giúp Đoàn Thể thao Singapore cán mốc 1.000 HCV trong lịch sử SEA Games, xếp thứ 6 trong 11 quốc gia, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines.
Phần lớn HCV của Singapore tại các kỳ SEA Games đến từ bơi lội. 4 trong 5 VĐV có nhiều HCV nhất lịch sử SEA Games là các kình ngư đến từ Singapore (Joscelin Yeo, Patricia Chan, Tao Li và Schooling).
Trước khi SEA Games 32 diễn ra, thể thao Singapore chỉ sở hữu 995 HCV. VĐV Noah Lim "mở hàng" cho đảo quốc sư tử với tấm HCV thứ 996 ở bộ môn Ju-jitsu. Ngoài ba chị em nhà Quah, một kình ngư khác của Singapore cũng giành một tấm HCV ở nội dung 100 m bơi tự do (Jonathan Tan).
"Khi chuẩn bị bước vào phòng họp báo, tôi có nói với các đồng đội rằng nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, Singapore sẽ sở hữu HCV thứ 1.000", Ting Wen chia sẻ, "Tôi rất phấn khích nhưng cũng khá lo lắng. Đây sẽ là vinh dự lớn cho các VĐV như chúng tôi".
Chị cả Ting Wen cảm thấy hạnh phúc khi có thể truyền lại niềm đam mê cho hai người em của mình. "Dù là chị cả nhưng tôi học được rất nhiều từ các em. Đó là sự dũng cảm, không bao giờ sợ hãi trước mỗi cuộc thi đấu. Chúng tôi cùng buồn khi ai đó gặp thất bại và có thể cùng ăn mừng khi một người thành công".
Em út Jing Wen, người từng được mệnh danh là "thần đồng bơi lội Singapore", chia sẻ thêm: "Là một trong những VĐV trẻ nhất đội tuyển (22 tuổi - PV), tôi có cảm giác như mình đang tiếp nối di sản từ thế hệ đi trước, những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi kiếm được hơn 1/3 trong số 1.000 HCV mà chúng tôi có được. Cảm giác đó thật tuyệt vời và xen lẫn chút căng thẳng. Nhưng tôi cũng rất thích cạnh tranh số huy chương với họ".
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...